Phát triển du lịch xanh tại Đà Nẵng – tiềm năng và giải pháp

Bài viết sử dụng phương pháp nghiên cứu định tính, phương pháp thu thập tài liệu thứ cấp nghiên cứu về phát triển loại hình du lịch xanh tại thành phố Đà Nẵng. Kết quả cho thấy, Đà Nẵng là địa phương có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch xanh như Khu du lịch sinh thái Tiên Sa, Suối Hoa, Ngầm Đôi, Hòa Phú Thành, … cũng như các cảnh quan, khu vực nông thôn, … Ngành du lịch Đà Nẵng đang từng bước xây dựng thương hiệu điểm đến xanh tạo hướng đi bền vững trong phát triển du lịch. Bài viết cũng đề xuất một số giải pháp nhằm đẩy mạnh phát triển loại hình du lịch xanh tại Đà Nẵng hiện nay.

1. Mở đầu

Du lịch xanh trong những năm gần đây không chỉ là một khái niệm mà đã trở thành một xu hướng, đã và đang phát triển nhanh chóng ở nhiều nước trên thế giới, ngày càng thu hút sự quan tâm rộng rãi của khách du lịch, của các doanh nghiệp du lịch nói riêng và cộng đồng xã hội nói chung. Tại Việt Nam, phát triển du lịch xanh hiện nay không chỉ là yêu cầu cấp thiết mà còn là định hướng chiến lược quan trọng, con đường phát triển bền vững du lịch Việt Nam, phù hợp với thực tế thích ứng với biến đổi khí hậu. Đối với du lịch Đà Nẵng, trong những năm qua, nhận thức về phát triển du lịch xanh đã có những chuyển biến tích cực. Với điều kiện tự nhiên thuận lợi, việc phát triển du lịch xanh tại Đà Nẵng đang được xem là lựa chọn đúng đắn của chính quyền địa phương và các nhà đầu tư khi khai thác tài nguyên du lịch núi và biển để hướng đến sự phát triển du lịch bền vững. Sau thời gian chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, ngành du lịch Đà Nẵng đã và đang dần dần chuyển sang trạng thái bình thường mới với nhiều chính sách ưu đãi trong phát triển du lịch, đặc biệt là xây dựng và quảng bá các sản phẩm du lịch theo hướng tăng trưởng xanh. Nhờ vậy, đã bước đầu thu hút được khách du lịch trong nước và quốc tế. Chỉ tính riêng trong dịp lễ 30/4 và 1/5 năm 2022, ngành du lịch Đà Nẵng đã đón 254.000 lượt khách, tăng 3,4 lần so với cùng kỳ năm 2021, trong đó, khách nội địa đạt khoảng 246,6 nghìn lượt khách, tăng hơn 3,3 lần so với cùng kỳ năm 2021; khách quốc tế đạt khoảng 7,4 nghìn lượt khách, tăng gần 16 lần so với cùng kỳ năm 2021 do năm ngoái chưa mở lại các đường bay quốc tế [3]. Có được kết quả nay cũng nhờ chính quyền thành phố Đà Nẵng cùng ngành du lịch đã chú trọng phát triển các sản phẩm du lịch theo hướng tăng trưởng xanh. Tuy nhiên, việc phát triển loại hình du lịch xanh tại Đà Nẵng cũng gặp nhiều khó khăn, thử thách cần sớm được khắc phục. Chính vì vậy, nghiên cứu tiềm năng và đề xuất một số giải pháp nhằm đẩy mạnh phát triển du lịch xanh tại Đà Nẵng là việc làm cần thiết.

2. Cơ sở lý luận và phương pháp nghiên cứu

2.1. Khái niệm Du lịch xanh

Khái niệm du lịch xanh được nhắc đến từ những năm 1980, nhưng thời gian gần đây du lịch xanh mới thực sự trở thành trào lưu thu hút sự quan tâm của nhiều người. Theo Hiệp hội Du lịch Sinh thái Quốc tế (TIES), du lịch xanh có thể được định nghĩa là “du lịch có trách nhiệm đến các khu tự nhiên, bảo tồn môi trường, duy trì cuộc sống của người dân địa phương và liên quan đến giáo dục”. Những tour du lịch như vậy có thể được tô chức bởi cá nhân, công ty, tổ chức du lịch, được giáo dục về các vấn đề sinh thái. Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) đã lập ra Chương trình Phát triển du lịch bền vững và xem việc phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh là một phần của con đường phát triển bền vững.

Du lịch xanh là loại hình du lịch dựa trên khai thác, sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên thiên nhiên nhằm hạn chế những tác động xấu đến môi trường sống của con người. Trải nghiệm hình thức du lịch này, du khách không những có cơ hội tham quan các địa điểm đẹp, hấp dẫn mà còn góp phần to lớn trong việc bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học. Du lịch xanh phát triển theo các xu hướng: một là, xu hướng không sử dụng đồ nhựa; hai là, du lịch đạp xe trải nghiệm; ba là, du lịch nông thôn, nông dân; bốn là, tham gia dọn vệ sinh tại các điểm du lịch.

travel-hoi-an-1624775443712-1657590381.jpg
Ảnh minh họa về du lịch Đà Nẵng. Trong ảnh du khách trải nghiệm thăm quan cảnh đẹp Hội An (Ảnh: www.fiditour.com)

