Tầm quan trọng của công tác phòng chống thiên tai, ứng phó sạt lở đất một cách kịp thời, hiệu quả

Năm 2024, thiên tai ở nước ta xảy ra rất khốc liệt, cực đoan với nhiều loại hình thiên tai tại khắp các vùng miền trên cả nước. Đến nay, đã xảy ra 9 cơn bão, 1 áp thấp nhiệt đới, 232 trận mưa lớn, ngập úng, lũ, lũ quét, sạt lở đất; nhiều trận dông lốc, động đất và gió mạnh, sóng lớn trên biển. Thiên tai ngày càng khốc liệt cho thấy tầm quan trọng của công tác phòng chống thiên tai, ứng phó sạt lở đất một cách kịp thời, hiệu quả.
phong-chong-thien-tai-1-1735546043.jpg
Tại Việt Nam, thiên tai cũng ngày càng gia tăng gây thiệt hại nặng nề đến tính mạng, tài sản, đời sống, sản xuất của người dân.(Ảnh minh họa)

Thiên tai cũng ngày càng gia tăng gây thiệt hại nặng nề

Tại Việt Nam, thiên tai cũng ngày càng gia tăng gây thiệt hại nặng nề đến tính mạng, tài sản, đời sống, sản xuất của người dân. Từ đầu năm 2024 đến nay, tình hình thiên tai ở Việt Nam xảy ra rất khốc liệt, cực đoan với nhiều loại hình thiên tai, tại khắp các vùng, miền trên cả nước.

Những cơn bão lớn, áp thấp nhiệt đới và hàng trăm trận mưa lớn gây ngập úng, lũ, lũ quét, sạt lở đất; nhiều trận dông lốc, động đất và gió mạnh, sóng lớn trên biển.

Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai cho biết, các loại hình thiên tai đã gây thiệt hại lớn về người và tài sản, cơ sở hạ tầng, ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất của nhân dân.

Tính tới đầu tháng 12, thiên tai đã làm 514 người chết và mất tích; 2.207 người bị thương. Về nhà ở, đã có 6.905 nhà sập, đổ; 294.813 nhà bị hư hỏng, tốc mái. 338.955 ha lúa, hoa màu, 300.103 ha cây trồng khác bị ảnh hưởng, thiệt hại; 56.886 con gia súc, 5.321.084 con gia cầm bị chết, cuốn trôi.

Về thủy lợi, 502,4 km đê, kè, kênh mương; 94,8 km bờ sông, bờ biển bị sạt lở, hư hỏng. Ngoài ra còn nhiều thiệt hại về nuôi trồng thủy sản, tàu thuyền, giao thông… Ước tính tổng thiệt hại hơn 87.485 tỷ đồng, gấp hơn 9 lần năm 2023.

phong-chong-thien-tai-4-1735546029.jpg
Từ đầu năm đến nay, thiên tai ở nước ta xảy ra rất khốc liệt, cực đoan với nhiều loại hình thiên tai tại khắp các vùng miền trên cả nước.(Ảnh minh họa)

Trong số gần 90.000 tỷ đồng thiệt hại do thiên tai gây ra trong năm chủ yếu do cơn bão số 3 có tên quốc tế Yagi xuất hiện vào đầu tháng 9. Cơn bão này là cơn bão mạnh nhất trong 30 năm trên Biển Ðông và trong 70 năm qua đổ bộ trên đất liền nước ta.

Bão số 3 tăng cấp nhanh, thời gian duy trì siêu bão lâu, không giảm cấp theo quy luật thông thường, hoàn lưu bão cũng bất thường khi gây mưa rất lớn ở 26 tỉnh, thành phố khu vực Bắc Bộ, gây ra lũ lịch sử trên nhiều tuyến sông.

Cơn bão số 3 đã làm 345 người chết và mất tích; gần 2.000 người bị thương; gần 400.000 căn nhà bị hư hỏng, ngập nước, hàng trăm nghìn ha cây nông nghiệp, thủy sản bị ngập úng hư hỏng và rất nhiều thiệt hại khác về tài sản. Ước tính tổng thiệt hại hơn 81.700 tỷ đồng. So với tổng thiệt hại do thiên tai năm 2024 thì riêng bão Yagi đã chiếm tới 93,39%.

