Quảng cáo #128

Nâng cao năng lực cộng đồng trong phòng chống thiên tai vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Diễn biến thiên tai vùng ĐBSCL trong bối cảnh mới phức tạp hơn, khó lường hơn do biến đổi khí hậu. Vì vậy, hạ tầng thủy lợi đóng vai trò quan trọng trong giảm thiểu và phòng chống thiên tai đối với vùng ĐBSCL, hiện đã từng bước được hoàn thiện. Cùng với đó là chủ động sắp xếp lại dân cư, di dời dân cư ra khỏi khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở bờ sông, bờ biển.

Nội dung trên được chia sẻ tại Diễn đàn “Nâng cao năng lực cộng đồng trong phòng chống thiên tai vùng ĐBSCL” do Viện Quy hoạch Thủy lợi Miền Nam phối hợp với Báo Nông nghiệp Việt Nam tổ chức ngày 29/11 tại Cần Thơ.

nang-luc-phong-chong-thien-tai-3-1732866925.jpg
Diễn đàn "Nâng cao năng lực cộng đồng trong phòng chống thiên tai vùng ĐBSCL".(Ảnh CTV)

Diễn đàn đánh giá tổng quan thiên tai vùng ĐBSCL, định hướng giải pháp phòng, chống, cùng với đó là thực trạng sạt lở bờ sông, bờ biển ĐBSCL và giải pháp ứng phó thiên tai, hạn hán, xâm nhập mặn.

Thực trạng diễn biến và giải pháp khắc phục hậu quả do sụt lún, sạt lở và ngập úng ở ĐBSCL

Thông tin tại Diễn đàn cho biết, với mục tiêu phát triển bền vững ĐBSCL, thích ứng với biến đổi khí hậu, thời gian qua, thông qua các Nghị quyết của Đảng và Chính phủ, Bộ NN&PTNT đã ban hành nhiều chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phòng chống thiên tai cho vùng ĐBSCL. Trong đó có chiến lược phát triển thủy lợi Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Chiến lược Quốc gia về phòng, chống thiên tai giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến 2050; Đề án Nâng cao nhận thức cộng đồng và Quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng đến năm 2030.

Tại Diễn đàn, các đại biểu đã đưa ra các ý kiến về thực trạng diễn biến phức tạp, sự nguy hiểm và hậu quả do sụt lún, sạt lở và ngập úng ở ĐBSCL. Đồng thời đưa ra những giải pháp để huy động sức mạnh, nguồn lực của nhân dân tham gia vào phòng, chống sụt lún, sạt lở, ngập úng. Cùng với đó là những yêu cầu cấp bách trước mắt, lâu dài để bảo vệ vững chắc, tạo điều kiện phát triển nhanh, bền vững vùng ĐBSCL trong thời gian tới.

Theo ông Nguyễn Quốc Duy, Phó Giám đốc Ban Quản lý Đầu Tư và Xây dựng Thủy lợi 10, cho rằng, việc nhận diện các vấn đề thiên tai vùng ĐBSCL đã khá rõ ràng. Những năm qua, ĐBSCL đã đầu tư một số công trình ứng phó thiên tai xảy ra, song nguồn lực còn hạn chế khiến cho sự quan tâm còn “chưa thỏa đáng” để hoàn thiện bức tranh tổng thể về công tác ứng phó thiên tai của vùng.

Ông Duy điểm lại một số công trình tại hai tỉnh ảnh hưởng nặng nề nhất là Cà Mau với các công trình đê biển, kè giảm sóng hạn chế sạt lở, Bạc Liêu chuẩn bị cho các công trình xây dựng như QL1 A, JICA4…

nang-luc-phong-chong-thien-tai-2-1732866909.jpg
Rừng phòng hộ được tái sinh nhờ kè chắn sóng ven biển Tây Cà Mau, đoạn thuộc xã Khánh Tiến, huyện U Minh. (Ảnh minh họa)

Trong giai đoạn tới, Bộ NN&PTNT cũng xem xét nghiên cứu đầu tư đê biển đông, biển tây, tuy nhiên, với nguồn lực hiện tại, chưa thể giải quyết các bài toán của ĐBSCL. Từ câu chuyện của tỉnh Bạc Liêu có mâu thuẫn trong xây dựng cống ngăn hạn mặn, triều cường gây ảnh hưởng sản xuất, ông Duy cho rằng, bài toán này cần đưa ra ngay từ đầu khi đưa ra kế hoạch về công trình.

Về tình hình thiên tai, hạn hán, xâm nhập mặn và lũ năm 2025 vùng ĐBSCL, ông Nguyễn Huy Khôi, Trưởng phòng Khoa học Công nghệ - Hợp tác quốc tế (Viện Quy hoạch Thủy lợi miền Nam), cho biết, các yếu tố, căn cứ đưa ra nhận định dựa trên cơ sở về điều kiện ENSO, diễn biến mưa trái mùa, diễn biến nguồn nước… Như vậy, nước cuối mùa lũ có ảnh hưởng nhiều đến tình hình xâm nhập mặn của mùa khô kế tiếp.

Theo ông Khôi, năm 2024, hồ chứa thủy điện thượng lưu đã tích được khoảng 88% tổng dung tích hữu ích. Trong đó, các hồ trên sông Lan Thương (Trung Quốc) tích 94%, các hồ ở hạ lưu vực sông Mê Kông tích trữ ở mức khoảng 74%. Dự kiến đầu mùa năm 2024-2025, dung tích hữu ích duy trì ở mức 70-80%.

