Thu hút dự án trên 3.199 tỷ đồng, kỳ vọng nâng tầm giá trị sản phẩm tre luồng xứ Thanh

Cây luồng từng được xem là cây trồng góp phần “xóa đói giảm nghèo”, tạo công ăn việc làm cho những lao động ở khu vực miền núi. Thế nhưng, những năm gần dây, việc liên doanh theo chuỗi giá trị sản xuất giữa vùng nguyên liệu và cơ sở chế biến còn hạn chế, làm giảm giá trị cây luồng. Điều này kỳ vọng được tháo gỡ khi dự án nhà máy có vốn đầu tư 3.199 tỷ đồng đi vào hoạt động.
luong-1-1716083270.jpg
Toàn tỉnh Thanh Hóa hiện có khoảng 78.000 ha rừng tre luồng các loại.

Thiếu tiếng nói chung

Cây luồng tại Thanh Hóa có nguồn gốc từ rất lâu đời, được trồng chủ yếu ở các huyện miền núi phía tây như: Lang Chánh, Bá Thước, Quan Sơn và Quan Hóa. Những năm trước, cây luồng từng được kỳ vọng là cây thoát nghèo, góp phần tạo công ăn việc làm cho các hộ dân ở khu vực miền núi. Chính vì vậy, diện tích trồng luồng ở khu vực này liên tục tăng mạnh theo các năm.

Theo số liệu thống kê của Sở NN&PTNN tỉnh Thanh Hóa cho thấy, toàn tỉnh hiện có khoảng 78.000 ha rừng tre luồng, chiếm khoảng 50% diện tích rừng trồng của toàn tỉnh. Bình quân mỗi năm tỉnh Thanh Hóa cung cấp 60 triệu cây (tương đương 1,6 triệu tấn nguyên liệu) và 80.000 tấn nguyên liệu khác phục vụ chế biến và xuất khẩu.

Để nâng cao giá trị của cây luồng, giảm thiểu chi phí vận chuyển, nhiều nhà máy, cơ sở chế biến tại đây đã được thành lập. Hiện trên địa bàn các huyện miền núi có 57 cơ sở chế biến tre luồng, mỗi năm tiêu thụ 27 triệu cây, 36.000 tấn nguyên liệu khác, chiếm 45% sản lượng, điển hình như: Công ty CP mía đường Lam Sơn, Công ty TNHH VIBABO Thường Xuân, Công ty TNHH Sản Xuất và Thương Mại Bamboo Vina Hà Trung, Công ty TNHH tre Xứ Thanh, Công ty xuất khẩu Phương Đông, Công ty CP Ngọc Sơn, Công ty TNHH Sàn tre Việt Linh... Tuy nhiên chỉ ở dạng nhỏ lẻ, thiếu tập trung.

Theo thống kê, hiện nay có khoảng 55% sản lượng tre luồng còn lại được tiêu thụ qua 50 cơ sở nhỏ lẻ trong tỉnh, sản xuất sản phẩm thô như tăm đũa, vàng mã... Số còn lại được người dân tận dụng cắt thành cọc nhập ra các tỉnh ngoài như Hải Phòng, Hải Dương dẫn đến giá thành sản phẩm không cao.

Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên là do việc liên doanh, liên kết theo chuỗi giá trị sản xuất tre luồng ở các huyện miền núi chưa nhiều. Hiện mới chỉ có 2 doanh nghiệp liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ, cấp chứng chỉ FSC cho rừng tre, luồng với 5.414,6 ha. Trong đó, Công ty CP Ngọc Sơn với nhóm hộ huyện Quan Sơn, diện tích 3.045 ha rừng luồng, vầu; Công ty CP BWG Mai Châu với 545 hộ huyện Quan Hóa, diện tích 2.369,6 ha rừng luồng.

Qua đó cho thấy, hình thức liên kết theo chuỗi giá trị trong sản xuất chưa phát triển, các nhà máy chế biến chưa gắn kết với vùng nguyên liệu. Tỷ lệ nguyên liệu được các nhà máy đưa vào chế biến còn thấp (ước đạt khoảng 40%), chủ yếu là tiêu thụ ở dạng nguyên liệu thô, sản phẩm chế biến mới chỉ ở dạng sơ chế, nên giá trị sản xuất thấp và gây lãng phí tài nguyên, ô nhiễm môi trường.

luong-2-1716083423.jpg
Hiện tỉnh Thanh Hóa có 57 cơ sở chết biến tre luồng.

