Phú Thọ: Học và làm theo lời Bác để tạo sức bật cho xây dựng nông thôn mới

Vận dụng quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng đời sống mới để tạo sức bật cho xây dựng nông thôn mới, đưa xây dựng nông thôn mới trở thành phong trào quần chúng rộng khắp, thực chất và hiệu quả. Đây là vấn đề có ý nghĩa quan trọng và cấp thiết trong giai đoạn hiện nay, góp phần đưa quê hương Phú Thọ ngày càng phát triển phồn vinh, hạnh phúc.

“Đời sống mới” - Vẹn nguyên tính thời sự

Việt Nam là một nước nông nghiệp. Bởi vậy lúc sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành sự quan tâm đến phát triển nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống Nhân dân và coi đó là vấn đề có ý nghĩa sống còn đối với sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, chính quyền của ta còn non trẻ, ngân khố quốc gia cạn kiệt, hơn 2 triệu người chết vì nạn đói, 90% dân mù chữ, năng suất nông nghiệp thấp… Trước tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”, cùng một lúc phải chống giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm, ngày 4/3/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Sắc lệnh 44/SL về “Đời sống mới” và phát động phong trào “Xây dựng đời sống mới”.

pt5-1730244136.png

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, mục đích của việc xây dựng đời sống mới là “Làm thế nào cho đời sống của Nhân dân ta, vật chất được đầy đủ hơn, tinh thần được vui mạnh hơn”. Người chỉ rõ: “Đời sống mới không phải là cái gì cao xa, khó khăn mà chỉ là sửa lại những việc cần thiết trong đời sống hàng ngày đó là cách ăn, cách ở, cách mặc, cách đi lại, cách làm việc”… Khi xây dựng “Đời sống mới không phải cái gì cũ cũng bỏ, cái gì cũng làm mới mà cái gì cũ mà xấu thì bỏ (tính lười biếng, tham lam...); cái gì cũ, không xấu nhưng phiền phức thì phải sửa đổi cho hợp lý (cưới hỏi quá xa xỉ...); cái gì cũ mà tốt thì phải phát triển thêm (tương thân, tương ái, tận trung với nước, hiếu với dân...); cái mới mà hay, thì phải làm (ăn ở hợp vệ sinh, làm việc ngăn nắp)”.

Để Nhân dân hiểu đúng và thực hành đời sống mới, Người luôn coi trọng công tác tuyên truyền, giải thích và làm gương để từ đó thấm sâu vào mỗi người, mỗi nhóm, mỗi đoàn thể. Theo Người, “phải chịu khó nói rõ cho mọi người hiểu đời sống mới có ích thế nào, cách thi hành đời sống mới thế nào. Nói một lần họ chưa hiểu thì nói nhiều lần. Nói đi, nói lại, bao giờ người ta hiểu, người ta làm mới thôi”. Người yêu cầu cán bộ làm công tác tuyên truyền, vận động xây dựng đời sống mới phải nói một cách giản đơn, thiết thực với hoàn cảnh mỗi người; nói sao cho người ta nghe rồi làm được ngay. Việc dễ, việc nhỏ làm được rồi sẽ nói đến việc to, việc khó… “Người là gốc của làng, nước, nếu mỗi người cố gắng làm đúng đời sống mới thì dân tộc nhất định phú cường”. Trải qua 77 năm, những lời chỉ dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong tác phẩm “Đời sống mới” đến nay vẫn vẹn nguyên giá trị, mang tính thời sự sâu sắc, là cơ sở lý luận - thực tiễn quan trọng cho sự nghiệp đổi mới đất nước, đặc biệt là cho công cuộc xây dựng nông thôn mới ngày nay.

Tại Phú Thọ, thực hiện lời dạy của Người về xây dựng “đời sống mới”, cấp ủy, chính quyền và mỗi cán bộ, đảng viên ở từng địa phương, cơ sở, khu dân cư luôn đoàn kết, chung sức đồng lòng quyết tâm thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Ngay từ khi bắt tay vào triển khai thực hiện chương trình năm 2010, cùng với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, tỉnh luôn xác định rõ người dân vừa là chủ thể, vừa là đối tượng trực tiếp thụ hưởng, cũng vừa là mục tiêu cuối cùng của xây dựng nông thôn mới; từ đó có những giải pháp thiết thực, cụ thể nhằm huy động sức dân, để người người, nhà nhà phấn khởi, ra sức thi đua, đóng góp công sức, trí tuệ, tiền của chung tay xây dựng nông thôn mới. Từ đây, nhiều kết quả xây dựng nông thôn mới được ghi nhận, mang lại lợi ích thiết thực cho Nhân dân và diện mạo mới cho nhiều vùng nông thôn Đất Tổ.

