Việt Nam nằm ở tâm giông châu Á, trong 1 năm có thể có tới 2 triệu cú sét đánh xuống đất
Khi trời mưa giông, thường hay xảy ra hiện tượng sấm chớp và sét. Sét là hiện tượng phóng điện trong khí quyển giữa các đám mây và đất hay giữa các đám mây mang điện tích trái dấu. Sét có thể đánh vào bất kỳ đâu, bất kỳ đối tượng hoặc vật thể nào khi có đủ các yếu tố hình thành nên sét.
Theo thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng, mỗi ngày trên đất nước ta có nhiều vụ sét đánh gây: tử vong, bị thương cho nhiều người; cháy nhà cửa, làm chết nhiều trâu bò...
Mới đây, liên tiếp xảy ra các vụ sét đánh chúng người gây tử vong ở một số tỉnh, thành phố. Theo thông tin của báo Điện tử An ninh Thủ đô, vào chiều tối ngày 19/5 vừa qua, tại tỉnh Thanh Hóa có 2 nạn nhân là bà L.T.N (SN: 1962) bị sét đánh khi đang làm đồng tại thôn Yên Bằng, xã Đông Yên, huyện Đông Sơn và chị B.T.P (SN: 2000) bị sét đánh khi tham gia giao thông tuyến đường nối TP Thanh Hoá đi Nghi Sơn, xã Đồng Tiến, huyện Triệu Sơn (Thanh Hóa). Còn tại tỉnh Nam Định, vào khoảng 16h, nạn nhân tên N.V.T (SN: 1985, trú tại xóm Bồi, xã Giao Phong) khi đang di chuyển qua khu vực xã Giao Hải thì bị sét đánh dẫn đến tử vong.
Theo các nhà khoa học, Việt Nam thuộc một trong ba khu vực tập trung giông sét nhiều nhất của thế giới. Thời gian gần đây, sét hoạt động khá mạnh và phức tạp, gây tổn thất khá lớn cho con người, nhất là vùng nông thôn, miền núi. Sấm sét có sức tàn phá rất lớn, gây thiệt hại cho tài sản, tính mạng con người. Tuy nhiên, nếu biết được cách phòng chống, thì có thể hạn chế mức độ nguy hiểm và thiệt hại cơ sở vật chất.
TS Nguyễn Xuân Anh, Viện trưởng Vật lý Địa cầu cho biết, Việt Nam nằm ở tâm giông châu Á, là một trong ba tâm giông trên thế giới có hoạt động giông sét mạnh. Số ngày giông trung bình ở Việt Nam khoảng 100 ngày/năm và số giờ giông trung bình là 250 giờ/năm.
Trong một năm, Việt Nam có thể có tới 2 triệu cú sét đánh xuống đất. Hàng năm, số người tử vong vì sét đánh ở Việt Nam luôn ở mức cao so với khu vực.
Theo TS Nguyễn Xuân Anh, sét có thể gây thương tích bằng những cách thức sau: Sét đánh thẳng vào vị trí nạn nhân từ trên đám mây xuống. Khi nạn nhân đứng cạnh vật bị sét đánh, sét có thể phóng qua khoảng cách không khí giữa người và vật - trường hợp này gọi là sét đánh tạt ngang.
Sét đánh khi nạn nhân tiếp xúc với vật bị sét đánh hoặc khi người tiếp xúc với mặt đất ở một vài điểm khi có sét lan truyền trên mặt đất. Sét lan truyền qua đường dây cáp tới các vật như điện thoại, tivi, ổ cắm
Sét đánh thẳng là nguy hiểm nhất, cứ 10 người bị sét đánh thẳng thì 8 người chết. Khi sét đánh xuống cây, thì 1 tia sét có thể khiến vài người ở xung quanh cây đó tử vong.
Cách phòng, tránh bị sét đánh
Các nhà khoa học khuyến cáo: đường dây điện nối với hệ thống điện lưới bên ngoài hoặc đường dây điện thoại rất dễ bị “mang” sét đánh vào một vị trí trong nhà, luồng điện sẽ lan truyền theo tuyến cáp Internet hoặc dây điện thoại để bàn, rất nguy hiểm cho người sử dụng điện thoại bàn và điện thoại di động lúc diễn ra sấm sét.
Ở khu vực nông thôn miền núi, mưa giông tạo ra sấm sét có diễn biến rất phức tạp, khó lường. Có trường hợp, khi xảy ra sấm sét (tuy ở xa) nhưng khi bạn rút dây cáp từ máy điện thoại bàn ra, bạn có thể bị điện giật ngay, mặc dầu bạn có thể chưa tiếp xúc với kim loại ở đầu dây cáp.
Khi trời trở cơn giông, sắp có mưa to (lúc chưa có sấm sét hoặc nghe tiếng sét mới đánh ở xa), cần ngắt cầu giao điện và rút hết phích điện, tắt ti vi, máy tính, radio; rút dây ăng - ten, dây cáp điện thoại bàn, tắt điện thoại di động... Khi trời mưa giông, có tiếng sấm sét đánh gần (tiếng nổ lớn, chớp sáng mạnh): Nên phòng ngừa bằng cách đóng các cửa sổ, cửa chính không cho gió mang hơi nước lùa vào nhà vì gió có hơi nước sẽ dẫn điện mang sét vào nhà.
