Liên kết xuất khẩu sầu riêng để ngăn chặn thương lái xen ngang phá kèo, bẻ cọc

Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu sầu riêng lo ngại tình trạng bỏ cam kết, bẻ cọc dẫn tới tranh mua tranh bán kiểu "tham bát bỏ mâm". Để xuất khẩu sầu riêng bền vững, cần đảm bảo hài hòa lợi ích giữa nhà nông, nhà xuất khẩu và Nhà nước bằng mối liên kết bền chặt hơn.
sau-rieng-xuat-khau-01-1716084736.jpg
Xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam đang đứng trước những thuận lợi chưa từng có, đặc biệt là thị trường Trung Quốc sau khi nghị định thư được ký kết.(Ảnh minh họa)

Thương lái Trung Quốc xen ngang phá kèo, bẻ cọc

Xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam đang đứng trước những thuận lợi chưa từng có, đặc biệt là thị trường Trung Quốc sau khi nghị định thư được ký kết. Tuy nhiên, thời gian qua có nhiều vấn đề phát sinh, sầu riêng Việt Nam tại thị trường Trung Quốc chịu sự cạnh tranh khốc liệt về giá và thương hiệu từ nhiều quốc gia khác trong khu vực, như Thái Lan, Malaysia và kể cả nước chủ nhà Trung Quốc.

Theo ông Vũ Phi Hổ, Chủ tịch HĐQT Công ty sầu riêng Tây Nguyên Sarita, hầu hết sản lượng sầu riêng xuất khẩu của Việt Nam đang dựa vào DN Trung Quốc. Thương lái Trung Quốc sang Việt Nam đặt cọc với nông dân và vựa thu mua dùng số tiền này để chốt mua, chốt bán sau đó đóng gói liên công để xuất khẩu. Chuyện bỏ cam kết, bẻ cọc dẫn tới tranh mua tranh bán cũng khởi nguồn từ đây.

“Năm ngoái DN chúng tôi hợp tác với một số HTX ở Krông Pắc. Thời điểm đó tại vùng này họ thông tin sẽ cung ứng đủ 30.000 tấn sầu riêng nên DN đã giúp đỡ người dân trên 3,7 tỷ đồng để hỗ trợ những khoản chi phí về phân bón và công chăm sóc. Thế nhưng kết quả cuối cùng DN nhận lại là việc phá cọc đến 80% - 90%, DN mất hoàn toàn số tiền đó vì chỉ cần chênh nhau 1.000 đồng là nông dân họ phá cọc”, ông Hổ ngao ngán.

sau-rieng-xuat-khau-02-1716084717.jpg
Việc luật hóa bằng những quy định cụ thể đang trở nên cần thiết đối với một ngành hàng đặc thù như sầu riêng. (Ảnh minh họa)

Theo bà Ngô Tường Vy, CEO Công ty CP Tập đoàn Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu, thời gian qua Việt Nam liên tục đề cập vấn đề mã số vùng trồng, quản lý chất lượng sầu riêng. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có quy định nào bắt buộc nông dân muốn bán được hàng phải đáp ứng các yêu cầu về truy xuất nguồn gốc. Đặc biệt là quản lý tiến độ thu hoạch, một trong những yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng sầu riêng xuất khẩu.

Theo bà Vy, trong khi ở Thái Lan sản xuất sầu riêng được quản lý chặt chẽ, kể cả luật hóa hoạt động xuất nhập khẩu thì ở nước ta, ngành hàng sầu riêng phát triển giúp nông dân thu lợi rất lớn nhưng DN cũng “sập” rất nhiều do nông dân, thương lái không giữ đúng cam kết. Chính vì vậy, việc luật hóa bằng những quy định cụ thể đang trở nên cần thiết đối với một ngành hàng đặc thù như sầu riêng.

“Đã có rất nhiều DN mất hàng trăm tỷ đồng do bị hủy hợp đồng. Trong khi chỉ cần 1 hợp đồng không kịp thời gian hậu quả sẽ rất lớn. Quản lý ngành sầu riêng bằng luật đang là cái khó tại Việt Nam, vì vậy đề xuất Chính phủ có những cơ chế quản lý riêng để trong ngành hàng sầu riêng, từ đó giúp hoạt động xuất khẩu được bảo vệ và phát triển bền vững”, bà Vy đề xuất.

Đẩy mạnh công tác quản lý xuất khẩu sầu riêng

Theo Bộ NN&PTNT, lũy kế 3 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu rau quả đạt 1,23 tỷ USD, tăng 25,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, sầu riêng đang là mặt hàng trái cây có giá trị xuất khẩu lớn nhất, ước tính kim ngạch 500 triệu USD trong 4 tháng đầu năm. Giá trị xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc chiếm tới 98% tổng kim ngạch xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam. Theo số liệu của Cơ quan hải quan Trung Quốc, tuy số lượng tăng nhưng lại có xu hướng giảm về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.

