Chính sách tín dụng cho nông nghiệp sẽ có nhiều ưu đãi với mô hình hữu cơ, tuần hoàn

Nghị định số 55/2015/NĐ-CP sửa đổi tới đây sẽ đưa các nhóm đối tượng mới vào được hưởng ưu đãi về vốn, tín dụng như nông nghiệp hữu cơ, tuần hoàn... Đồng thời, sẽ có chính sách gợi mở, thông thoáng để tạo điều kiện cho các HTX, hộ nông dân tiếp cận được vay gấp 2-3 lần trước đây không cần tài sản đảm bảo.

Nội dung trên được Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú chia sẻ khi tham gia trả lời những vấn đề nông dân nêu câu hỏi tại Hội nghị đối thoại với nông dân Việt Nam năm 2024 với chủ đề: "Khơi dậy khát vọng làm giàu để phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; vững tin bước vào kỷ nguyên mới".

doi-thoai-nong-dan-1-1735778810.jpg
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú trả lời câu hỏi tại phiên đối thoại. (Ảnh VGP)

Một trong những vấn đề được nông dân đặc biệt quan tâm là về tín dụng dành cho nông dân, Hợp tác xã (HTX) và các doanh nghiệp nông nghiệp, đặc biệt sau những thiệt hại lớn do cơn bão số 3 năm 2024 gây ra.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết: "Cơn bão số 3 đổ bộ gây thiệt hại rất lớn cho 26 tỉnh, thành phố. Theo đánh giá sơ bộ của chúng tôi, dư nợ của cơn bão số 3 rất lớn, trong đó có 124 nghìn khách hàng của 26 tỉnh thành phố, kể cả tác động gây ra lũ, lụt… ở các tỉnh miền núi phía Bắc. Có 192 nghìn tỷ đồng dư nợ do ảnh hưởng của cơn bão số 3".

Sau khi có chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã vào cuộc ngay. Sau 2 ngày xảy ra bão, NHNN đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng có biện pháp khoanh, giãn, hoãn nợ cho nông dân, các doanh nghiệp bị ảnh hưởng, thiệt hại sau bão.

Trong thời điểm đó, NHNN cũng tổ chức hội nghị để tìm ra giải pháp hỗ trợ vốn để nông dân, doanh nghiệp khắc phục hậu quả, khôi phục lại sản xuất.

Phó Thống đốc Đào Minh Tú nhìn nhận, sau bão, các nông dân, doanh nghiệp, nhất là về nuôi trồng thủy hải sản ở Quảng Ninh, Hải Phòng bị thiệt hại rất nặng, có nhiều gia đình mất trắng, không có khả năng trả nợ. "Để bà con nhanh chóng khắc phục hậu quả, khôi phục lại sản xuất, chúng tôi để nghị các địa phương phối hợp để triển khai các biện pháp như khoanh, hoãn, giãn nợ ngay. Ngay sau đó, NHNN đã ban hành Thông tư 53/2024/TT-NHNN quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng, thiệt hại bởi bão số 3 để kịp thời giúp bà con tháo gỡ được các khó khăn trước mắt", ông Tú cho biết.

doi-thoai-nong-dan-3-1735778788.jpg
Dự thảo Nghị định 55 sửa đổi tới đây sẽ đưa nông nghiệp hữu cơ, kinh tế tuần hoàn cần được hưởng ưu đãi chính sách ưu đãi tín dụng. (Ảnh minh họa)

Thông tư 53 bao gồm 9 điều, quy định đối tượng được cơ cấu thời hạn trả nợ là các khách hàng bị ảnh hưởng bởi bão số 3 trên địa bàn 26 địa phương. Cho phép tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được xem xét cơ cấu số dư nợ gốc và lãi của khoản cho vay, cho thuê tài chính có số dư nợ gốc phát sinh trước ngày 7/9/2023 và phát sinh nghĩa vụ trả nợ từ ngày 7/9/2024 đến 31/12/2025.

Số dư nợ được xem xét cơ cấu còn trong hạn hoặc quá hạn không quá 10 ngày kể từ ngày đến hạn thanh toán, trả nợ đã thỏa thuận. Tuy nhiên để hỗ trợ khách hàng có thời gian khắc phục hậu quả sau bão, Thông tư cho phép xem xét cơ cấu lần đầu tiên đối với số dư nợ quá hạn trên 10 ngày trong khoảng thời gian từ ngày 07/9/2024 đến hết 10 ngày kể từ ngày Thông tư có hiệu lực.

Việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ được thực hiện đến hết ngày 31/12/2025 và không giới hạn số lần cơ cấu. Ngoài chính sách chung, có chính sách cụ thể như hỗ trợ vốn cho bà con khôi phục, tái sản xuất lại.

Lãnh đạo NHNN cho biết số chính sách về tiền tệ, tín dụng riêng lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn nhiều hơn các lĩnh vực kinh tế khác. Cụ thể, hiện có 8 chính sách dành cho nông dân, nông thôn để bà con được ưu đãi. Đặc biệt có Nghị định số 55/2015/NĐ-CP được ban hành năm 2015, đến năm 2018 có sửa một số nội dung, đến nay NHNN cũng đang rà soát lại.

Ông Tú cho biết: "Chúng tôi nhận thấy một số đối tượng cần được bổ sung là nông nghiệp hữu cơ, kinh tế tuần hoàn cần được hưởng ưu đãi chính sách này. Tất cả nội dung đó đang có trong dự thảo Nghị định 55 sửa đổi, cũng hy vọng trong thời gian sớm nhất, Nghị định 55 sửa đổi sẽ được ban hành. Sẽ có chính sách gợi mở, thông thoáng để tạo điều kiện cho các HTX, hộ nông dân tiếp cận được vay gấp 2-3 lần trước đây không cần tài sản đảm bảo".

Chính sách này đặc biệt hỗ trợ cho các đối tượng tham gia các chuỗi giá trị liên kết, chương trình, dự án như Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao ở ĐBSCL và những chương trình liên kết khác về nông nghiệp. Đây cũng là những đối tượng ưu đãi cả về lãi suất và cho vay, cũng như các điều kiện hỗ trợ khi tham gia bảo hiểm nông nghiệp.

doi-thoai-nong-dan-2-1735778884.jpg
Hội nghị đối thoại với nông dân Việt Nam năm 2024 với chủ đề: "Khơi dậy khát vọng làm giàu để phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; vững tin bước vào kỷ nguyên mới". (Ảnh VGP)

Làm rõ thêm về nội dung này, Thủ tướng cho biết: Vừa qua chúng ta đã có các chính sách nhưng đã đủ mạnh chưa, cấp ủy, chính quyền phải bám sát để biết chính sách đã đi vào thực tế chưa, người nông dân phải tham gia kiểm chứng xem chính sách thực hiện thế nào trong thực tiễn.

Thủ tướng lấy ví dụ trong năm 2024, các gói tín dụng cho thủy sản, gỗ đã được triển khai rất tốt; ngay sau bão Yagi, Thủ tướng đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước phải xuống ngay Hải Phòng, Quảng Ninh khảo sát thực tế và chỉ mấy ngày sau Chính phủ đã có nghị quyết về chính sách tín dụng, bảo hiểm với nông nghiệp – lĩnh vực thiệt hại nặng nề nhất do bão.

Thủ tướng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc dự báo thị trường, công tác quy hoạch để phát huy tốt nhất tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của từng khu vực, từng ngành và tăng cường liên kết vùng, ví dụ quy hoạch vùng nguyên liệu, khu vực nào tốt nhất cho lúa, cho cây ăn quả, ngô khoai sắn… từ đó tạo ra sự cộng hưởng phát triển.

Khẳng định sự quan tâm của Chính phủ qua các cơ chế, chính sách đầu tư cho nông nghiệp, Thủ tướng cho biết: Về đầu tư cho nông nghiệp, do nguồn lực nhà nước có hạn nên phải có thứ tự ưu tiên, có trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải; đồng thời lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư, kích hoạt mọi nguồn lực cho phát triển, như thông qua hợp tác công tư.

Tăng đầu tư gấp đôi cho nông nghiệp, nông thôn không có nghĩa là chỉ có đầu tư nhà nước mà phải có cả đầu tư tư nhân, Thủ tướng nhấn mạnh và cho biết Đảng, Nhà nước xác định thể chế là đột phá của đột phá, trong đó phải sửa Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương tức đối tác công tư, dứt khoát cắt giảm các thủ tục rườm rà, không cần thiết với tinh thần xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, bám sát thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo./.

Trọng Bình