Hợp tác đa ngành mạnh mẽ và hỗ trợ từ phía quốc tế nhằm bảo đảm an toàn thực phẩm

Trong khuôn khổ Đối tác Một sức khỏe, Bộ NN&PTNT luôn cố gắng làm tốt vai trò điều phối, tạo ra các cơ chế, diễn đàn chia sẻ, nhân rộng những kết quả nghiên cứu, bài học, kinh nghiệm thực tế về các hoạt động, chương trình ATTP quốc tế và quốc gia, đồng thời, làm cầu nối, kết nối các bên liên quan trong nước và đối tác phát triển quốc tế để lắng nghe những nhu cầu thực tế từ các cơ quan chính phủ Việt Nam, có cơ sở hợp tác và hỗ trợ kỹ thuật, bố trí nguồn lực phù hợp với tình hình và điều kiện của Việt Nam.

Sáng 19/7, Bộ NN&PTNT phối hợp với Viện Chăn nuôi quốc tế (ILRI) tổ chức cuộc họp kỹ thuật lần thứ 2 của Nhóm công tác An toàn Thực phẩm (ATTP) thuộc Khung Đối tác Một Sức Khỏe Việt Nam (OHP).

an-toan-thuc-pham-1-1721404640.jpg
Ngày 19/7/2024, Bộ NN-PTNT phối hợp với Viện Chăn nuôi quốc tế (ILRI) tổ chức cuộc họp lần thứ 2 của Nhóm Công tác An toàn Thực phẩm Việt Nam trong khuôn khổ Đối tác Một sức khỏe.

Cuộc họp thường niên lần 1 được tổ chức vào tháng 9/2023. Đây là một trong 5 Nhóm công tác kỹ thuật liên ngành trong khuôn khổ Khung Đối tác Một sức khỏe về phòng chống dịch bệnh từ động vật sang người (Khung đối tác do Bộ NN&PTNT chủ trì chính và 2 Bộ liên ngành là Bộ Y tế và Bộ Tài nguyên và Môi trường đồng chủ trì).

An toàn thực phẩm vẫn là ưu tiên hàng đầu

Phát biểu tại Hội nghị, TS Lê Bá Anh, Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường nông sản ghi nhận những tiến bộ đã đạt được kể từ cuộc họp đầu tiên, khẳng định ATTP vẫn là ưu tiên hàng đầu. Trong khuôn khổ Đối tác Một sức khỏe, Bộ NN&PTNT luôn cố gắng làm tốt vai trò điều phối, tạo ra các cơ chế, diễn đàn chia sẻ, nhân rộng những kết quả nghiên cứu, bài học, kinh nghiệm thực tế về các hoạt động, chương trình ATTP quốc tế và quốc gia, đồng thời, làm cầu nối, kết nối các bên liên quan trong nước và đối tác phát triển quốc tế để lắng nghe những nhu cầu thực tế từ các cơ quan chính phủ Việt Nam, có cơ sở hợp tác và hỗ trợ kỹ thuật, bố trí nguồn lực phù hợp với tình hình và điều kiện của Việt Nam.

Thống nhất với quan điểm này, TS Fred Unger, Trưởng đại diện Viện nghiên cứu Chăn nuôi Quốc tế ILRI tại Đông Á và Đông Nam Á đánh giá cao tinh thần hợp tác, trách nhiệm của các bên liên quan. Ông khẳng định: "Nhóm công tác ATTP đóng vai trò là một nền tảng quan trọng để các bên liên quan từ các ngành khác nhau chia sẻ kinh nghiệm, đề xuất sáng kiến, và tăng cường sự phối hợp và hợp tác đa ngành".

an-toan-thuc-pham-3-1721404622.jpg
Nhóm công tác ATTP đóng vai trò là một nền tảng quan trọng để các bên liên quan từ các ngành khác nhau chia sẻ kinh nghiệm, đề xuất sáng kiến, và tăng cường sự phối hợp và hợp tác đa ngành. (Ảnh minh họa)