Một số ý kiến cho rằng, nguyên nhân là do trong quá trình xuất khẩu thời gian qua đã phát sinh nhiều vấn đề. Liên tục nhiều mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói bị cảnh báo, có trường hợp bị cảnh báo nhiều lần liên quan đến chất lượng sản phẩm.

Trong bối cảnh giá trị xuất khẩu sầu riêng ngày càng tăng, yêu cầu đặt ra là phải duy trì phát triển ngành sầu riêng bền vững và nâng cao sức cạnh tranh, từ đó mở rộng thị trường xuất khẩu. Bên cạnh việc bảo đảm đủ sản lượng cung ứng, vấn đề chất lượng và an toàn vệ sinh sản phẩm là yếu tố then chốt.

sau-rieng-xuat-khau-03-1716084832.jpg
Cần tăng cường liên kết chặt chẽ giữa nông dân và doanh nghiệp để hướng tới xuất khẩu sầu riêng bền vững. (Ảnh minh họa)

Nhằm hướng tới sản xuất và xuất khẩu sầu riêng bền vững, hiệu quả, Bộ NN&PTNT yêu cầu Cục Trồng trọt chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương xác định quy mô các vùng trồng tập trung bảo đảm phù hợp với quy hoạch và định hướng đã được phê duyệt; hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật quy định về quản lý vùng trồng, cơ sở đóng gói và các chế tài xử lý vi phạm; xây dựng chương trình khoa học công nghệ trọng điểm cho cây sầu riêng.

Đối với Cục Bảo vệ thực vật, Bộ yêu cầu xây dựng các chương trình giám sát về an toàn thực phẩm và tiêu chuẩn chất lượng sầu riêng xuất khẩu và có kế hoạch đào tạo, tập huấn cho các địa phương. Đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các trường hợp gian lận và không tuân thủ yêu cầu kiểm dịch thực vật của nước nhập khẩu nhiều lần. Chỉ đạo các cơ quan kiểm dịch thực vật tại các cửa khẩu tăng cường kiểm tra kiểm dịch đối với các lô hàng sầu riêng xuất khẩu.

Cùng với đó, tiếp tục đàm phán mở rộng thị trường xuất khẩu sầu riêng và các sản phẩm từ sầu riêng; đôn đốc, hướng dẫn các địa phương xác minh nguyên nhân và thực hiện các biện pháp khắc phục đối với các vùng trồng, cơ sở đóng gói vi phạm; tăng cường hướng dẫn, tập huấn chuyên môn cho cán bộ địa phương, tổ chức, cá nhân về các quy định của nước nhập khẩu.

Bộ cũng yêu cầu các vùng trồng và cơ sở đóng gói tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình sản xuất, thu hoạch đáp ứng yêu cầu của Nghị định thư; thực hiện nghiêm việc ghi chép nhật ký sản xuất để phục vụ truy xuất nguồn gốc khi cần thiết. Các hiệp hội và doanh nghiệp xuất khẩu tăng cường tuyên truyền, tập huấn phổ biến các quy định về mã số, quy định của nước nhập khẩu để nâng cao nhận thức cho hội viên và hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng vùng nguyên liệu, cơ sở đóng gói đáp ứng các tiêu chuẩn nhập khẩu; duy trì và cải tiến điều kiện sản xuất tại vùng trồng, cơ sở đóng gói sau khi được cấp mã số xuất khẩu…

Ông Huỳnh Tấn Đạt, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, Bộ NN&PTNT cho biết, việc tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động xuất khẩu cần tiếp tục được đẩy mạnh hơn trong thời gian tới. Nhất là tổ chức lại hoạt động chuỗi liên kết ngành hàng mang lại sự thuận lợi, hài hòa trong sản xuất - thu mua, đóng gói – xuất khẩu.

“Cục đang xây dựng các hệ thống truy xuất và cơ sở dữ liệu đối với những trường hợp không tuân thủ, hay vi phạm để áp dụng các biện pháp xử lý triệt để, bằng cách tạm dừng hoặc thu hồi những mã số theo đúng như yêu cầu của Nghị định thư đã ký kết”, ông Đạt nhấn mạnh. 

Hiện nước ta có 708 mã số vùng trồng và 168 mã số cơ sở đóng gói sầu riêng tươi được cấp. Để phát triển bền vững ngành hàng sầu riêng, cần nhất là duy trì tốt về chất lượng, sự liên kết bền vững trong khâu tiêu thụ. Để làm được điều đó, tất nhiên cũng cần có những ràng buộc, chế tài đủ mạnh, đảm bảo cam kết phải được thực thi./.

Trọng Bình