Tăng cường xúc tiến thương mại để mở rộng thị trường cho sản phẩm hữu cơ

Theo các chuyên gia, dù tiềm năng xuất khẩu của các sản phẩm hữu cơ Việt Nam rất lớn, Tuy nhiên, sản lượng sản xuất được của ngành hữu cơ thì chưa lớn và hiện phần lớn các sản phẩm vẫn đang phải xuất ở dạng nguyên liệu thô.

Theo số liệu của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), hiện Việt Nam có hơn 30 đơn vị xuất khẩu các loại rau, quả hữu cơ với thị trường xuất khẩu chủ yếu là Pháp, Đan Mạch, Thụy Sỹ, Thụy Điển, Trung Quốc… Ngoài ra, còn các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ xuất khẩu khác đem lại giá trị hàng triệu USD như cà phê, gạo, điều, hạt tiêu.

Đồng thời, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp hữu cơ hiện nay đạt khoảng trên 335 triệu USD/năm tới 180 thị trường trên thế giới, tăng hơn 418% giá trị xuất khẩu sản phẩm hữu cơ hàng năm giai đoạn 2010 – 2016. Các sản phẩm hữu cơ được xuất khẩu là chè, tôm, gạo, hạt điều, hạt tiêu, quế, hồi, tinh dầu, gia vị… nhưng với số lượng còn rất hạn chế.

Dự báo, quy mô thị trường thực phẩm hữu cơ toàn cầu sẽ tăng trưởng nhanh trong 05 năm tới với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm là 14%, từ 227,19 tỷ USD vào năm 2021 lên 259,06 tỷ USD vào năm 2022 và đạt 437,36 tỷ USD vào năm 2026; khu vực tăng trưởng mạnh nhất là Bắc Mỹ và châu Âu.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, công tác xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu sản phẩm hữu cơ ở Việt Nam chưa được đầu tư thực hiện diện rộng. Sản lượng sản xuất được của ngành hữu cơ thì chưa lớn và hiện nay phần lớn các sản phẩm vẫn đang phải xuất ở dạng nguyên liệu thô. Nhiều doanh nghiệp cũng đã phát triển các sản phẩm cao cấp, có đóng gói, có thương hiệu, nhưng thực tế thì chưa tiếp cận được sâu vào thị trường người tiêu dùng cuối cùng.

nong-nghiep-huu-co-1675677013.jpg
Tăng cường xúc tiến thương mại để mở rộng thị trường cho sản phẩm hữu cơ. Ảnh minh họa

Đánh giá về vấn đề này tại hội nghị giao ban xúc tiến thương mại (XTTM) với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tháng 1/2023 do Bộ Công Thương tổ chức mới đây, ông Phạm Minh Đức, Phó Chủ tịch Hiệp hội Hữu cơ Việt Nam cho biết: Hiện, các sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu chủ lực của Việt Nam đều đã có chứng nhận hữu cơ để xuất khẩu theo tiêu chuẩn EU và Mỹ như tôm, sữa, gạo, hạt điều, hồ tiêu, chè, cà phê... và một số gia vị đặc biệt. Tuy nhiên, sản lượng sản xuất của ngành hữu cơ chưa lớn. Do đó, hiệp hội vẫn cùng Bộ NN&PTNT tiếp tục đầu tư để nâng cao năng lực sản xuất cho các doanh nghiệp.

Trước đây, các sản phẩm hữu cơ chủ yếu xuất hiện ở siêu thị, các cửa hàng cao cấp thì nay đã chuyển sang có mặt nhiều ở các siêu thị, cửa hàng bình dân. Điều này cho thấy tiềm năng phát triển ngành hữu cơ vẫn còn rất lớn.

Tuy nhiên, theo ông Phạm Minh Đức cùng với nỗ lực của doanh nghiệp trong việc đáp ứng tiêu chuẩn cao của hàng hoá thì việc tiếp cận thị trường, để doanh nghiệp hiểu hơn các thị trường có vai trò quan trọng của cơ quan quản lý Nhà nước. Bởi, mặc dù tiềm năng xuất khẩu của các sản phẩm hữu cơ rất lớn, nhưng khả năng tiếp cận các thị trường còn hạn chế do khả năng khó “vươn xa” của doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Do đó, đại diện Hiệp hội Hữu cơ Việt Nam mong muốn được Cục XTTM, Bộ Công thương hỗ trợ để xây dựng chiến lược XTTM cho hiệp hội có đa dạng sản phẩm.

Bên cạnh đó, về các tiêu chuẩn hữu cơ, hiện Mỹ và Châu Âu chưa chấp nhận các chứng nhận tại Việt Nam. Do đó, Nhà nước cần có các hoạt động hỗ trợ để hài hòa hóa các tiêu chuẩn của Việt Nam và quốc tế, qua đó phục vụ tốt hơn cho xuất khẩu. Hiện nay, tiêu chuẩn hữu cơ của Việt Nam mới chỉ đang tham gia quá trình hài hóa tiêu chuẩn với các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á. Trong khi đó, Mỹ và châu Âu là những thị trường lớn nhất lại chưa được họ chấp nhận.

Ông Phạm Minh Đức kiến nghị Cục XTTM và Bộ Công Thương hỗ trợ để ngành hữu cơ Việt Nam tiếp cận nhiều hơn với thị trường Bắc Mỹ, đặc biệt là Thương vụ tại Mỹ và Canada, bởi đây là hai thị trường hữu cơ lớn nhất thế giới, chiếm tới gần 50% thị trường toàn cầu.

Theo quan sát của các doanh nghiệp, các doanh nghiệp Mỹ thường nhập khẩu nguyên liệu hữu cơ từ châu Âu, sau đó tiến hành đóng gói và bán lẻ tại thị trường Mỹ. Châu Âu có độ tin cậy cao trong kiểm soát dư lượng hóa chất vật tư đầu vào. Còn các sản phẩm của Việt Nam chưa thực sự được sự tin tưởng này.

Về XTTM trong nước, theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Hữu cơ Việt Nam, các sản phẩm hữu cơ đã có hành lang pháp lý từ năm 2018, hiện rất nhiều người Việt cũng rất muốn sử dụng sản phẩm hữu cơ nhưng hoạt động XTTM chưa được quan tâm. Do đó, Bộ Công thương cần tăng cường hơn nữa các hoạt động này thêm để người tiêu dùng trong nước biết đến và sử dụng nhiều hơn các sản phẩm hữu cơ.

Đông Nghi