Không ngồi gần các ổ điện, cần ngồi trên ghế, giường bằng gỗ cách điện đặt nơi cao ráo, không bị dột, ướt. Không nên nghe, gọi điện thoại cố định, di động. Không nên rút hoặc cắm các loại phích điện. Nên tránh xa các dây dẫn và vật dụng dùng điện với khoảng cách trên 1 mét, không nên đứng gần cửa sổ, cửa ra vào, tránh đứng nơi ẩm ướt như bể tắm, vòi nước, chỗ mưa tạt…
Thực hiện “quy tắc nhìn – nghe”, ta lấy thời gian từ khi tia chớp lóe sáng đến khi nghe được tiếng sấm, đem chia cho 3 để biết được khoảng cách từ nơi ta đứng đến vị trí có tia chớp. Cụ thể: nếu đếm được 3 giây thì nơi xảy ra tiếng sét cách chỗ ta đứng là 3/3=1km. Nếu thời gian này nhỏ hơn 30 giây là ta đã đứng trong phạm vi của tia sét, bởi vì sét có thể đánh cách xa nơi có mưa từ 15 – 20 Km.
Khi có sấm sét, nếu bạn ở trên đỉnh gò, núi cao, phải tìm hang, hố nơi thấp nhất để ẩn núp, tránh trú dưới cây cao. Khi ở ngoài đồng, bờ đê, bờ đập cao... trước khi có sấm sét, phải nhanh chóng tắt nguồn điện thoại di động, không nên trú mưa dưới gốc cây to, trụ điện hay mang vác đồ vật bằng kim loại (dao, liềm, cày cuốc…).
Khi đang đi ghe, thuyền hoặc tắm, bơi ở dưới sông hồ ao, phải lên bờ ngay, tìm nơi thấp nhất để ẩn núp. Nếu thấy tóc mình dựng đứng là rất dễ bị sét tấn công, hãy ngồi xổm, dùng tay bịt tai lại để giảm tác hại đến thính lực và gập đầu vào 2 đầu gối. Không được nằm duỗi thẳng trên mặt đất, vì phải hạn chế tối đa tiếp xúc với mặt đất để giảm lượng điện tích truyền xuống đất qua cơ thể.
Cách sơ cứu nạn nhân bị sét đánh
Khi gặp nạn nhân bị sét đánh, hãy hỗ trợ ngay lập tức, vì sau khi bị sét đánh, nạn nhân không còn mang điện tích và không nguy hại cho bạn. Cần để nguyên tại chỗ cấp cứu tại chỗ kịp thời. Theo các chuyên gia, nếu được cứu chữa đúng cách, kịp thời có thể cứu được 80% trường hợp bệnh nhân bị sét đánh nặng, tim đã ngừng đập.
Cách cấp cứu như sau: Để nguyên bệnh nhân tại hiện trường, nếu trời nóng có thể dội nước vào người, giúp bệnh nhân tán nhanh điện xuống đất, nới rộng quần áo cho bệnh nhân. Áp dụng phương pháp hà hơi thổi ngạt.
Người cấp cứu hít thật sâu không khí vào lồng ngực mình rồi kề mồm vào mồm bệnh nhân thổi mạnh (nhớ bóp mũi nạn nhân) thổi liên tục theo nhịp 7 - 10 lần/phút, làm liên tục 20 - 30 lần, có tác dụng kích thích phổi và tim bệnh nhân hoạt động trở lại. Hô hấp nhân tạo: Dùng một trong hai cách, hai tay người cấp cứu nắm lấy hai cổ tay bệnh nhân giơ lên thả xuống đất theo nhịp 7 - 10 lần/phút liên tục trong 10 - 15 phút hoặc lấy hai bàn tay người cấp cứu chồng lên nhau ấn mạnh vào ức bệnh nhân theo nhịp 7 - 10 lần/phút để kích thích phổi và tim bệnh nhân hoạt động.
Khi gặp nạn nhân bị sét đánh đã ngừng thở hay ngừng tim ngừng thở, việc cần làm ngay là thổi ngạt và xoa bóp tim ngoài lồng ngực như nêu trên. Tránh sai lầm là gọi xe chở nạn nhân đến bệnh viện mà không cấp cứu ngay tại chỗ.
Từ lúc nạn nhân ngừng tim ngừng thở đến lúc được cấp cứu, nếu không quá 5 phút thì cứu sống được 90% trường hợp, nếu chậm hơn 7 phút thì chỉ có 10% được cứu sống.
Lưu ý, sau khi cấp cứu, sơ cứu, cần nhanh chóng đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất.
Mùa mưa giông ở nước ta kéo dài từ tháng 4 đến tháng 10 hằng năm, nhất là trong mùa hè. Ở khu vực nông thôn miền núi, có nhà thiết kế “cột thu lôi” đơn giản bằng cách trồng sát nhà một cây trụ cao hơn nóc nhà vài mét. Dùng một dây kim loại lớn (loại không bị rỉ rét) lắp cao hơn trụ khoảng 1 mét, dây kim loại chạy treo trụ và nối âm dưới mặt đất trên 2 mét.
Với cách trên tuy đơn giản nhưng cũng có hiệu nghiệm trong việc phòng chống sét đánh vào nhà./.