Năm 2024 còn được nhìn nhận là năm xảy ra rất nhiều vụ sạt lở đất nghiêm trọng. Trong đó, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3 gây mưa lớn, sáng 10/9/2024, một trận lũ quét và sạt lở đất kinh hoàng xảy ra tại thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai, đã vùi lấp toàn bộ thôn làng, nơi có 33 hộ dân với 168 người cư trú. Trận sạt lở đã khiến 52 người chết.

Ðây là lời cảnh báo về sự nguy hiểm của loại hình thiên tai này và tầm quan trọng của công tác phòng chống thiên tai, ứng phó sạt lở đất một cách kịp thời, hiệu quả.

phong-chong-thien-tai-3-1735546133.jpg
Năm 2024 còn được nhìn nhận là năm xảy ra rất nhiều vụ sạt lở đất nghiêm trọng. (Ảnh minh họa)

Ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, tính đến 25/12/2024, trên biển Đông đã có 10 cơn bão và 1 áp thấp nhiệt đới, ít hơn khoảng 2 cơn so với trung bình nhiều năm (TBNN). Trong đó có 4 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta (các cơn bão số 2, 3, 4 và 6).

Đặc biệt, bão số 3 (YAGI) được đánh giá là mạnh nhất trong vòng 30 năm trở lại đây. Nếu từ tháng 6 - 8, các sông ở Bắc Bộ chỉ có lũ nhỏ thì sang tháng 9, trên phần lớn các sông ở Bắc Bộ đã xuất hiện đợt lũ lớn và lũ lịch sử do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3.

Trong năm 2024 cũng đã xảy ra 39 đợt lũ quét và sạt lở đất nghiêm trọng trên phạm vi 32 tỉnh thuộc khu vực trung du và miền núi các tỉnh Bắc Bộ, Trung Bộ và Tây Nguyên. Phần lớn đều gây thiệt hại về người và tài sản, đặc biệt là ở khu vực vùng núi các tỉnh Bắc Bộ. Thiệt hại nặng nề nhất là ở các tỉnh Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái và Cao Bằng.

Bên cạnh đó, thống kê cho thấy tổng cộng đã có 18 đợt không khí lạnh, 19 đợt nắng nóng trên phạm vi cả nước; tình trạng hạn mặn diễn ra sớm ở đồng bằng sông Cửu Long, thiếu nước nghiêm trọng tại Trung Bộ và Tây Nguyên... Nhiều đợt mưa dông trên diện rộng kèm các hiện tượng dông, lốc, sét gây thiệt hại về người và tài sản. Mưa lớn cục bộ gây ngập lụt tại các vùng trũng, thấp và các đô thị nhiều vùng trên cả nước.

Thiên tai ở nước ta xảy ra rất khốc liệt, cực đoan với nhiều loại hình

Theo Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp, dù chưa hết năm 2024 song từ đầu năm đến nay, thiên tai ở nước ta xảy ra rất khốc liệt, cực đoan với nhiều loại hình thiên tai tại khắp các vùng miền trên cả nước. Đến nay, đã xảy ra 9 cơn bão, 1 áp thấp nhiệt đới, 232 trận mưa lớn, ngập úng, lũ, lũ quét, sạt lở đất; nhiều trận dông lốc, động đất và gió mạnh, sóng lớn trên biển.

Đặc biệt, bão số 3 (bão Yagi, từ 3 - 8/9/2024) là cơn bão mạnh nhất trong 30 năm qua trên biển Đông và trong 70 năm qua trên đất liền. Bão có nhiều đặc điểm chưa từng có tiền lệ, là cơn bão có cường độ rất mạnh, sức tàn phá rất lớn, thời gian lưu bão trên đất liền kéo dài, phạm vi ảnh hưởng rất rộng; hoàn lưu bão gây mưa lớn diện rộng toàn Bắc Bộ và Thanh Hóa.

Thống kê cho thấy, đây là một trong những đợt thiên tai nghiêm trọng, khốc liệt chưa từng có trong rất nhiều năm qua ở Bắc Bộ, là trận lũ lớn nhất kể từ năm 1971 trên toàn bộ lưu vực đồng bằng sông Hồng, sông Thái Bình; xảy ra gần như đồng thời các loại hình thiên tai đặc biệt nguy hiểm (bão rất mạnh, lũ lớn, đặc biệt lớn; ngập lụt và lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt xảy ra trên diện rộng); tác động, ảnh hưởng nặng nề đến hầu hết các hoạt động kinh tế xã hội, thiết chế hạ tầng từ vùng biển đến đồng bằng, trung du và miền núi.

