Theo đó, đề xuất UBND tỉnh Kon Tum khen thưởng tập thể UBND huyện, Phòng Văn hoá thông tin huyện Tu Mơ Rông, Trung tâm Văn hoá - thể thao - du lịch và truyền thông huyện Tu Mơ Rông, UBND xã Đăk Na.
Đề xuất UBND tỉnh khen thưởng các cá nhân gồm ông Phạm Xuân Quang, Phó Chủ tịch UBND huyện; ông Nguyễn Bá Thành, Trưởng Phòng Văn hoá thông tin huyện Tu Mơ Rông; bà Huỳnh Thị Ngọc Lành, viên chức Trung tâm Văn hoá - thể thao - du lịch và truyền thông huyện Tu Mơ Rông.
Theo ông Võ Trung Mạnh, Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông, Tuần Văn hóa - Du lịch lần thứ V và Liên hoan cồng chiêng, xoang các dân tộc thiểu số tỉnh Kon Tum lần thứ II (gọi tắt là Tuần văn hóa) là hoạt động quan trọng của tỉnh Kon Tum nhằm bảo tồn văn hoá đồng bào các dân tộc thiểu số; giới thiệu vẻ đẹp, tiềm năng du lịch Kon Tum, qua kêu gọi thu hút đầu tư du lịch.
Tuần Lễ văn hoá đã đạt được nhiều thành quả quan trọng khi tiềm năng du lịch tỉnh Kon Tum được giới thiệu đến khắp các nhà đầu tư trên cả nước; đồng bào các dân tộc đoàn kết cùng nhau biểu diễn các văn hoá truyền thống, qua đó giúp nền văn hoá đậm đà bản sắc dân tộc mãi trường tồn.
Hòa chung sự thành công của Tuần Văn hoá nói trên, huyện Tu Mơ Rông đã tổ chức 6 kiện để hưởng ứng và cử đoàn nghệ nhân trực tiếp lên tỉnh tham gia các hoạt động văn hóa.
Các sự kiện do huyện tổ chức và cử đoàn tham gia đã đạt thành tích cao, tạo ra giá trị to lớn trong việc bảo tồn văn hoá, tạo sinh kế cho đồng bào Xơ Đăng thoát nghèo, vươn lên làm giàu.
Cụ thể, khi tham gia các hội thi tại Tuần Văn hoá, đoàn nghệ nhân huyện Tu Mơ Rông giành được 7 giải, đoạt giải B toàn đoàn tham gia.
6 hoạt động do huyện tổ chức như Hội thi cồng chiêng, xoang; Hội diễn nghệ thuật giới thiệu ca khúc mới về Tu Mơ Rông; Giải bóng đá tranh cúp K5; Chương trình đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP; Chương trình tổ chức tập huấn sàn thương mại điện tử và thi livestream trên nền tảng mạng xã hội; Hội thảo sâm Ngọc Linh - sâm Việt Nam nhìn từ góc độ lịch sử, khoa học và thực tiễn đã mang lại nhiều giá trị trong việc bảo tồn văn hoá đồng bào Xơ Đăng; giúp người dân bán hàng trên sàn thương mại điện tử; tìm giải pháp nâng tầm quốc bảo Sâm Ngọc Linh.
Qua các hoạt động, đồng bào Xơ Đăng đã có kinh nghiệm bán hàng trên sàn thương mại điện tử, qua đó tiếp cận thêm nhiều lượng khách mới; người dân học hỏi được kỹ năng trồng sâm Ngọc Linh để mở rộng vườn. Đặc biệt, sự kiện Hội thảo sâm Ngọc Linh - sâm Việt Nam nhìn từ góc độ lịch sử, khoa học và thực tiễn đã thu hút sự đóng góp, hiến kế của các chuyên gia, nhà nghiên cứu khoa học về các giải pháp nâng tầm quốc bảo sâm Ngọc Linh. Đây là những thông tin có giá trị to lớn, giúp địa phương có thêm giải pháp để hoạch định chiến lược nhằm xây dựng, phát triển sâm Ngọc Linh thành sản phẩm quốc gia, biến quốc bảo thành quốc kế dân sinh.
Các sự kiện do huyện tổ chức, cũng thu hút sự quan tâm của các cơ quan truyền thông. Đã có hơn 130 tin bài được xuất bản trên các cơ quan báo chí về các sự kiện, qua đó, góp phần quảng bá Tuần Văn hoá./.