Sau gần 14 năm (2010 - 2024), tỉnh Phú Thọ đã có 6/13 huyện, thị xã được công nhận đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới gồm: Lâm Thao, Thanh Thủy, thành phố Việt Trì, thị xã Phú Thọ, Thanh Ba và Tam Nông; 136/196 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 16 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu; 1.655/2040 khu dân cư đạt nông thôn mới, trong đó có 129 khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu (số liệu tính đến hết tháng 6/2024).

Quyết tâm xóa bỏ tên gọi “vùng biệt lập”

Cách đây gần 15 năm, khu 5 là một trong những địa bàn khó khăn nhất của xã Đồng Xuân (huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ: được ví như “vùng biệt lập” bởi sự cô lập với các vùng xung quanh, không có đường giao thông kiên cố. Cuộc sống của người dân nơi đây chỉ quẩn quanh bên những luống rau, sào ruộng và cây rừng. Muốn ra khỏi địa bàn phải đi qua những con đường đất nhỏ hẹp, lầy lội khi trời mưa, không đảm bảo an toàn. Đây là nỗi niềm trăn trở, lo lắng không chỉ của người dân địa phương mà còn là của các ban, ngành, đoàn thể khu dân cư và chính quyền xã Đồng Xuân.

Ông Khuất Luyện - Chủ tịch UBND xã Đồng Xuân cho biết: Để xây dựng thành công nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao trên địa bàn xã, Đảng ủy - UBND xã luôn dành nhiều sự quan tâm đến những bàn khó khăn như khu 5, lắng nghe tâm tư nguyện vọng của người dân ở đây để có chỉ đạo, hỗ trợ kịp thời. Đặc biệt, vận dụng lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng đời sống mới: “Cán bộ phải “miệng nói, tay làm, làm gương cho người khác bắt chước”; việc làm gương bắt đầu từ mỗi người, mỗi nhà đến mỗi làng; khi trông thấy hiệu quả tốt thì những người khác, nhà khác, nơi khác sẽ hăng hái làm theo…”, xã đã chỉ đạo tăng cường vai trò trách nhiệm, tính tiền phong gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên, người có uy tín ở khu 5, để mỗi cán bộ, đảng viên, người có uy tín thực sự trở thành tấm gương sáng, góp phần lan tỏa tinh thần thi đua xây dựng nông thôn mới trong toàn khu.

Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy - UBND xã Đồng Xuân, tập thể cán bộ và Nhân dân khu 5 đã tranh thủ nguồn lực của Nhà nước và phát huy nội lực, sức người, sức của, những tiềm năng, lợi thế sẵn có về địa hình, tài nguyên đất đai để xây dựng nông thôn mới, quyết tâm xóa bỏ tên gọi “vùng biệt lập”. Nhiều cán bộ, đảng viên gương mẫu đi đầu, sẵn sàng hi sinh lợi ích cá nhân vì lợi ích chung của tập thể.

pt6-1730244155.png
Phát huy vai trò gương mẫu của người cán bộ, đảng viên, ông Đỗ Xuân Thành (người đứng thứ 2 từ phải sang) và gia đình đã hiến gần 2.000m2 đất làm đường giao thông nông thôn, tạo điều kiện đi lại thuận lợi cho người dân địa phương

Ông Đỗ Xuân Thành nguyên là lãnh đạo xã Đồng Xuân những năm 70 của thế kỷ XX, hiện đang sống cùng gia đình tại khu 5. Phát huy vai trò gương mẫu của người cán bộ, đảng viên, gần 10 năm nay, ông và gia đình đã nhiều lần hiến đất làm đường giao thông nông thôn với tổng diện tích đất hiến là 1.800m2. Từ việc làm của ông Thành, Nhân dân khu 5 đã có thêm niềm tin vào chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, tích cực đóng góp sức người, sức của xây dựng nông thôn mới. Đến nay, 100% đường liên thôn, liên xã trên địa bàn được cứng hóa.

Từ khi có đường mới, nỗi lo về mất an toàn giao thông và sự biệt lập dần được xóa bỏ, bà con ai cũng phấn khởi. Ngoài trồng trọt, chăn nuôi, bà con có thêm điều kiện mở rộng phát triển một số ngành nghề khác như xây dựng, chế biến gỗ, gia công cơ khí…, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho nhiều lao động tại chỗ. Hiện thu nhập bình quân của người dân trên địa bàn là 44 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm còn 4,57%.

Gần đây nhất, từ năm 2023, huyện Thanh Ba triển khai dự án cải tạo đường giao thông liên xã, trong đó có đoạn đi qua địa bàn khu 5 xã Đồng Xuân. Ông Thành và các cá nhân, tổ chức có diện tích đất liên quan đến dự án tiếp tục hiến đất, giúp chính quyền xã bàn giao mặt bằng sạch cho chủ đầu tư vào đầu năm 2024. Đây là tiền đề quan trọng góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống của người dân khu 5; đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của huyện nông thôn mới Thanh Ba.

