Qua gần 30 năm khai hoang phục hóa đến nay, vùng Đồng Tháp Mười thuộc huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang đã không còn đất hoang, vườn cây đặc sản ngày càng nhân rộng và cho hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên đối với cây sầu riêng, dù giá trị cao nhưng chính quyền địa phương không khuyến khích nông dân trồng do điều kiện thổ nhưỡng chưa thuận lợi.
Diện tích cây ăn trái ở huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang nhờ đầu tư xây dựng hệ thống kênh mương thủy lợi cung cấp nước tưới tiêu, thoát phèn bài bản và các ô đê bao ngăn nước lũ nên cây ăn trái ngày càng phát triển. Đến nay, toàn huyện có trên 20.000 ha vườn cây ăn trái; trong đó có 17.000 ha cây khóm (dứa), hơn 1.000 ha cây thanh long, 800 ha cây mít.
Hiện nay, các loại cây ăn quả này giá rất cao, nông dân có nguồn thu nhập khá lớn như thanh long gần 30.000 đồng/kg, mít 50.000 đồng/kg; khóm gần 10.000 đồng/kg.
Gần đây, giá sầu riêng tăng cao ở mức kỉ lục nên nhiều nông dân huyện Tân Phước trồng loại cây ăn quả này. Toàn huyện đã có ít nhất 5 ha cây sầu riêng đã cho trái tập trung ở xã Tân Hòa Đông và Thạnh Hòa. Qua thu hoạch cho thấy do đất còn độ phèn cao nên dù cây có năng suất nhưng chất lượng không cao. Chính quyền và ngành nông nghiệp địa phương không khuyến khích nông dân nhân rộng diện tích cây sầu riêng.
Ông Trần Hoàng Phong, Chủ tịch UBND huyện Tân Phước cho biết, cây sầu riêng đã có một số bà con trồng, ban đầu thấy phát triển tốt, lớn nhanh nhưng khi có trái chỉ được 1 – 2 mùa sẽ chết, do đất huyện Tân Phước là đất phèn không đủ chất dinh dưỡng. Vì thế hiện nay dù bà con có trồng nhưng huyện khuyến cáo không nên trồng loại cây này.
Bảo vệ vườn sầu riêng trong mùa hạn, mặn
Để bảo vệ vườn sầu riêng trong mùa khô năm 2023, nhiều nhà vườn đã chủ động triển khai các giải pháp ứng phó hạn, mặn. Rút kinh nghiệm từ 2 mùa hạn, mặn năm 2015 - 2016 và 2019 - 2020, những năm gần đây, nhà vườn trồng sầu riêng tại các huyện, thị phía Tây của tỉnh đã chủ động thực hiện các giải pháp phòng, chống hạn, mặn trong mùa khô. Bởi so với nhiều loại cây trồng khác, sầu riêng là loại cây dễ "mẫn cảm" với mặn.
Được biết, vùng cù lao xã Tân Phong, xã Ngũ Hiệp, Long Đức (xã Tam Bình, huyện Cai Lậy) hiện có khoảng 2.800 ha cây ăn trái, chủ yếu là cây sầu riêng. Để giúp nông dân bảo vệ sản xuất, tỉnh đã đầu tư 17 giếng khoan tại khu vực này (xã Tân Phong 08 giếng, xã Ngũ Hiệp 07 giếng, xã Tam Bình 02 giếng). Khi hạn, mặn xâm nhập đến khu vực này, tỉnh sẽ cho vận hành các giếng khoan để phục vụ nhu cầu tưới tiêu của người dân.
Bà Hồ Thị Xuân Đào, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Tân Phong cho biết, hiện toàn xã có khoảng 600 ha sầu riêng. Để chủ động công tác phòng, chống hạn, mặn, Ủy ban nhân dân xã đã đẩy mạnh tuyên truyền người dân tăng cường nạo vét kinh, mương, khơi thông dòng chảy.
"Hiện địa phương đã được tỉnh đầu tư 08 giếng khoan phục vụ công tác phòng, chống hạn, mặn. Xã đã đầu tư các ô đê bao, khi mặn xâm nhập tới thì sẽ vận hành các giếng khoan bơm nước vào các ô này để phục vụ sản xuất cho người dân. Sau đợt hạn, mặn năm 2019 - 2020, bà con đã có kinh nghiệm trong công tác phòng chống hạn, mặn và ý thức đã được nâng cao", bà Đào cho hay.
Theo Thạc sĩ Nguyễn Văn Sơn, Phó trưởng Bộ môn Nông học - Viện Cây ăn quả miền Nam phân tích, cây sầu riêng chịu được độ mặn dưới 1/1000. Do đó, nông dân cần lưu ý khi tưới nước cho cây, nồng độ mặn phải dưới 0,2g/l. Để bảo vệ tốt vườn sầu riêng, nông dân cần theo dõi thông tin dự báo về tình hình xâm nhập mặn để không lấy nước vào vườn, kịp thời chủ động ứng phó. Bên cạnh đó, nhà vườn nên trang bị một dụng cụ để đo độ mặn trước khi tưới nước cho cây. Ngoài ra, bà con cũng cần chú ý chăm sóc cây sầu riêng trong mùa hạn, mặn đúng theo hướng dẫn của các ngành chuyên môn./.