Hoàn thiện hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn quốc gia về môi trường và tăng cường quản lý rác thải

Theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường 2020, chậm nhất từ ngày 31/12/2024, các hộ gia đình, cá nhân bắt buộc phải phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn. Tuy nhiên sau 3 năm triển khai, tình trạng vứt bỏ rác thải tràn lan vẫn diễn ra phổ biến. Trong năm 2025, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ hoàn thiện hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn quốc gia về môi trường và Đề án tăng cường năng lực quản lý chất thải rắn sinh hoạt.
xu-ly-rac-thai-1-1735806228.jpg
Các hộ gia đình và cá nhân ở đô thị được yêu cầu chứa, đựng chất thải rắn sinh hoạt sau khi phân loại vào các bao bì để chuyển giao. (Ảnh minh họa)

Tình trạng vi phạm quy định về bảo vệ môi trường vẫn diễn ra phổ biến

Đề cập đến vấn đề trên, đại diện Vụ Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết để đảm bảo việc phân loại rác thải rắn sinh hoạt tại nguồn được triển khai hiệu quả, trong 3 năm qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức tuyên truyền, tập huấn, phổ biến các quy định, chính sách mới của Luật Bảo vệ môi trường 2020 đến đầy đủ các đối tượng cơ quan, tổ chức, cá nhân (phát hành tài liệu tuyên truyền, tổ chức nhiều hội thảo phổ biến).

Bộ cũng thường xuyên trả lời, giải đáp cụ thể các ý kiến, kiến nghị của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong quá trình triển khai thi hành luật và các văn bản quy định chi tiết hướng dẫn, thi hành; chủ động đôn đốc các bộ, ngành có liên quan trong việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, hướng dẫn, quy định thuộc trách nhiệm đã được Thủ tướng Chính phủ phân công…

Các hộ gia đình và cá nhân ở đô thị được yêu cầu chứa, đựng chất thải rắn sinh hoạt sau khi phân loại vào các bao bì để chuyển giao. Chất thải có khả năng tái sử dụng, tái chế sẽ được chuyển giao cho tổ chức, cá nhân tái sử dụng, tái chế hoặc cơ sở thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt.

Chất thải thực phẩm và chất thải rắn sinh hoạt khác phải được chứa, đựng trong bao bì theo quy định và chuyển giao cho cơ sở có chức năng thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt. Chất thải thực phẩm có thể được sử dụng làm phân bón hữu cơ hoặc thức ăn chăn nuôi.

xu-ly-rac-thai-2-1735806217.jpg
Nhiều địa phương tổ chức tuyên truyền về công tác phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại hộ gia đình, cá nhân. (Ảnh minh họa)

Nhờ đó, công tác phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại hộ gia đình, cá nhân đã được các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo và tổ chức thực hiện. Một số địa phương đã bắt đầu áp dụng công nghệ mới, tiên tiến như đốt có thu hồi năng lượng, chế biến phân compost để xử lý chất thải rắn sinh hoạt sau phân loại; một số địa phương đã thực hiện thí điểm việc thu giá dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt dựa trên khối lượng hoặc thể tích chất thải đã được phân loại như tại Hội An.

Tuy vậy, theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, tình trạng vi phạm quy định về bảo vệ môi trường vẫn diễn ra phổ biến với tính chất, mức độ phức tạp. Thông tin từ Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thừa Thiên-Huế cũng cho biết mặc dù công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt đã có nhiều nỗ lực, tuy nhiên thực tế vẫn còn một số tồn tại hạn chế nhất định như: Công tác phân loại rác thải rắn tại nguồn chưa được triển khai đồng bộ; một số địa bàn, dân cư thưa thớt, nhất là ở khu vực miền núi vẫn chưa tiếp cận được dịch vụ thu gom, vận chuyển xử lý chất thải rắn.

Tại trung tâm phát triển kinh tế lớn nhất cả nước, thông tin từ Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh cũng thẳn thắn thừa nhận mặc dù 100% chất thải rắn được thu gom, xử lý đúng quy định, song vẫn còn tình trạng thải bỏ rác bừa bãi tại một số tuyến đường, khu vực công cộng; các dự án thu gom, xử lý nước thải, chất thải rắn chậm triển khai do các khó khăn về nguồn vốn, pháp lý…

Triển khai xây dựng, hoàn thiện hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn quốc gia về môi trường

Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết trong năm 2024 đã chủ động phòng ngừa, kiểm soát chặt chẽ các nguồn gây nguy cơ ô nhiễm, triển khai các giải pháp bảo vệ môi trường nước, không khí, xử lý chất thải rắn sinh hoạt.

Bộ đã tiếp tục hoàn thiện hệ thống quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, định mức kinh tế- kỹ thuật về môi trường phục vụ công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, trong đó có nhiều nhóm quy chuẩn môi trường mới.

Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia, quy hoạch tổng thể bảo tồn đa dạng sinh học, Quy hoạch tổng thể quan trắc môi trường quốc gia đã thể hiện quan điểm, định hướng của Bộ trong gian đoạn tới là chủ động phòng ngừa, kiểm soát ô nhiễm và suy thoái môi trường; phục hồi và cải thiện chất lượng môi trường; ngăn chặn suy giảm và nâng cao chất lượng đa dạng sinh học.

Để công tác phân loại, xử lý rác thải hiệu quả, đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết trong năm 2025, sẽ tập trung triển khai xây dựng, hoàn thiện hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn quốc gia về môi trường theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020; tổ chức xây dựng, hoàn thiện trình Thủ tướng Chính phủ Đề án tăng cường năng lực quản lý chất thải rắn sinh hoạt tại Việt Nam; tổ chức thực hiện hiệu quả các quy định về thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt.

xu-ly-rac-thai-3-1735806294.jpg
Chất thải có khả năng tái sử dụng, tái chế sẽ được chuyển giao cho tổ chức, cá nhân tái sử dụng, tái chế hoặc cơ sở thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt. (Ảnh minh họa)

Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng sẽ tiếp tục theo dõi, hướng dẫn các địa phương thực hiện việc phân loại chất thải rắn tại nguồn phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội trên địa bàn quản lý; đôn đốc các địa phương triển khai các giải pháp cụ thể, đầu tư hạ tầng về thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt nhằm thực hiện quy định chi tiết về quản lý chất thải rắn sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn toàn quốc theo quy định.

Cùng với đó, tổ chức thực hiện hiệu quả các quy định về thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt; tiếp tục theo dõi, hướng dẫn các địa phương thực hiện việc phân loại chất thải rắn tại nguồn phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội trên địa bàn quản lý.

Đôn đốc các địa phương triển khai các giải pháp cụ thể, đầu tư hạ tầng về thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt nhằm thực hiện quy định chi tiết về quản lý chất thải rắn sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân trên toàn quốc theo quy định;

Có kế hoạch, lộ trình chuyển đổi công nghệ xử lý ưu tiên áp dụng các công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường (như: đốt thiêu hủy, đốt có thu hồi năng lượng, compost,…) nhằm đạt mục tiêu tỷ lệ chôn lấp trực tiếp dưới 30% vào năm 2025.

Tăng cường giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế, thu gom và xử lý chất thải nhựa. Đề xuất chính sách kiểm soát ô nhiễm vi nhựa tại Việt Nam. Triển khai hiệu quả Chương trình đối tác hành động quốc gia về chất thải nhựa. Tổ chức thực hiện hiệu quả các quy định về trách nhiệm của nhà sản xuất, nhập khẩu trong thu hồi, tái chế sản phẩm, bao bì thải bỏ (EPR)./.

Bình Nguyên