Trồng sầu riêng hữu cơ ứng phó với hạn mặn, nhà vườn Bến Tre thu 3 tỷ đồng/ha

Tại Bến Tre triển khai mô hình sản xuất sầu riêng theo hướng hữu cơ với tổng diện tích 9,62ha đã đem lại những hiệu quả nổi bật. Sầu riêng được sử dụng phân hữu cơ cho bền cây, năng suất ổn định. Giải pháp này giúp nâng cao chất lượng trái sầu riêng, nhiều nhà vườn thu nhập từ 1 đến 3 tỷ đồng/ha.
sau-rieng-huu-co-cho-lach-3-1718333272.jpg
Mô hình sản xuất sầu riêng theo hướng hữu cơ với tổng diện tích 9,62ha tại Bến Tre đã đem lại những hiệu quả nổi bật. (Ảnh minh họa)

Sầu riêng hữu cơ cây khỏe chống chịu hạn mặn tốt cho năng suất ổn định

Từ năm 2020 Tổ hợp tác sầu riêng Sơn Định được Phòng NN&PTNT huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre chọn triển khai mô hình sản xuất sầu riêng theo hướng hữu cơ với tổng diện tích 9,62 ha, tập trung tại 2 ấp Sơn Phụng và Phụng Châu, xã Sơn Định.

Bằng quyết tâm cùng sự hỗ trợ của các nhà khoa học, chính quyền, đoàn thể địa phương, đến cuối năm 2023, mô hình được Công ty Cổ phần Chứng nhận và Kiểm nghiệm FAO cấp chứng nhận các sản phẩm phù hợp tiêu chuẩn Việt Nam về nông nghiệp hữu cơ.

Theo bà con, để chuyển đổi từ sản xuất truyền thống sang hướng hữu cơ giai đoạn đầu còn có một số khó khăn. Cụ thể, sản lượng giảm 20% trong khi chi phí đầu tư tăng. Ngoài ra, người trồng phải tuân thủ chặt chẽ theo quy trình canh tác hữu cơ, ghi chép sổ nhật ký, sử dụng thuốc sinh học trong danh mục cho phép và đảm bảo thời gian cách ly khi thu hoạch, không sử dụng hóa chất độc hại trong xử lý ra hoa và nuôi trái, quản lý sâu bệnh hại theo IPM.

sau-rieng-huu-co-cho-lach-1-1718333310.jpg
Để giảm chi phí, các thành viên Tổ hợp tác còn tự ủ phân hữu cơ từ các phế phụ phẩm nông nghiệp để bón cho cây sầu riêng.(Ảnh minh họa)

Mỗi vụ, trong quá trình dưỡng cây sau thu hoạch lượng phân bón hữu cơ được sử dụng tăng 25% so với cách làm trước đây, ngược lại lượng phân vô cơ cũng phải giảm gần 50%. Hiện tại bà con đã sử dụng 100% phân bón hữu cơ trong suốt mùa vụ. Ngoài ra, để giảm chi phí, các thành viên Tổ hợp tác còn tự ủ phân hữu cơ từ các phế phụ phẩm nông nghiệp để bón cho cây sầu riêng.

Sau thời gian kiên trì với cách làm mới, năng suất sầu riêng đã khôi phục hoàn toàn. Đất trở nên màu mỡ, tơi xốp hơn. Ông Lê Ngọc Sơn - Tổ trưởng Tổ hợp tác sầu riêng Sơn Định chia sẻ, trước khi sản xuất theo hướng hữu cơ, các thành viên đã có kinh nghiệm sản xuất sầu riêng theo tiêu chuẩn VietGAP. Nhờ vậy khi áp dụng quy trình mới bà con không mấy bỡ ngỡ, các kỹ thuật được áp dụng một cách thành thạo.

“Bà con rất tin tưởng vào hướng dẫn của nhà khoa học nên quá trình chuyển đổi rất suôn sẻ, không có ai bỏ cuộc giữa chừng”, ông Sơn cho biết.

Từ khi chuyển đổi sang sản xuất hữu cơ, không chỉ riêng ông Sơn mà các thành viên trong Tổ hợp tác đều có chung đánh giá mô hình này có nhiều lợi ích. Thứ nhất, bảo vệ được sức khỏe người trực tiếp tham gia lao động. Thứ hai, bảo vệ môi trường do không sử dụng chất hóa học, giảm rác từ vỏ chai lọ thuốc BVTV, sản phẩm an toàn tuyệt đối. Chính vì vậy người tiêu dùng rất an tâm khi sử dụng sản phẩm.

“Đất được cải thiện độ tơi xốp nên giữ ẩm tốt hơn, cây sầu riêng khỏe hơn, khả năng chống chịu tốt hơn. Như đợt xâm nhập mặn năm nay thời điểm nắng nóng, độ mặn ngoài sông gần 0,3‰ nên 4 ngày liên tục tôi không tưới cây, tuy nhiên cây vẫn bình thường”, ông Sơn khẳng định.