Bảo tồn văn hóa Mường ở Chiềng Nội

Gần 1 năm nay, tại ngôi nhà sàn nằm trong khuôn viên Nhà văn hóa khu Chiềng Nội (xã Thạch Khoán, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ) đều đặn mỗi ngày lại vang lên tiếng chiêng, tiếng trống và những lời ca, tiếng hát của các thành viên Câu lạc bộ Bảo tồn di sản văn hóa Mường. Những cô, chú trung niên, rồi các ông, bà cao tuổi ở khu đều tụ hội về đây, cùng nhau luyện tập, trao đổi tâm tình với mong muốn góp sức gìn giữ nét đẹp văn hóa truyền thống của cha ông. Khu Chiềng Nội hiện có trên 70% người dân là đồng bào dân tộc Mường. 

Xác định văn hóa truyền thống là nền tảng, là mục tiêu quan trọng trong xây dựng nông thôn mới, thời gian qua, bên cạnh việc huy động nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất.., cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể và người dân trên địa bàn đã nỗ lực, quyết tâm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của dân tộc, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, làm phong phú đời sống tinh thần của Nhân dân.

pt7-1730244170.png
Đều đặn mỗi ngày, các thành viên Câu lạc bộ Bảo tồn di sản văn hóa Mường khu Chiềng Nội lại có mặt tại nhà sàn truyền thống để tập luyện cồng chiêng, các bài hát, điệu múa của dân tộc Mường.

Xuất phát từ tình yêu với văn hóa dân tộc, từ năm 2020, được sự đồng tình ủng hộ của lãnh đạo địa phương, sự hưởng ứng nhiệt tình của người dân, Câu lạc bộ Bảo tồn di sản văn hóa Mường khu Chiềng Nội chính thức được thành lập và đi vào hoạt động. Trải qua 4 năm, đến nay Câu lạc bộ đã có hơn 50 thành viên, là những hạt nhân nòng cốt trong việc khôi phục và phát huy những giá trị văn hóa của dân tộc Mường ở địa phương. Đến đầu năm 2024, các thành viên Câu lạc bộ phối hợp với lãnh đạo khu Chiềng Nội huy động con em quê hương đóng góp được trên 380 triệu đồng để xây dựng nhà sàn của người Mường trong khuôn viên Nhà văn hóa, tạo không gian sinh hoạt văn hóa truyền thống cho bà con Nhân dân.

Là người tiên phong, có đóng góp quan trọng trong việc lưu giữ và bảo tồn văn hóa Mường ở Chiềng Nội, bà Nguyễn Thị Kim Yến - Bí thư Chi bộ, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Bảo tồn di sản văn hóa Mường chia sẻ: Trong quá trình xây dựng nông thôn mới, không tránh khỏi những ảnh hưởng tiêu cực từ cuộc sống hiện đại, làm mai một phần nào những giá trị truyền thống tốt đẹp của đồng bào Mường chúng tôi. Những ngôi nhà sàn dần vắng bóng, những câu ca, điệu múa, tiếng cồng chiêng của người Mường dần ít người thể hiện.

Là người con xứ Mường, chúng tôi luôn trăn trở làm sao để gìn giữ, bảo tồn những giá trị truyền thống đó trước những đổi thay của xã hội. Việc thành lập Câu lạc bộ Bảo tồn di sản văn hóa Mường và xây dựng nhà sàn truyền thống là cách mà chúng tôi trả lời cho những trăn trở ấy. Từ khi có Câu lạc bộ Bảo tồn di sản văn hóa Mường và nhà sàn truyền thống tại Nhà văn hóa, bà con khu Chiềng Nội ai ai cũng phấn khởi, tích cực tham gia luyện tập, lưu giữ những nét văn hóa, phong tục đặc sắc ở địa phương, góp phần xây dựng con người mới, nếp sống mới và tiếp nối mạch nguồn văn hóa truyền thống, tạo dựng miền quê nông thôn đáng sống.

Cùng với khu 5 (xã Đồng Xuân) và khu Chiềng Nội (xã Thạch Khoán), phong trào thi đua chung sức xây dựng nông thôn mới gắn với học tập và làm theo Bác đã và đang lan tỏa khắp các vùng nông thôn, ngày càng có sức sống mãnh liệt, thấm sâu vào từng nếp nhà, thôn, làng, ngõ, xóm, khu dân cư của tỉnh Phú Thọ. Từ  đó, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn; xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn đồng bộ và từng bước hiện đại, đảm bảo môi trường, cảnh quan nông thôn sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn, giàu bản sắc văn hóa truyền thống và phát triển bền vững.

Có được những kết quả trên không chỉ nhờ vào sự quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở mà còn cần có sự quyết tâm, gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên cùng tinh thần đoàn kết, đồng lòng của các lực lượng xã hội và Nhân dân - Đây là sức mạnh, là yếu tố mang tính tiên quyết, thành công, bền vững của xây dựng nông thôn mới. Đúng như lời khẳng định của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Người là gốc của làng, nước, nếu mỗi người cố gắng làm đúng đời sống mới thì dân tộc nhất định phú cường”.

pv