Theo đó, ngày 20/12/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 2148/QĐ-TTg về chủ trương đầu tư dự án Đầu tư xây dựng CHK Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị theo phương thức đối tác công tư (PPP).
CHK Quảng Trị được xây dựng tại các xã Gio Quang, xã Gio Hải và xã Gio Mai, huyện Gio Linh (tỉnh Quảng Trị) với tổng mức đầu tư dự kiến cho cả 2 giai đoạn là 5.822,9 tỷ đồng. Dự kiến thời gian thực hiện dự án là 50 năm. Thời gian vận hành, thu phí hoàn vốn là 47 năm 4 tháng.
Mục tiêu đầu tư xây dựng Dự án này nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải đường hàng không ngày càng tăng cao, góp phần thúc đẩy phát triển chính trị, kinh tế, xã hội; đồng thời đảm bảo tính cơ động cao trong việc phòng thủ, cũng như trong công tác cứu hộ, cứu nạn; đảm bảo quốc phòng - an ninh của khu vực Trung bộ nói chung và của tỉnh Quảng Trị nói riêng; phù hợp với quy hoạch và định hướng phát triển giao thông vận tải.
Quy mô dự án theo quy hoạch: Cấp sân bay: 4C (theo mã tiêu chuẩn của Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế - ICAO) và sân bay quân sự cấp II. Công suất theo quy hoạch: 01 triệu hành khách/năm và 3.100 tấn hàng hóa/năm; Loại tàu bay khai thác: Tàu bay code C hoặc tương đương; Tổng số vị trí đỗ tàu bay: 05 vị trí code C (có khả năng đỗ tàu bay code E); Cấp cứu nguy, cứu hỏa: cấp 7.
Dự kiến quy mô đầu tư theo 2 giai đoạn: Trong đó, Giai đoạn 1: Xây dựng các công trình cơ bản của CHK Quảng Trị đạt tiêu chuẩn CHK cấp 4C và sân bay quân sự cấp II theo quy hoạch và đạt công suất theo dự báo khai thác của CHK đạt khoảng 2,2 triệu hành khách/năm vào năm 2046 và khoảng 5.600 tấn hàng hóa vào năm 2042.
Giai đoạn còn lại sẽ đầu tư hạ tầng khu phục vụ mặt đất tại CHK năm 2029; Mở rộng nhà ga hành khách năm 2047 đảm bảo khai thác đến 5 triệu hành khách; Mở rộng nhà ga hàng hóa đợt 1 năm 2043 với công suất khai thác khoảng 13.700 tấn/năm, đợt 2 năm 2059 với công suất khai thác khoảng 25.500 tấn/năm. Đồng thời, xây dựng các văn phòng cơ quan nhà nước và các công trình dịch vụ hàng không và phi hàng không phù hợp với quy hoạch. Đối với khu đất quân sự (51,2 ha) sẽ đầu tư khi Quân đội có nhu cầu.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Hưng nhấn mạnh, với mong muốn hoàn thiện tốt nhất hồ sơ Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án trước khi trình Hội đồng thẩm định liên ngành, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức Hội thảo để tham vấn ý kiến của các chuyên gia tư vấn, thành viên Hội đồng thẩm định Trung ương, các đơn vị trong lĩnh vực hàng không, đơn vị tư vấn nước ngoài.
Quảng Trị là địa phương đã chịu nhiều mất mát, đau thương trong 2 cuộc chiến tranh giữ nước; là nơi chia cắt của hai miền giới tuyến; người dân Quảng Trị đã anh dũng chiến đấu, hy sinh vì độc lập của tổ quốc. Sau khi chiến tranh kết thúc và tỉnh được lập lại, Quảng Trị đã nỗ lực phấn đấu xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp. Tuy nhiên, để Quảng Trị phát triển lớn mạnh hơn nữa thì hệ thống cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông cực kỳ quan trọng, cần phải có sự đột phá mạnh mẽ hơn nữa.
