Là kỹ sư điện, đang có công việc ổn định trên thành phố, anh Hà Minh Nguyện (Thanh Hóa) bất ngờ bỏ về quê nuôi gà.
Kỹ sư nuôi gà từng thua lỗ 400 triệu đồng
Tốt nghiệp chuyên ngành điện của Trường Đại học Điện lực, anh Hà Minh Nguyện (SN 1993, phường Đông Sơn, thị xã Bỉm Sơn, tỉnh Thanh Hóa) có mức lương tương đối cao sau khi ra trường.
"Mỗi lần về quê, nhìn những cánh đồng lúa, ngô trải dài bất tận nhưng chưa mang lại thu nhập cao cho người dân, tôi ấp ủ, nung nấu về một mô hình phát triển kinh tế mới. Cứ thế, trong 5 năm tôi tìm hiểu mô hình nuôi gà bằng thảo dược từ thực tế ở các trang trại và nghiên cứu qua sách báo, tài liệu", Nguyện cho biết.
Năm 2021, dịch COVID-19 bùng phát, dù gia đình can ngăn, Hà Minh Nguyện xin nghỉ việc ở công ty sau đó về quê để triển khai ý tưởng phát triển kinh tế trang trại được ấp ủ trong thời gian qua.
Khi về quê, Nguyện gặp ngay khó khăn vì thiếu địa điểm, diện tích làm trang trại. Không lâu sau đó, Nguyện gặp anh Lại Thành Biên (SN 1981) là người cùng quê, gia đình có 3ha đất nông nghiệp. Cuộc gặp gỡ đã khiến hai người cùng bắt tay vào triển khai ý tưởng làm kinh tế trang trại nuôi gà thảo dược mà Nguyện đã nghiên cứu, ấp ủ trước đó.
Nguyện chia sẻ xu hướng tiêu dùng hiện nay là hữu cơ và an toàn. Ban đầu, bộ đôi phân vân giữa gà và vịt. Sau một thời gian thử nghiệm, họ quyết định chọn gà vì cho rằng ít rủi ro hơn. Hai người khởi nghiệp bằng giống gà Ai Cập, chuyên đẻ trứng.
Quá trình nuôi gà của hai người đàn ông tay ngang không thuận lợi như kỳ vọng. Từ khoảng 200 con gà đầu tiên và những lứa tiếp theo đã có nhiều lần bị chết. Ngoài ra, do chưa nắm vững kỹ thuật nên trứng gà đẻ ra không đạt năng suất, tỷ lệ chất dinh dưỡng chưa cao, việc xuất ra thị trường cũng gặp nhiều khó khăn... Hơn một năm đầu, trại gà của hai anh em Nguyện thua lỗ hơn 400 triệu đồng.
Khắc phục sai số tối ưu hóa nuôi gà thảo dược
Không chùn bước, Nguyện tập trung xác định nguyên nhân, xin tham vấn, rồi nghiên cứu tìm ra nguyên nhân khắc phục những sự cố, tồn tại trong sản phẩm. Không phụ công những tâm huyết của hai anh em, đến đầu năm 2023, mô hình nuôi gà thảo dược đã thành công với chất lượng sản phẩm đạt các tiêu chí, được thị trường đón nhận.
Theo Nguyện, quá trình nuôi gà, ngoài những thảo dược như đinh lăng, chùm ngây, sả (tỷ lệ thảo dược chiếm khoảng 5%), trại gà của anh tuyệt đối không sử dụng cám công nghiệp hay kháng sinh.
Thức ăn cho gà chủ yếu là phụ phẩm nông nghiệp gồm ngô, lúa, đậu tương. Đặc biệt, Nguyện còn nghiên cứu ra loại đạm cá thảo dược, đây được xem là mắt xích dẫn đến thành công của trại gà. Đạm cá thảo dược là dạng công nghệ vi sinh nhằm bổ sung thức ăn, tăng chất dinh dưỡng và sức đề kháng cho gia cầm.
Nguyện nói gà nuôi bằng thảo dược có sức chống chọi tốt với môi trường, tuy nhiên cũng thường mắc các chứng bệnh như hen, đường ruột. Vì vậy, anh phải chú trọng tạo môi trường tốt cho đàn gà sinh trưởng. Khu vực chuồng trại được anh thiết kế thông thoáng về mùa hè, mát mẻ về mùa đông, tránh hướng gió độc. Ngoài ra, anh còn sử dụng đệm lót sinh học được làm từ vỏ trấu hun khói kết hợp phương pháp lên men vi sinh để đảm bảo an toàn cho đàn gà.
Hiện trang trại của Nguyện và đồng nghiệp rộng hơn 3 ha với khoảng 1.200 gà Ai Cập đẻ trứng. Ngoài ra, cơ sở còn liên kết sản xuất cùng hai trại gà khác của người dân địa phương với quy mô 3.000 con. Trung bình mỗi ngày trại gà của anh Nguyện và anh Biên xuất ra thị trường khoảng 2.500-3.000 quả trứng, trừ chi phí cho thu nhập khoảng 2 triệu đồng mỗi ngày.
Nguyện đang hoàn tất thủ tục để sản phẩm trứng gà thảo dược của trang trại được công nhận là sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP. Thời gian qua, nhận thấy được hiệu quả của mô hình nuôi gà bằng thảo dược, nhiều người dân ở thị xã Bỉm Sơn đã liên hệ đăng ký liên kết chăn nuôi hoặc chuyển giao quy trình./.