Phát triển kinh tế bền vững từ những chính sách bảo vệ rừng:

Để sắc xanh “nhả vàng” tạo sinh kế cho người dân (bài 1)

Rừng là nguồn tài nguyên quý giá của quốc gia, có vai trò quan trọng trong quá trình cân bằng hệ sinh thái, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Bảo vệ, phát triển, sử dụng rừng, chế biến và thương mại lâm sản có vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế xã hội.
3-1711524303.jpg
Cây keo được xem là cây thoát nghèo của các hộ dân ở vùng trung du và miền núi tại Thanh Hóa.

Mô hình hay, cách làm hiệu quả

Thanh Hóa từng được xem là địa phương có nguồn tài nguyên rừng phong phú và đa dạng với nhiều loại gỗ nằm trong nhóm quý hiếm cùng với hệ sinh thái đa dạng. Tuy nhiên trong những thập niên gần đây, cánh rừng tự nhiên đang dần bị thu hẹp do quá trình khai thác và sử dụng chưa hợp lý. Bên cạnh đó, chính sách chăm sóc, bảo vệ và phát triển rừng còn nhiều bất cập.

Thực hiện nghiêm Chỉ thị số 13-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ rừng đã tạo chuyển biến sâu sắc về nhận thức của các tầng lớp nhân dân trong công tác bảo vệ, phát triển rừng, tạo sinh kế bền vững cho người dân sống gần rừng.

4-1711524548.jpg
Mô hình trồng cây dược liệu tại huyện Bá Thước đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Nhằm phát huy tinh thần, trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân trong công tác bảo vệ, phát triển kinh tế rừng, những năm qua, tỉnh Thanh Hóa đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ bà con tham gia bảo vệ và phát triển kinh tế rừng, hưởng lợi từ rừng. Qua đó góp phần làm đa dạng hệ sinh học, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Đến nay, nhiều người dân tự đầu tư phát triển kinh tế từ rừng, chủ động thầu khoán lại các cánh rừng để chăm sóc, phát triển các mô hình kinh tế dưới tán cây rừng như trồng nấm, nuôi ong… đã đem lại hiệu quả kinh tế cao. Bên cạnh đó cũng giúp cho những cánh rừng được chăm sóc, bảo vệ tốt hơn.

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và PTNT, hiện trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có trên 641 nghìn ha đất có rừng, trong đó 393 nghìn ha rừng tự nhiên với 529 loài dược liệu bản địa. Tài các khu vực miền núi, hiện đã xây dựng được 16 mô hình dược liệu dưới tán rừng tự nhiên và rừng trồng, trong đó tập trung vào các loại dược liệu bản địa có giá trị kinh tế cao như Lan Kim tuyến, Ba kích, Sa nhân, Bảy lá một hoa, Khôi tía…

Tại các cánh rừng của huyện Lang Chánh, nơi có điều kiện thuận lợi để cây Lan Kim Tuyến sinh trưởng và phát triển, đây là loại dược liệu quý có tác dụng kháng viêm, phòng ngừa và điều trị ung thư, nằm trong nhóm 1B cần được bảo vệ nghiêm ngặt. Năm 2022 Công ty Cổ phần Sông Mã phối hợp với Ban quản lý rừng phòng hộ Lang Chánh nghiên cứu và trồng thử nghiệm 1,2 vạn cây giống Lan kim tuyến. Dự kiến trong 3 năm tới có thể thu hoạch với giá bán dao động từ 2-3 triệu đồng 1 kg tươi và 20-30 triệu đồng 1kg khô.

Bà Phạm Thị Thủy, Cán bộ phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Lang Chánh cho biết: “Thời gian qua, cây dược liệu đã khẳng định được hiệu quả vượt trội so với những loại cây trồng truyền thống khác. Huyện đã phát triển được sản phẩm OCOP cấp tỉnh từ cây dược liệu. Sản phẩm được tiêu thụ ổn định và có sức cạnh tranh trên thị trường. Qua đó, giúp người dân có nguồn thu nhập ổn định, xóa đói, giảm nghèo”.

Ghi nhận tại một số xã thuộc vùng đệm của khu sinh thái Pù Luông huyện Bá Thước, trước đây bà con chủ yếu trồng sắn và ngô, năng xuất thấp. Từ khi được hướng dẫn chuyển đất vườn tạp năng xuất thấp sang trồng cây dược liệu như xạ đen, hoàng ngọc, bạc hà, cà gai leo… đem lại thu nhập cao.

2-1711524611.jpg
Hoa hậu H'Hen Niê tham gia trồng hơn 1 nghìn cây lim xanh tại Vườn quốc gia Bến En.

Ông Phạm Bá Long, trú tại xã Thành Lâm (huyện Bá Thước) chia sẻ: “Trước đây chúng tôi toàn trồng ngô, công chăm sóc nhiều nhưng không hiệu quả, sau khi được chính quyền vận động, tôi đã chuyển sang trồng cây dược liệu. Nhờ được hướng dẫn về kỹ thuật trồng và chăm sóc nên cà gai leo nhà tôi mỗi sào cho thu hoạch khoảng 20 triệu đồng/năm”.