Đây là dự án rất quan trọng để thực hiện các mục tiêu chiến lược phát triển Kinh tế - Xã hội, đảm bảo An ninh - Quốc phòng và đáp ứng nguyện vọng của người dân Quảng Trị và du khách trong và ngoài nước… vậy nên tỉnh Quảng Trị sẽ tập trung nỗ lực để CHK Quảng Trị sớm được xây dựng.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cũng bày tỏ cảm ơn các đại biểu là đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành và đại diện lãnh đạo các đơn vị trong lĩnh vực hàng không, các đơn vị tư vấn nước ngoài và trong nước đã tham gia Hội thảo, đã tạo điều kiện để tỉnh Quảng Trị báo cáo xin ý kiến tham vấn về tầm nhìn chiến lược, hiệu quả đầu tư, quản lý vận hành CHK Quảng Trị - Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án đầu tư xây dựng CHK Quảng Trị theo phương thức đối tác công tư (PPP).
Tại hội thảo, hầu hết các đại biểu tham dự đều có nhận định và thống nhất cao việc xây dựng CHK Quảng Trị, đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng đối với vai trò an ninh quốc phòng, cứu hộ cứu nạn và logisstics của CHK Quảng Trị sau khi hoàn thành.
Cho ý kiến về Dự án CHK Quảng Trị, đại biểu của các Bộ, Kế hoạch và Đầu tư, Giao thông vận tải và Quốc phòng cùng đại diện lãnh đạo các đơn vị trong lĩnh vực hàng không, các đơn vị tư vấn nước ngoài và trong nước đã có nhiều ý kiến góp ý về nội dung của Hồ sơ Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án; các ý kiến về tầm nhìn chiến lược, hiệu quả đầu tư, quản lý vận hành đối với Dự án CHK Quảng Trị theo phương thức PPP. Trong đó, các đại biểu đã tập trung phân tích lợi thế về mặt bằng, quỹ đất dự trữ để mở rộng xây dựng CHK Quảng Trị; Công năng vận tải hàng hóa, logistics, các dịch vụ sân bay, hàng không và phục vụ nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, cứu hộ, cứu nạn...
Ông Lê Đức Cảnh - Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Hàng không Việt Nam nhận định về những cơ hội và thách thức đan xen khi xây dựng CHK Quảng Trị. Trong đó, Quảng Trị có thể xem xét tập trung phát huy các thế mạnh là cửa ngõ ra biển thuận lợi cho các nước thuộc Hành lang kinh tế Đông – Tây (EWEC).
Do vậy, đây là cơ hội phát triển vận tải hành khách và hàng hóa quá cảnh, hỗ trợ các vùng địa phương sâu trong nội địa. Bên cạnh đó, kinh tế biển, du lịch biển, du lịch tâm linh, du lịch về nguồn cũng là lợi thế lớn của tỉnh cần được phát huy. Đối với vận tải hàng hóa, CHK Quảng Trị sẽ tạo sự kết hợp giá trị với các Cửa khẩu Quốc tế Lao Bảo, Cửa khẩu Quốc tế La Lay và Cảng biển Cửa Việt…
Phát biểu kết luận, đồng chí Lê Quang Tùng, Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Trị nhấn mạnh, lãnh đạo tỉnh Quảng Trị luôn trăn trở làm thế nào để sớm xây dựng CHK trên địa bàn với tính khả thi cao. Vì vậy, tỉnh đã phối hợp với các ngành, đơn vị tổ chức nhiều hội thảo, hội nghị để tìm ra giải pháp tối ưu nhất, tìm được nhà đầu tư có tiềm lực để thống nhất phương án thực hiện.
Qua các ý kiến trình bày tại hội thảo thấy rõ, tỉnh Quảng Trị cần nhiều nỗ lực hơn nữa, tạo điều kiện nhiều hơn nữa để thu hút nhà đầu tư, đồng thời khuyến khích nhà đầu tư tạo ra các “chân hàng” thu hút, thúc đẩy phát triển.
Cùng với đó, tỉnh Quảng Trị đang từng bước nỗ lực để hoàn thiện, kết nối giao thông. Tỉnh sẽ cùng đơn vị tư vấn hoàn thiện báo cáo nghiên cứu khả thi theo hướng bổ sung các ý kiến đóng góp tại hội thảo, đó là cần khai thác sự gắn kết giữa các trục kết nối, xác định lợi thế cạnh tranh và cập nhật các nội dung mà các chuyên gia đã có ý kiến.