Tại cuộc họp lần 2, các bên tập trung vào những nội dung gồm tiến độ triển khai chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm và công tác quản lý ngộ độc an toàn thực phẩm; các hoạt động truyền thông về ATTP năm 2024 và các hoạt động triển khai về ATTP của chính phủ, tư nhân và quốc tế; từ đó tham vấn các kết quả từ các dự án, chương trình đã và đang triển khai; kiến nghị các khó khăn và giải pháp cho các can thiệp về ATTP. Đồng thời, đề xuất các cơ chế tăng cường điều phối và hợp tác; đưa ra các danh mục mong muốn nhận được hỗ trợ từ các đối tác quốc tế và bên liên quan cho các Bộ ban ngành có liên quan.

Quản lý an toàn thực phẩm theo chuỗi, xử lý từ trang trại tới bàn ăn

Theo đó, PGS.TS Đào Thế Anh, Phó Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam (VAAS), Bộ NN&PTNT đã cập nhật về tiến trình của Kế hoạch Hành động Chuyển đổi Hệ thống Thực phẩm tại Việt Nam, nhấn mạnh sự cần thiết của hợp tác đa ngành mạnh mẽ và hỗ trợ từ phía quốc tế, đặc biệt là nội dung quản lý an toàn thực phẩm theo chuỗi, xử lý từ trang trại tới bàn ăn.

Đại diện của Bộ Y tế đã có báo cáo chi tiết tình hình ngộ độc thực phẩm và triển khai công tác đảm bảo an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm, kêu gọi nguồn lực hỗ trợ từ quốc tế, đặc biệt là cho công tác truyền thông. Đồng thời, mong muốn các Bộ cùng phối hợp hỗ trợ nhau tăng cường công tác quản lý an toàn thực phẩm theo chức năng và quyền hạn được giao để đảm bảo sức khỏe cho con người, vật nuôi và môi trường.

Diễn đàn là cơ hội để các thành phần kinh tế, các bên liên quan tăng cường chia sẻ kinh nghiệm, tri thức và thực hành tốt các sáng kiến, dự án, chương trình đang thực hiện về ATTP, trong đó, sáng kiến của khối tư nhân được đồng trình bày bởi đại diện của Sở Công thương Thành phố Hồ Chí Minh và Hiệp hội công nghệ cao về sự liên kết các doanh nghiệp bán lẻ trong thực hành ATTP có áp dụng công nghệ cao cho công tác quản lý chất lượng thực phẩm và quy trình thu hồi sản phẩm. Đây là mô hình hợp tác công tư điển hình và nên được nhân rộng. Đồng thời, các cơ quan Chính phủ, tổ chức quốc tế song phương và đa phương cũng cập nhật và kiến nghị các can thiệp, giải pháp và thể chế về tăng cường quản lý an toàn thực phẩm từ trung ương tới địa phương.

an-toan-thuc-pham-2-1721404729.jpg
Đảm bảo một khung an toàn thực phẩm bền vững cho Việt Nam và giúp Việt Nam tiếp tục là quốc gia cung cấp lương thực tin cậy và an toàn cho thế giới. (Ảnh minh họa)

Cuộc họp nhất trí cao về phương pháp tiếp cận toàn diện và đa ngành Một sức khỏe, đề xuất các nhiệm vụ trọng tâm và ưu tiên của các ngành trong thời gian tới. Các bên đều khẳng định tinh thần trách nhiệm chung trong kiểm soát ATTP, tích cực phối hợp, hỗ trợ lẫn nhau và thể hiện trách nhiệm chung vì một cộng đồng khỏe mạnh, đảm bảo một khung an toàn thực phẩm bền vững cho Việt Nam và giúp Việt Nam tiếp tục là quốc gia cung cấp lương thực tin cậy và an toàn cho thế giới.

Cuộc họp được đồng tài trợ bởi Sáng kiến Một Sức khỏe Tổ chức nghiên cứu nông nghiệp quốc tế (CGIAR) và Chương trình Đổi mới Thực phẩm ASEAN CGIAR./.

Bình Nguyên