Trong khi đó, triều cường dự báo các tháng mùa khô 2024-2025 ở mức cao. Cao hơn khá nhiều so với trung bình nhiều năm. Kế hoạch xuống giống lúa vụ Đông Xuân năm 2024-2025 vùng ĐBSSCL 1.490.000ha, lớn hơn không nhiều so với cùng kỳ 2 năm 2022-2023 và 2023-2024. Theo đó, Viện Quy hoạch Thủy lợi miền Nam nhận định, nguy cơ xuất hiện tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn trong mùa khô năm 2024-2025 vẫn có thể xảy ra và ở mức cao hơn trung bình nhiều năm, nhưng sẽ không gay gắt như mùa khô các năm 2023-2024, 2015-2016 và 2019-2020.

nang-luc-phong-chong-thien-tai-1-1732867034.jpg
Dự báo diễn biến thiên tai vùng ĐBSCL trong bối cảnh mới phức tạp hơn, khó lường hơn do biến đổi khí hậu.(Ảnh minh họa)

Về xu thế lũ năm 2025, ông Khôi cho rằng, còn khá sớm để dự báo, song với căn cứ điều kiện triều cường, tác động biến đổi khí hậu gây ra mưa, dự báo sơ bộ cho thấy lũ năm 2025 đầu nguồn sông Cửu Long đạt đỉnh vào cuối tháng 9 đến nửa đầu tháng 10.

Đỉnh lũ năm 2025 trên vùng thượng ĐBSCL phổ biến ở mức xấp xỉ và trên mức Báo động (BĐ) I, một số trạm dưới mức BĐI. Đỉnh lũ năm 2025 trên vùng giữa ĐBSCL phổ biến trên mức BĐIII, một số trạm từ BĐII- BĐIII; thời gian đạt đỉnh phổ biến rơi vào kỳ triều cường cao nhất tháng 11, một số trạm đỉnh lũ rơi vào kỳ chính vụ tháng 10; Đỉnh mực nước lớn nhất năm 2025 các trạm vùng ven biển ĐBSCL có thời gian đạt đỉnh phổ biến rơi vào kỳ triều cường cao nhất tháng 11.

Giải pháp giúp cho ĐBSCL phát triển bền vững, ổn định

Theo Viện Quy hoạch Thủy lợi Miền Nam, vùng ĐBSCL là phần cuối của lưu vực sông Mê Kông, với tổng diện tích 39.400km2, chiếm khoảng 12% diện tích cả nước. Dân số toàn vùng khoảng 18 triệu người, trong đó 75% người dân hoạt động sản xuất nông nghiệp. Hiện nay có 8 loại hình thiên tai thường xảy ra ở ĐBSCL là hạn hán, xâm nhập mặn; lũ, ngập úng; sạt lở bờ sông, bờ biển; mưa lớn; nắng nóng; bão, áp thấp nhiệt đới; giông lốc, sét; cháy rừng do tự nhiên. Các loại hình thiên tai này đã và đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân, đặc biệt là những cộng đồng nông thôn vốn phụ thuộc lớn vào nông nghiệp.

Điển hình, mùa khô năm 2023 – 2024, hạn hán và xâm nhập mặn đã khiến 1.189ha lúa giảm năng suất; khoảng 73.900 hộ dân bị ảnh hưởng thiếu nước sinh hoạt. Bên cạnh đó, vùng ĐBSCL có 2.059 điểm sụt lún; 686 vị trí sạt lở bờ sông và 57 vị trí sạt lở bờ biển.

Tại diễn đàn, Viện Quy hoạch Thủy lợi Miền Nam cho rằng, giải pháp phòng, chống giảm thiểu thiên tai vùng là phải nâng cao năng lực, chất lượng công tác dự báo, cảnh báo; xây dựng, rà soát phân vùng rủi ro thiên tai, lập bản đồ cảnh báo rủi ro thiên tai, nhất là lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất, hạn hán, xâm nhập mặn. Bên cạnh đó, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn nước phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn.

Tăng cường khả năng phòng chống triều cường, nước dâng khu vực vùng giữa và ven biển ĐBSCL. Đồng thời phòng chống xói lở bờ sông bờ biển, vùng có nguy cơ xảy ra sạt lở được cảnh báo kịp thời và được hướng dẫn kỹ năng ứng phó khi xảy ra sạt lở. Cùng với đó là chủ động sắp xếp lại dân cư, di dời dân cư ra khỏi khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở bờ sông, bờ biển.

nang-luc-phong-chong-thien-tai-4-1732866894.jpg
Giải pháp phòng, chống giảm thiểu thiên tai vùng là phải nâng cao năng lực, chất lượng công tác dự báo, cảnh báo.(Ảnh minh họa)

Dự báo diễn biến thiên tai vùng ĐBSCL trong bối cảnh mới phức tạp hơn, khó lường hơn do biến đổi khí hậu. Vì vậy, hạ tầng thủy lợi đóng vai trò quan trọng trong giảm thiểu và phòng chống thiên tai đối với vùng ĐBSCL, hiện đã từng bước được hoàn thiện. Ông Đỗ Đức Dũng, Viện trưởng Viện Quy hoạch Thủy lợi Miền Nam nhấn mạnh về các giải pháp để vùng ĐBSCL phát triển bền vững, ổn định.

“Thực ra giải pháp dài hạn thì từ Trung ương cho đến địa phương đã chuẩn bị rất kỹ và thông qua các nghị quyết, các chương trình, các chiến lược, các quy hoạch, kế hoạch. Ngoài giải pháp phi công trình thì giải pháp công trình là một trong những giải pháp rất quan trọng để giúp cho ĐBSCL phát triển bền vững, ổn định. Giải pháp chính mà tôi muốn nói ở đây là cần phải có các công trình để kiểm soát vùng ngoài, trong quy hoạch của chúng tôi đã có đề xuất các cống kiểm soát ở cửa sông lớn để mình chủ động hơn trong tương lai”, ông Dũng nêu rõ./.

Bình Nguyên