Để khắc phục tình trạng trên, các doanh nghiệp đã điều chỉnh kế hoạch sản xuất cho phù hợp với từng thời điểm trong năm. Đồng thời, rà soát, quy hoạch lại vùng nguyên liệu; chú trọng xây dựng, củng cố mối liên kết giữa doanh nghiệp và người dân trong việc tiêu thụ sản phẩm, đảm bảo đúng quy định của pháp luật và nguyên tắc "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ".

Kỳ vọng nhà máy “ngoại”

Trước thực trạng nêu trên, để gỡ khó cho cây luồng vùng cao, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ra Quyết định số 1625/QĐ-UBND về việc chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư Dự án Nhà máy sản xuất ván tre OSB staBOO Thanh Hóa tại xã Thiết Ống, huyện Bá Thước.

Dự án có vốn đầu tư khoảng 3.199.000 triệu đồng; trong đó: Vốn đầu tư giai đoạn 1 khoảng 3.196.349 triệu đồng, vốn đầu tư giai đoạn 2 khoảng 2.651 triệu đồng. Về nguồn vốn góp của nhà đầu tư 506.000 triệu đồng (chiếm 15,8% tổng vốn đầu tư), vốn vay 2.693.000 triệu đồng (chiếm 84,2% tổng vốn đầu tư).

Theo kết hoạch, Dự án được chia làm 2 giai đoạn. Cụ thể, giai đoạn 1 của dự án sẽ xây dựng nhà băm tre, nhà nghiền, nhà nghiền khô, khu lò hơi, phụ trợ lò hơi, xưởng sản xuất + phòng phân phối trạm biến áp đầu vào, hố xuất hàng, kho sinh khối, kho mùn cưa, kho lưu trữ tre lớn, kho lưu trữ tre nhỏ, xưởng hoàn thiện bề mặt, nhà phụ trợ sản xuất, trạm bơm nước, bể nước, khu xử lý nước thải, nhà cân, nhà thể chất, nhà bảo vệ...Giai đoạn 2 dự án sẽ xây dựng bốt bảo vệ và các hạng mục công trình hạ tầng kỹ thuật, phụ trợ liên quan.

Dự án này được hưởng các ưu đãi, hỗ trợ đầu tư theo quy định hiện hành của pháp luật nếu nhà đầu tư thực hiện đúng với hồ sơ đăng ký, đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định. UBND tỉnh Thanh Hóa giao cho các sở, ngành, địa phương tích cực hỗ trợ doanh nghiệp sớm hoàn thành các thủ tục đầu tư để sớm triển khai thực hiện dự án.

Dự kiến, khi nhà máy đi vào hoạt động, sẽ giải quyết nhu cầu việc làm cho 3.000 lao động, liên kết bao tiêu sản phẩm tre luồng cho tất cả các huyện miền núi và những vùng phù cận.

Ông Vi Văn Mong, trú tại xã Thiết Ống, huyện Bá Thước chia sẻ: “Dù trên địa bàn đã có cơ sản xuất, nhưng lúc luồng già cần thu hoạch thì nhà máy không mua, lúc chúng tôi cắt cọc bán cho thương lái thì nhà máy lại kêu ca, thiếu nguyên liệu… Từ khi nhận được tin sắp có dự án Nhà máy tre xuất khẩu về đây, bà con chúng tôi phấn khởi lắm, mong nhà máy sớm được xây dựng và đi vào hoạt động để cuộc sống bà con đỡ vất vả hơn”.

Hiện nay, thị trường xuất khẩu các sản phẩm từ tre luồng của tỉnh Thanh Hóa tập trung chủ yếu là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Malaysia, châu Âu, Bắc Mỹ… Thanh Hóa phấn đấu đến năm 2025 có 85% sản phẩm từ tre, luồng tiêu thụ trong nước, 15% xuất khẩu và đến năm 2030 có 75% sản phẩm từ tre, luồng tiêu thụ trong nước, 25% xuất khẩu.

Khi một nhà máy mang tầm cỡ Châu âu vào hoạt động, sẽ là lời giải cho bài toán “được mùa mất giá” của cây luồng ở các huyện miền núi xứ Thanh. Từ đó, góp phần giải quyết vấn đề việc làm cho người dân nơi đây. Từng bước đưa cây luồng trở về đúng vị trí là cây trồng “xóa đói giảm nghèo”./.

Hà Khải