Báo chí đồng hành cùng ngành nông nghiệp, cùng kiến tạo, cùng vươn mình vào kỷ nguyên mới của dân tộc

Trò chuyện với các phóng viên, nhà báo, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh: "Thông điệp đầu năm mà tôi muốn chia sẻ là các nhà báo sẽ trở thành người đồng hành với ngành nông nghiệp, cùng nhau kiến tạo. Chúng ta sẽ phát triển rực rỡ hơn, cùng vươn mình, giúp ngành nông nghiệp cũng như giúp các lãnh đạo Bộ NN&PTNT".

Sáng 2/1, Bộ NN&PTNT tổ chức buổi gặp mặt, trao đổi cùng các phóng viên, nhà báo về định hướng phát triển, hoạt động truyền thông của ngành trong năm 2025. Chủ trì buổi gặp mặt có Bộ trưởng Lê Minh Hoan, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cùng sự tham dự của lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ.

bao-chi-dong-hanh-nong-nghiep-1-1735809562.jpg
Bộ trưởng Lê Minh Hoan và Thứ trưởng Phùng Đức Tiến chủ trì buổi gặp mặt báo chí đầu Xuân 2025. (Ảnh mard.gov.vn)

Tại sự kiện, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đã có cuộc trò chuyện, chia sẻ suy nghĩ của ông về vai trò của báo chí đối với sự phát triển của ngành nông nghiệp Việt Nam.

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, đất nước mình quá rộng lớn, ngành nông nghiệp rất rộng lớn nên các lãnh đạo Bộ không thể nắm hết được tất cả các vấn đề. Trong khi đó, các nhà báo là những người có cơ hội đi nhiều, trải nghiệm nhiều nên có thể chia sẻ với Bộ những kiến thức, hiểu biết và tâm tư của mình.

“Thông điệp đầu năm mà tôi muốn chia sẻ là các nhà báo sẽ trở thành người đồng hành với ngành nông nghiệp, cùng nhau kiến tạo. Chúng ta sẽ phát triển rực rỡ hơn, cùng vươn mình, giúp ngành nông nghiệp cũng như giúp các lãnh đạo Bộ NN&PTNT”, người đứng đầu ngành nông nghiệp nói với các phóng viên dự sự kiện.

Từng đi thực tế tại một số làng nghề, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói cảm thấy tiếc nuối về sự tình trạng mai một ngay tại những làng nghề tuổi đời hàng trăm năm. Từ đó, ông mong muốn các nhà báo, phóng viên vào cuộc để làm thế nào mỗi làng quê đều trở thành nơi đáng sống, đáng quay về, làm sao để người dân nông thôn bớt bỏ ra thành phố.

bao-chi-dong-hanh-nong-nghiep-2-1735809592.jpg
Bộ trưởng Lê Minh Hoan bày tỏ mong muốn các nhà báo cùng đồng hành với ngành nông nghiệp.(Ảnh CTV)

Bộ trưởng tin tưởng các nhà báo có thể viết, có thể tôn vinh những con người bình dị, những nông dân bình dị ở làng quê để họ có thể liên kết lại với nhau, để nâng tầm nông sản, nông thôn. Bộ trưởng Lê Minh Hoan mong muốn, Bộ và các cơ quan báo chí sẽ cùng nhau tìm ra được những điều mới mẻ trong nông nghiệp chứ không đứng ở 2 cực của 1 vấn đề.

Bộ trưởng nhận định: “Ngành nông nghiệp chịu ảnh hưởng của nhiều biến động trên thế giới nên đòi hỏi nhiều trí tuệ để có thể vượt qua. Trong đó, không thể không kể đến những bộ óc, những trí tuệ của các nhà báo”. Ông cho rằng, mặc dù có nhiều vấn đề nhưng cùng với đó luôn tồn tại các giải pháp. Điều quan trọng hiện nay là cần đến sự kiến tạo, đề xuất, tham gia của các nhà báo để cơ quan quản lý có thể giải quyết những vấn đề này.

bao-chi-dong-hanh-nong-nghiep-4-1735809545.jpg
Các nhà báo sẽ trở thành người đồng hành với ngành nông nghiệp, cùng nhau kiến tạo. (Ảnh minh họa)

Bộ trưởng Lê Minh Hoan khẳng định, dư địa cho báo chí trong ngành nông nghiệp vẫn còn nhiều, các nhà báo hoàn toàn có thể giúp ngành phát triển thêm. Đồng thời, mong muốn các phóng viên, nhà báo xem mỗi bài viết như một tác phẩm báo chí, từ đó chăm chút, đầu tư cho tác phẩm của mình để ra được nhiều bài báo chất lượng, góp phần thông tin, tuyên truyền, phản ánh hơi thở của nông nghiệp một cách toàn diện, đồng bộ, chuyên sâu trên tất cả các lĩnh vực./.

Tại buổi gặp mặt sáng 2/1, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến đã chia sẻ những thành tựu vượt bậc của ngành nông nghiệp trong năm 2024, bất chấp những khó khăn không lường trước của thiên tai, cụ thể là cơn bão số 3.

Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, năm 2025 là năm cuối, tăng tốc, bứt phá về địch thực hiện Kế hoạch phát triển ngành 5 năm 2021 - 2025, toàn ngành Nông nghiệp và PTNT sẽ tiếp tục tập trung thực hiện việc chuyển đổi mạnh tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, trong đó đặt ra một số mục tiêu cụ thể: Tăng trưởng toàn ngành đạt từ 3,3 -  3,4%; tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản 64-65 tỷ USD; tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới trên 80%; tỷ lệ che phủ rừng ổn định 42,2%, tỷ lệ hộ gia đình nông thôn được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn 60%.

Để đạt được những mục tiêu này, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh đến 6 giải pháp như sau:

1) Kiến tạo không gian phát triển và các động lực tăng trưởng mới của ngành. Tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại ngành, nâng cao năng suất, chất lượng hàng nông sản và hiệu quả sản xuất, kinh doanh; phấn đấu vượt mục tiêu tăng trưởng ở mức cao nhất.

2) Phát triển mạnh thị trường tiêu thụ nông lâm thủy sản cả trong nước và xuất khẩu. Xây dựng chuỗi giá trị ngành hàng từng loại nông sản, gắn với phát triển hạ tầng logistics nông nghiệp, nông thôn, đảm bảo chuỗi cung ứng thị trường trong nước.

3)Đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh trong nông nghiệp; các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị, kết nối hệ thống tiêu thụ toàn cầu.

4) Thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ cao, công nghệ sạch vào sản xuất; phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; chủ động hội nhập quốc tế để mở cửa thị trường.

5) Phát triển nông thôn, trọng tâm là xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển kinh tế nông thôn theo hướng đi vào chiều sâu, đảm bảo chất lượng và bền vững, góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân nông thôn.

6) Phát triển kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn và quản lý hiệu quả vốn đầu tư xây dựng cơ bản, bảo vệ và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thủy lợi và phòng chống thiên tai.

Bình Nguyên