Quảng Ninh chủ động phòng bệnh trên tôm nuôi vụ đông

Nhằm giảm thiểu thiệt hại, bảo vệ sản xuất và phòng bệnh trên tôm trước diễn biến thời tiết ngày càng phức tạp, tỉnh Quảng Ninh đã chủ động nhiều biện pháp phòng bệnh trên tôm nuôi vụ đông.
2-1699946735.png
Người nuôi tôm phải báo cáo kịp thời với chính quyền khi xảy ra những vấn đề bất thường. (Ảnh minh họa)

Tôm được xem là vật nuôi chủ lực trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản của tỉnh Quảng Ninh, với 32.000 ha diện tích nuôi trồng thủy sản, trong đó, riêng nuôi tôm là 7.500 ha. Trước tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, dễ nảy sinh các nguy cơ dịch bệnh, người nuôi cần chủ động phòng chống dịch bệnh cho tôm nuôi vụ đông.

Theo khuyến cáo của các cơ quan chức năng và nhà khoa học, trong thời điểm thời tiết diễn biến phức tạp, nắng nóng kéo dài hoặc rét đậm rét hại sẽ dẫn tới nguy cơ cao bùng phát dịch bệnh ở tôm nuôi.

Hiện nay, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã có kế hoạch thực hiện, chủ động chống rét trong nuôi tôm công nghiệp. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ninh khuyến cáo người nuôi tôm cần tuân thủ nghiêm hướng dẫn của cơ quan quản lý thủy sản tại địa phương; chủ động xây dựng phương án phòng chống rét và sản xuất phù hợp.

Trong đó, đặc biệt nhấn mạnh vai trò quan trọng nhất chính là sự chủ động của các hộ nuôi, vì vậy ngành chức năng khuyến cáo đối với các cơ sở các hộ nuôi chưa xảy ra dịch bệnh, phải thực hiện đầy đủ quy trình đảm bảo nuôi an toàn, chỉ mua giống tôm ở những cơ sở uy tín, được kiểm dịch và được xét nghiệm PCR, đảm bảo không có mầm bệnh ngay từ đầu vào.

Ngoài việc theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, phải chuẩn bị đầy đủ thức ăn, thuộc thủy... các cơ sở nuôi trồng phải cung cấp thông tin kịp thời, trung thực tới Chi cục Chăn nuôi và Thú y về tình hình dịch bệnh, những vấn đề bất thường, đảm bảo đầm nuôi sản xuất an toàn....

Tỉnh Quảng Ninh cũng yêu cầu Chi cục Chăn nuôi và Thú y cần tăng cường xuống địa bàn để nắm bắt, hỗ trợ các hộ nuôi trong quá trình dịch bệnh diễn ra phức tạp, có các biện pháp hỗ trợ nhanh chóng khoanh vùng xử lý dập dịch, giảm tối đa thiệt hại và không ảnh hưởng tới các hộ nuôi lân cận./.

Trần Quỳnh