Đánh giá về tình hình triển khai Dự án Sân bay Quảng Trị, đại diện lãnh đạo Tập đoàn T&T cho rằng, đây là dự án có nguồn vốn đầu tư lớn, do đó cần được nghiên cứu đầu tư một cách căn cơ nhất.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp này cũng nêu một số khó khăn ảnh hưởng đến tiến độ triển khai và mong muốn lãnh đạo tỉnh, các sở, ngành, địa phương cùng bàn bạc, tìm giải pháp tháo gỡ để quyết tâm đưa vào vận hành Sân bay Quảng Trị vào năm 2026.
Phát biểu ý kiến, ông Hà Sỹ Đồng - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị thống nhất với ý kiến của Tập đoàn T&T về tình hình khó khăn của việc thu hút nhà đầu tư trong thời điểm nền kinh tế gặp nhiều biến động như hiện nay.
Do đó, với quyết tâm triển khai Dự án Sân bay Quảng Trị, cần tính toán phương án khả thi, cắt giảm tối đa các hạng mục chưa cần thiết, giảm suất đầu tư nhà ga hành khách, không thiết kế cầu cạn, giảm mức đầu tư các hạng mục giai đoạn 2... Tỉnh thống nhất vẫn giữ nguyên tổng mức đầu tư của dự án hơn 5.800 tỉ đồng, tuy nhiên chưa đề cập đến phân kỳ đầu tư.
Nêu ý kiến tại cuộc họp, ông Hoàn Nam – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cũng đồng tình với quan điểm hai bên bàn bạc để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhằm đốc thúc tiến độ triển khai Dự án Sân bay Quảng Trị.
Bên cạnh đó, Phó chủ tịch tỉnh Quảng Trị cho rằng, với mục tiêu đề ra là đến năm 2026 sẽ đưa vào vận hành Sân bay Quảng Trị, phía Tập đoàn T&T và tỉnh cần tính toán cụ thể các công việc cần làm, thống nhất nguyên tắc là về mặt pháp lý phải căn cứ vào các quyết định của Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành liên quan đã phê duyệt. Đồng thời lãnh đạo tỉnh cũng sẽ xem xét các đề xuất của Tập đoàn T&T.
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Võ Văn Hưng - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị ghi nhận tâm huyết của Tập đoàn T&T đối với việc đầu tư, hỗ trợ triển khai các dự án lớn của tỉnh nhằm giúp Quảng Trị phát triển.
Chủ tịch tỉnh Quảng Trị cho rằng, những ý kiến đề xuất của công ty đối với dự án Sân bay Quảng Trị thể hiện quyết tâm cùng với tỉnh sớm hiện thực hóa dự án này.
Trên cơ sở ý kiến của các Phó Chủ tịch UBND tỉnh, đại diện các sở, ngành liên quan, đề nghị đơn vị tư vấn ADCC cùng với Sở Giao thông vận tải tiếp thu, hoàn chỉnh báo cáo nghiên cứu khả thi trường ngày 25/5/2023, trình Hội đồng Thẩm định Quốc gia vào tháng 6/2023, để triển khai các bước tiếp theo. Trong năm 2023 quyết tâm hoàn chỉnh các thủ tục để lựa chọn được nhà đầu tư triển khai thực hiện dự án./.
Trước đó, ngày 20/12/2021, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã ký Quyết định 2148/QĐ-TTg về chủ trương đầu tư dự án Đầu tư xây dựng Cảng hàng không Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị, theo phương thức đối tác công tư (PPP).
Theo đó, Cảng hàng không Quảng Trị được xây dựng tại các xã Gio Quang, xã Gio Hải và xã Gio Mai, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị với mục tiêu đầu tư xây dựng Cảng hàng không Quảng Trị nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải đường hàng không ngày càng tăng cao, góp phần thúc đẩy phát triển chính trị, kinh tế - xã hội.
Đồng thời, đảm bảo tính cơ động cao trong việc phòng thủ, cũng như trong công tác cứu hộ, cứu nạn; đảm bảo quốc phòng-an ninh của khu vực Trung bộ nói chung và của tỉnh Quảng Trị nói riêng; phù hợp với quy hoạch và định hướng phát triển giao thông vận tải.
Quy mô dự án theo quy hoạch: Cấp sân bay 4C (theo mã tiêu chuẩn của Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế - ICAO) và sân bay quân sự cấp hai.
Công suất theo quy hoạch là 1 triệu hành khách/năm và 3.100 tấn hàng hóa/năm. Loại tàu bay khai thác code C hoặc tương đương. Cảng hàng không có 5 vị trí đỗ tàu bay code C (có khả năng đỗ tàu bay code E).
Tổng mức đầu tư dự kiến cho cả 2 giai đoạn là 5.822,9 tỷ đồng. Trong số đó, giai đoạn 1 là 2.913,6 tỷ đồng bao gồm: vốn do Nhà đầu tư huy động là 2.680,5 tỷ đồng (vốn chủ sở hữu là 380 tỷ đồng, vốn vay tín dụng là 2.300,5 tỷ đồng) và vốn ngân sách trung ương hỗ trợ để thực hiện giải phóng mặt bằng, tái định cư là 233,103 tỷ đồng.