Phát triển cây quế hữu cơ giúp xoá đói giảm nghèo

Với giá trị kinh tế ổn định, việc mở rộng diện tích trồng quế hữu cơ đã góp phần xoá đói giảm nghèo đảm bảo xây dựng nông thôn mới, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai. Từ đây, địa phương này đặt mục tiêu đến năm 2025, phấn đấu mở rộng đạt diện tích trồng quế hữu cơ, hướng tới xây dựng thương hiệu sản phẩm quốc gia.

Hiện toàn huyện Bắc Hà có khoảng 9.881 ha quế, trong đó trồng mới năm 2022 được 580 ha, đạt 100% kế hoạch. Với diện tích đến thời kỳ thu hoạch hơn 4.000ha; diện tích quế tập trung ở các xã khu vực 12 xã hạ huyện, chủ yêu là xã Nậm Đét, Nậm Lúc, Cốc Lầu, Bản Cái, Cốc Ly, sản lượng năm 2022 đạt 17.887 tấn, giá trị thu được từ quế đạt 304 tỷ đồng, chiếm 24,9% tổng giá trị ngành nông nghiệp. Đặc biệt, vùng nguyên liệu quế hữu cơ đã được công nhận là 2.248 ha/3 xã (Nậm Lúc, Bản Cái, Nậm Đét), chiếm 64,1% diện tích quế hữu cơ toàn tỉnh. 

thu-hoach-que-1664880555-1679323826.jpg
Cây quế được trồng theo tiêu chuẩn hữu cơ đang mang lại thu nhập ổn định cho người dân tại huyện Bắc Hà.

Cây quế đã và đang khẳng định là cây trồng chủ lực mang lại giá trị kinh tế cao, góp phần giảm nghèo và làm giàu ở địa phương này. Đặc biệt, trong những năm gần đây, người dân trong xã đã thực hiện quy trình sản xuất quế hữu cơ, từ đó nâng cao giá trị cây quế cũng như sản phẩm quế của địa phương. Huyện Bắc Hà ưu tiên và khuyến khích người dân trồng quế hữu cơ, không dùng thuốc trừ sâu, không dùng thuốc diệt cỏ… có như thế thì môi trường mới không bị ảnh hưởng.

Tuy nhiên, quá trình phát triển cây quế ở huyện Bắc Hà nói riêng và tại tỉnh Lào Cai nói chung đang gặp nhiều khó khăn, thách thức. Trong đó, công tác quản lý quy hoạch của các địa phương chưa tốt dẫn tới tình trạng người dân trồng quế ồ ạt; một số nơi điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng không phù hợp với cây quế nhưng người dân vẫn trồng, dẫn đến cây quế sinh trưởng phát triển kém, chất lượng, năng suất sản phẩm thấp dễ bị sâu bệnh... 

Chất lượng giống quế chưa cao, do chưa được quan tâm đầu tư nhân lực cho khâu chọn giống, nhân giống công nghệ cao. Việc tiêu thụ sản phẩm quế (vỏ, lá) phụ thuộc hoàn toàn vào thương lái, chưa hình thành hiệp hội người sản xuất quế. Trong đó sản phẩm gỗ quế mới chỉ dừng lại ở việc tiêu thụ tại chỗ hoặc sử dụng làm cột chống, ván bóc, chưa có cơ sở thu mua, chế biến các sản phẩm ván thanh, sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ. Ngoài ra, mặc dù cây quế đã được trồng thành những cánh rừng bạt ngàn, nhưng chưa được cấp chứng chỉ FSC; diện tích rừng quế đạt tiêu chuẩn quế hữu cơ chiếm tỷ lệ thấp...

Quế là cây đa mục đích, vừa là cây lâm nghiệp, vừa là cây phát triển chế biến nông nghiệp. Nghị quyết 10-NQ/TU của Ban Thường vụ tỉnh ủy Lào Cai xác định cây quế là một trong những cây chủ lực, đây là định hướng hoàn toàn đúng trong điều kiện địa hình, khí hậu và điều kiện canh tác của Lào Cai. Thời gian qua, cây quế đã góp phần xóa đói giảm nghèo đảm bảo xây dựng nông thôn mới, đảm bảo gắn kết, tạo ra các hợp tác xã để thúc đẩy sản xuất nông nghiệp.

Để không ngừng nâng tầm giá trị sảm phẩm quế, chính quyền địa phương đã triển khai nhiều giải pháp. Trong đó, quy hoạch những điểm sản xuất có mặt bằng cho các doanh nghiệp vào để chế biến sâu và trực tiếp không qua khâu trung gian nữa. Tiếp tục mở rộng cơ sở hạ tầng, đường giao thông, khi đường giao thông thông suốt thì các doanh nghiệp hoặc bạn hàng đến sẽ thuận tiện hơn.

que-1679323784.jpg
Sản phẩm quế hữu cơ của các HTX trên địa bàn tỉnh đã xuất khẩu sang các thị trường Ấn Độ, một số nước Trung Đông... Ảnh: TTX.

Ưu tiên cấp giấy phép đăng ký kinh doanh cho các doanh nghiệp có sản xuất chế biến sâu như: chiết xuất tinh dầu quế công nghệ cao; sản xuất hàng mỹ nghệ từ vỏ quế, gỗ quế…xây dựng thêm các vườn giống và rừng giống mới trên cơ sở có cây mẹ được chọn lọc cẩn thận và đạt tiêu chuẩn công nhận giống; quản lý chặt chẽ nguồn giống, chất lượng cây giống trồng rừng tại các địa phương. Hỗ trợ liên kết thành lập các hợp tác xã sản xuất, kinh doanh quế; xây dựng phương án quản lý rừng bền vững, đẩy mạnh diện tích trồng quế hữu cơ...  

Với giá trị kinh tế mang lại góp phần ổn định đời sống của bà con, huyện Bắc Hà đặt mục tiêu đến năm 2025, phấn đấu mở rộng đạt diện tích quế lên 11.025ha tại các xã hạ huyện, trong đó tập trung phát triển vùng quế hữu cơ với diện tích trên 2.700ha, hướng tới xây dựng thương hiệu sản phẩm quốc gia. Gắn phát triển vùng nguyên liệu quế với thu hút, kêu gọi đầu tư các cơ sở chế biến sâu vỏ quế, có giá trị gia tăng cao./.