Trong sản xuất nông nghiệp, việc nặng nhọc và độc hại nhất đối với người nông dân là khâu phun thuốc trừ sâu, nhưng nay khi áp dụng công nghệ mới thì việc phun thuốc cũng đã được thay thế bằng giải pháp công nghệ.
Lần đầu tiên, 100 ha mô hình sản xuất lúa Japonica chất lượng cao theo tiêu chuẩn xuất khẩu của xã Tân Hưng, huyện Sóc Sơn đã được phun thuốc trừ sâu bệnh bằng thiết bị bay không người lái. Khó có thể diễn tả hết niềm vui của người dân khi chứng kiến những thửa ruộng của mình được phun thuốc mà không cần đến công sức như trước đây.
Theo ông Đỗ Văn Kiên, Giám đốc HTX Nông nghiệp Tam Hưng, huyện Thanh Oai, tại HTX nông nghiệp hữu cơ Nam Phương Tiến huyện Chương Mỹ đã đưa công nghệ 4.0 vào quản lý giám sát vùng sản xuất được triển khai trên quy mô 20 ha. Camera được lắp đặt trên cánh đồng. Tất cả thông tin về ngày xuống giống, bón phân, chăm sóc đều được ghi chép đầy đủ thông qua nhật ký điện tử Egap.
Quy trình sản xuất lúa hữu cơ được camera ghi lại và lưu trữ theo thời gian thực về toàn bộ chuỗi sản xuất. Người tiêu dùng có thể kiểm chứng qua trích xuất hình ảnh từ camera. Việc áp dụng công nghệ 4.0 vào sản xuất lúa đã được ngành nông nghiệp Hà Nội triển khai trên diện tích khoảng 900 ha. Đây là diện tích đã được quy hoạch gọn vùng gọn thửa, thuận lợi cho việc áp dụng khoa học kỹ thuật.
Bà Trịnh Thị Nguyệt, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX Nông nghiệp hữu cơ Đồng Phú cho biết: Hợp tác xã đã chỉ đạo, tổ chức nhân dân thực hiện nghiêm ngặt quy trình sản xuất lúa hữu cơ theo dự án Pamci. Nguồn đất, nước phải được kiểm tra dư lượng chất kim loại nặng, nói không với thuốc trừ sâu, trừ cỏ, các chất hóa học sử dụng trong nông nghiệp, từ đạm, lân kali và chất bảo quản… HTX tuyệt đối không dùng bất cứ loại hóa chất nào ngoài phân chuồng ủ hoai mục.
Hệ thống nước tưới trước khi dẫn vào ruộng thì mương máng phải được thau rửa, các cửa cống vào khu ruộng phải được đặt than hoạt tính. Đến khi thu hoạch lúa phải được kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Toàn bộ quá trình sản xuất được ghi chép đầy đủ qua hệ thống sổ sách tin cậy. Khác với việc sản xuất thông thường, trong quá trình sản xuất hữu cơ, nông dân hoạt động theo nhóm, sản xuất theo cả khu ruộng. Do đó, các hộ nông dân ngoài sản xuất còn phải giám sát nhau để quy trình sản xuất được thực hiện một cách nghiêm ngặt nhất.
Ông Tạ Văn Tường, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết, mặc dù đã đạt nhiều kết quả khả quan nhưng việc áp dụng công nghệ 4.0 vào sản xuất lúa hiện nay mới chủ yếu được thực hiện tại các mô hình. Theo đánh giá của các nhà quản lý, thì sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ manh mún đang là một khó khăn cho việc áp dụng công nghệ cũng như nhân rộng mô hình.
Hiện nay, ngành nông nghiệp Hà Nội đang đẩy mạnh phát triển các vùng sản xuất lúa Japonica và lúa chất lượng cao hàng hoá tiêu chuẩn xuất khẩu theo quyết định 5342 của UBND thành phố. Trong quá trình triển khai, việc xây dựng những cánh đồng mẫu lớn, vùng sản xuất tập trung được thực hiện, trên cơ sở đó sẽ đưa các tiến bộ khoa học kỹ thuật sản xuất.
Theo Sở NN&PTNT Hà Nội, nhờ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, đến nay toàn thành phố có 285 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Trong đó, 185 mô hình thuộc lĩnh vực trồng trọt, 45 mô hình thuộc lĩnh vực chăn nuôi, 54 mô hình thuộc lĩnh vực thủy sản và 1 mô hình kết hợp trồng trọt và chăn nuôi. Những mô hình công nghệ cao tập trung nhiều ở các huyện như: Mê Linh, Gia Lâm, Thường Tín, Đông Anh, Thanh Oai, Đan Phượng…
Một số mô hình ứng dụng công nghệ cao, đầu tư máy móc thiết bị hiện đại, bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với tình hình thực tế của Hà Nội và đang khẳng định được vị thế trên thị trường, điển hình như: Mô hình sản xuất giống và hoa lan Hồ điệp của Hợp tác xã Đan Hoài (huyện Đan Phượng); Hợp tác xã sản xuất và tiêu thụ rau hữu cơ công nghệ cao Cuối Quý (huyện Đan Phượng); Nhà máy sản xuất nấm Kim châm công nghệ Nhật bản của Công ty TNHH xuất nhập khẩu Kimoko Thanh Cao (huyện Mỹ Đức); Công ty CP Giống gia súc Hà Nội./.