Đối với hệ thống đê điều, cơ quan chức năng và địa phương đã phát hiện, xử lý kịp thời hơn 800 sự cố đê điều, giữ vững an toàn cho hệ thống đê, nhất là các tuyến đê từ cấp III đến cấp đặc biệt. Tuy nhiên, cùng với kết quả đạt được, đợt mưa lũ vừa qua cũng bộc lộ những mặt còn tồn tại, hạn chế trong công tác hộ đê, xử lý sự cố.

phong-chong-thien-tai-5-1735546176.jpg
Các loại hình thiên tai đã gây thiệt hại lớn về người và tài sản, cơ sở hạ tầng, ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất của nhân dân.(Ảnh minh họa)

Ông Nguyễn Văn Tiến, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, năm 2024 là năm nóng nhất trong lịch sử thế giới. Ở Việt Nam, đã xảy ra 21/22 loại hình thiên tai. Sau những tháng đầu năm hạn hán tại các tỉnh phía Nam do ảnh hưởng của hiện tượng Elnino là bão mạnh, mưa lũ lớn, sạt lở đất, lũ quét trên diện rất rộng tại Bắc Bộ; mưa lũ lớn ở Trung Bộ.

Với phương châm "4 tại chỗ", các địa phương đã khẩn trương huy động lực lượng công an, quân đội và dân quân tự vệ (tổng số khoảng 380 người), máy móc, phương tiện, vật tư, kịp thời xử lý sự cố, đảm bảo an toàn cho tuyến đê, cho khu vực bảo vệ bên trong gồm 14 xã, thị trấn của huyện Vĩnh Lộc với diện tích khoảng 7.515 ha và 59.000 người.

Vận hành đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các hồ chứa trên lưu vực sông Hồng, trong các ngày từ 10-12/9 có thời điểm hồ Thác Bà đạt mực nước 59,84m, đã vượt mực nước dâng bình thường 1,84m; lưu lượng về hồ rất lớn đạt 5.620 m3/s, vượt quá năng lực xả tối đa của hồ là 3.225m3/s (gấp 1,74 lần); lãnh đạo Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã trực tiếp ở hiện trường để tham mưu, báo cáo Thủ tướng Chính phủ phương án xử lý nếu mực nước hồ tiếp tục tăng lên mực nước lũ kiểm tra như dự báo; đồng thời hồ Tuyên Quang lũ về rất lớn (trên 6.000 m3/s), gần đạt mực nước dâng bình thường và hồ đã phải mở toàn bộ 8 cửa xả đáy (ngày 9/9) để đảm bảo an toàn cho công trình. Những công trình hồ chứa này nếu bị sự cố thì sẽ là thảm họa cho vùng đồng bằng Bắc Bộ.

Thông tin về những khó khăn trong dự báo mưa lũ, lũ quét và sạt lở đất hiện nay, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia Mai Văn Khiêm cho rằng, dự báo mưa lũ, lũ quét và sạt lở đất là việc khó không chỉ ở Việt Nam mà cả các nước trên thế giới. Ngành Khí tượng thủy văn đã và đang tăng cường hợp tác quốc tế, sử dụng các công nghệ hiện đại để thực hiện việc dự báo, cảnh báo mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất có khả năng xảy ra trong thời gian từ 6 giờ, 12 giờ... tại các huyện, xã trên phạm vi cả nước, người dân căn cứ vào các dự báo, cảnh báo của cơ quan khí tượng thủy văn để có những biện pháp ứng phó kịp thời.

Nhận định về xu thế các hình thái thời tiết có khả năng xảy ra trong năm 2025, Giám đốc Mai Văn Khiêm cho rằng, với nhiệt độ toàn cầu có xu hướng tăng, do vậy chúng ta sẽ phải đối mặt với nắng nóng gay gắt và khốc liệt. Cùng với đó là mưa lớn cục bộ, lũ quét, sạt lở đất, bão và siêu bão khả năng xuất hiện ngày càng nhiều hơn... Việt Nam cần chuẩn bị về mọi mặt để chủ động ứng phó với các loại hình thiên tai cực đoan./.

Bình Nguyên