Màu xanh của rừng giúp dân xóa nghèo, giảm thiên tai

Theo số liệu thống kê của Sở NN&PTNT tỉnh Thanh Hóa, hiện trên địa bàn tỉnh hiện có 128.000 ha tre, luồng và vầu. Sản lượng khai thác trung bình hàng năm khai thác trên 60 triệu cây luồng và 80 nghìn tấn nguyên liệu giấy ngoài gỗ, phục vụ xuất khẩu và chế biến, sản phẩm chủ yếu là đồ mỹ nghệ, đũa, tăm, nan, than hoạt tính…

Ngoài ra, tỉnh Thanh Hóa hiện có trên 100 nghìn ha rừng keo, chiếm trên 40% diện tích rừng trồng của toàn tỉnh. Đây được xem là những cây trồng đem lại thu nhập cao, giúp cho các bà con ở vùng trung du và miền núi xóa đói, giảm nghèo.

Ông Lê Duy Tĩnh, Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Tân (huyện Như Thanh) cho biết: “Trước đây người dân chủ yếu sinh sống theo kiểu du canh, du cư, phát rừng làm nương rẫy. Sau khi được chính quyền tuyên truyền về chính sách bảo vệ và phát triển rừng, người dân đã chủ động đầu tư trồng cây keo. Đây là loại cây sinh trưởng phát triển nhanh, công chăm sóc ít, hiệu quả kinh tế cao nên được nhiều hộ dân nhiệt tình hưởng ứng”.

Trong giai đoạn 2021-2023, tỉnh khai thác trung bình khoảng trên 800.000m3 gỗ rừng trồng. Trong đó, khối lượng, sản lượng gỗ tăng dần theo các năm. Số doanh nghiệp, nhà máy có hoạt động chế biến gỗ là 178 doanh nghiệp, trong đó, có 15 nhà máy chế biến tinh có quy mô lớn, xuất khẩu sản phẩm ra nước ngoài (chiếm 8,42%).

Bên cạnh đó, để nâng cao năng xuất, thu nhập cho các hộ dân phát triển kinh tế từ rừng, những năm gần đây, Thanh Hóa đã tập trung kêu gọi, triển khai hiệu quả các giải pháp, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút các nhà đầu tư có tiềm lực về tài chính, quản trị doanh nghiệp, công nghệ hiện đại, sản xuất quy mô lớn gắn với vùng nguyên liệu, chế biến sâu, nâng cao giá trị sản phẩm; hạn chế việc chế biến thô giá trị thấp, điển hình như là: Công ty cổ phần BamBoo King Vina…

che-bien-luong-1711524966.jpg
Thanh Hóa hiện có 57 cơ sở, doanh nghiệp hoạt động sản xuất, chế biến có nguyên liệu là Tre nứa, luồng, thuận tiện cho việc phát triển kinh tế rừng của người dân.

Ngoài ra, tỉnh còn tổ chức thực hiện các chương trình hợp tác, hội nhập quốc tế trong lĩnh vực lâm nghiệp, tìm hướng xuất khẩu cho các sản phẩm lâm nghiệp. Đồng thời kêu gọi, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn tài trợ nước ngoài như: Triển khai thực hiện hiệu quả Dự án bảo tồn, nâng cao trữ lượng các bon và quản lý bền vững tài nguyên rừng; các hoạt động bảo tồn, du lịch sinh thái, phát triển dân sinh kinh tế - xã hội vùng đệm các khu rừng đặc dụng.

Dự án “Hiện đại hóa ngành lâm nghiệp và tăng cường tính chống chịu vùng ven biển”; Dự án “Tăng cường năng lực chống chịu với biến đổi khí hậu cho các cộng đồng dân cư dễ tổn thương vùng ven biển Việt Nam”; Dự án hỗ trợ chuẩn bị thực hiện chương trình quốc gia về giảm phát thải khí nhà kính thông qua hạn chế mất và suy thoái rừng, bảo tồn, nâng cao trữ lượng các bon và quản lý bền vững tài nguyên rừng…

Dự án Quản lý rừng bền vững và Bảo tồn đa dạng sinh học do Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ. Các chương trình hỗ trợ xây dựng phương án quản lý rừng bền vững gắn với cấp chứng chỉ rừng FSC, đồng thời thực hiện có trách nhiệm các cam kết quốc tế phù hợp với lợi ích quốc gia và thông lệ quốc tế như Công ước về buôn bán quốc tế các loại động vật, thực vật nguy cấp (CITES), Công ước quốc tế về bảo tồn và sử dụng một cách hợp lý và thích đáng các vùng đất ngập nước…

Từ những kết quả đạt được nêu trên, tỉnh Thanh Hóa kỳ vọng đến năm 2025, toàn tỉnh hình thành hơn 28 nghìn ha vùng nguyên liệu gỗ lớn, giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản ngoài gỗ đạt khoảng 100 triệu USD, tăng tỷ trọng chế biến sâu, giá trị tăng cao. Đến năm 2030 đưa ngành công nghiệp chế biến gỗ trở thành một ngành kinh tế quan trọng trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh.

Bài 2: Để kinh tế rừng phát triển theo hướng hiện đại có tính cạnh tranh

Hà Khải