Sầu riêng hữu cơ được thu mua cao hơn từ 10 - 15%

Theo đánh giá chung của các nhà vườn khi tham gia trồng sầu riêng hữu cơ, điều quan trọng khi sản xuất theo hướng hữu cơ còn giúp tăng tuổi thọ cây trồng. Đây là điểm mấu chốt tạo được sự đồng thuận của nông dân, bên cạnh đó còn giúp giảm chi phí sản xuất, tăng thu nhập, sản phẩm đạt an toàn vệ sinh thực phẩm, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái. Mặt khác, mô hình cũng tạo được sự liên kết trong sản xuất, được chuyển giao khoa học kỹ thuật đồng bộ, dễ quản lý dịch bệnh, sản phẩm đồng nhất, sản lượng lớn.

Đến nay, tất cả 21 hộ thành viên Tổ hợp tác áp dụng sản xuất hữu cơ đều có vườn sầu riêng xanh tốt, hiệu quả đạt 100%. Sản lượng bình quân đạt 25 tấn/ha (đối với vụ nghịch) và 35 tấn/ha (đối với vụ mùa). Tính riêng trong năm 2023, có 15 hộ thành viên thực hiện mô hình sản xuất sầu riêng theo hướng hữu cơ đạt thu nhập trên 1 tỷ đồng/ha. Số còn lại đạt thấp nhất là 300 triệu đồng/năm do diện tích canh tác ít và tuổi cây còn nhỏ nên năng suất chưa cao.

“Cá biệt có hộ thu nhập trên 3 tỷ đồng/ha. Theo quy trình đã đạt được trong năm vừa qua, các thành viên đều thống nhất bằng mọi giá phải duy trì và giữ vững mô hình này. Muốn được như vậy, thành viên Tổ hợp tác và bà con xung quanh đều hiểu được giá trị của việc canh tác hữu cơ”, ông Lê Ngọc Sơn - Tổ trưởng Tổ hợp tác sầu riêng Sơn Định cho biết.

sau-rieng-huu-co-cho-lach-2-1718333249.jpg
Trong năm 2023, có 15 hộ thành viên thực hiện mô hình sản xuất sầu riêng theo hướng hữu cơ đạt thu nhập trên 1 tỷ đồng/ha. (Ảnh minh họa)

Đối với sản phẩm đã đạt chứng nhận hữu cơ của Tổ hợp tác sầu riêng Sơn Định, hiện đã có doanh nghiệp trên địa bàn ký hợp đồng cam kết thu mua với giá cao hơn thị trường từ 10 - 15%.

Thời gian tới, bà con kiến nghị mở rộng mô hình này. Ông Nguyễn Hữu Long, thành viên Tổ hợp tác sầu riêng Sơn Định chia sẻ: “Bây giờ mình sản xuất theo nông nghiệp xanh, bắt buộc phải làm mô hình hữu cơ thì nông nghiệp mới bền vững. Tôi mong muốn chính quyền địa phương hỗ trợ để nhân rộng mô hình, giới thiệu doanh nghiệp thu mua sản phẩm ổn định, lâu dài”.

Hơn 3 năm kể từ khi phát động đến nay, Hội Nông dân xã Sơn Định cùng chính quyền địa phương, chi hội nông dân ở các ấp cũng đã chọn những hộ tiên phong có nguyện vọng để xây dựng mô hình đạt hiệu quả cao nhất.

Theo bà Trang Thị Hoài Thương - Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Sơn Định, đây có thể nói là vùng trồng sầu riêng được cấp chứng nhận hữu cơ đầu tiên của tỉnh Bến Tre. Sắp tới, Hội sẽ phối hợp nhân rộng ra toàn thể hội viên ở các ấp còn lại, hướng đến mục tiêu sầu riêng đạt tiêu chuẩn an toàn chất lượng, được cấp mã số vùng trồng để xuất khẩu.

Bên cạnh 9,62ha sầu riêng vừa được cấp chứng nhận hữu cơ, đến nay, diện tích sản xuất hữu cơ được chứng nhận trên cây dừa của Bến Tre là 12.883ha, bưởi da xanh là 10ha và rau màu là 1,3ha, cây lúa là 100ha.

Mô hình sầu riêng hữu cơ đầu tiên của tỉnh Bến Tre được chứng nhận mang lại hiệu quả sẽ tạo động lực cho bà con nông dân các địa phương trong tỉnh tiếp tục mở rộng diện tích, góp phần thực hiện thành công đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ của tỉnh./.

Theo Đề án Phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến 2030, Bến Tre đặt mục tiêu phát triển nông nghiệp hữu cơ có giá trị tăng cao, bền vững, thân thiện với môi trường gắn với kinh tế nông nghiệp tuần hoàn phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, đưa địa phương này trở thành tỉnh có trình độ sản xuất hữu cơ ngang bằng trong khu vực và cả nước.

Theo đó, tỉnh phấn đấu đến năm 2025, diện tích nhóm đất nông nghiệp sản xuất hữu cơ đạt từ 11 - 13% trên tổng diện tích nhóm đất nông nghiệp; diện tích nuôi trồng thủy sản hữu cơ đạt từ 1 - 2% tổng diện tích nuôi trồng thủy sản; phấn đấu diện tích dừa sản xuất hữu cơ giai đoạn 2022 - 2025 là 20.000ha, đến năm 2030 đạt 30.000ha; diện tích bưởi da xanh sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ PGS giai đoạn 2022 - 2025 đạt 50ha, đến năm 2030 đạt 200ha.

Bình Nguyên