Cốt lõi của du lịch xanh là sản phẩm du lịch xanh. Để đảm bảo xanh, các sản phẩm cần đạt các tiêu chí: Được tạo ra từ các vật liệu thân thiện với môi trường; đem đến những giải pháp an toàn đối với môi trường và sức khỏe; giảm tác động đến môi trường trong quá trình sử dụng; tạo ra một môi trường thân thiện và an toàn đối với sức khỏe. Như vậy, tất cả các dịch vụ, sản phẩm du lịch như tour, sản phẩm, dịch vụ của khách sạn, nhà hàng muốn được công nhận là sản phẩm du lịch xanh đều phải đạt (thực hiện) được các nội dung cơ bản của các tiêu chí trên. Mức độ “xanh” của một sản phẩm du lịch sẽ phụ thuộc nhiều vào mức độ thân thiện môi trường của những yếu tố có khả năng ảnh hưởng đến tính chất tham gia vào việc hình thành nên sản phẩm du lịch.

Tóm lại, du lịch xanh là loại hình du lịch dựa vào tự nhiên, văn hóa, có giáo dục môi trường, đóng góp cho nỗ lực bảo tồn, phát triển bền vững và thu hút sự tham gia tích cực của cộng đồng địa phương. Có thể nói, phát triển du lịch xanh là chìa khóa để phát triển du lịch có trách nhiệm, đảm bảo du lịch bền vững. Phát triển du lịch xanh là một cách đảm bảo sự thịnh vượng của ngành du lịch và mang lại lợi ích kinh tế, xã hội cho các điểm đến cộng đồng trên toàn cầu. Du lịch xanh mang đến cơ hội hòa mình vào thế giới tự nhiên một cách thú vị và hiệu quả, mang lại sự nhạy bến trong việc quản lts các kỳ quan thiên nhiên còn lại của thế giới. Du lịch xanh sẽ là xu hướng du lịch tất yếu được lựa chọn của nhân loại, bởi nó đề cao ý thức của con người trong việc tôn trọng tự nhiên, giữ gìn bản sắc văn hóa, bảo vệ môi trường sinh thái và khôi phục đa dạng sinh học.

Trên thế giới, một số các quốc gia đã và đang phát triển loại hình du lịch xanh khá thành công.Ví dụ, tại Singapore, vốn là một quốc quốc gia không giàu tài nguyên, nhưng họ tạo ra màu xanh cho mình bằng cách trồng cây xanh khắp nơi, thậm chí trồng cả cây xanh nhân tạo; trong đó, vườn cây Garden By the Bay của Singapore đã thu hút hàng triệu lượt khách tham quan mỗi năm. Hay tại quần đảo Maldives, một đảo quốc ở Ấn Độ Dương, Chính quyền Maldives đang nỗ lực thay thế nguồn cung cấp năng lượng điện hóa thạch bằng các nguồn năng lượng tái tạo để giảm lượng khí thải carbon, hầu hết các resort trên đảo đều sử dụng hệ thống lọc nước biển thành nước ngọt và hệ thống hứng, thu gom nước mưa, đáp ứng tốt nhu cầu sử dụng nước ngọt trong ngành du lịch; rác thải luôn được phân loại mọi nơi mọi lúc, chất thải hữu cơ được ủ làm phân bón cho vườn rau trên đảo. Giấy được đốt và rác thải nhựa được ép ra để tái chế. Rác thải thủy tinh được nghiền ra để trộn trong xi măng xây dựng. Đây có thể coi là những mô hình du lịch xanh phát triển khá thành công mà ngành du lịch Việt Nam cần nghiên cứu, học tập kinh nghiệm và vận dụng sáng tạo vào thực tiễn phát triển du lịch tại Việt Nam.

Tại Việt Nam, sở hữu nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, đa dạng, do đó, phát triển du lịch xanh là xu hướng tất yếu do đó việc bảo vệ thiên nhiên để bảo tồn tài nguyên cho du lịch bền vững là việc cần làm. Luật Du lịch xác định nguyên tắc phát triển du lịch phải “gắn với bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc, tài nguyên thiên nhiên”. Năm 2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1658/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 xác đinh, thúc đẩy chuyển đổi xanh một số ngành, trong đó có du lịch [5]. Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đưa ra định hướng: “Phát triển du lịch xanh, gắn hoạt động du lịch với gìn giữ và phát huy các giá trị tài nguyên và bảo vệ môi trường” [6]. Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn khẳng định quan điểm: “Phát triển du lịch bền vững; bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa và các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc; bảo vệ môi trường và thiên nhiên; giải quyết tốt vấn đề lao động, việc làm và an sinh xã hội” [1]. Ngành du lịch với tính chất là ngành kinh tế dịch vụ tổng hợp, có tính liên ngành, liên vùng và xã hội hoá cao, phát triển theo xu hướng xanh đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện các mục tiêu quốc gia về tăng trưởng xanh.

Rất nhiều địa phương trong cả nước đang tích cực triển khai thúc đẩy phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh như: một số tỉnh Tây Bắc, Quảng Bình, Nghệ An, … phát triển du lịch cộng đồng; Huế phát triển du lịch nhà vườn; Nha Trang phát triển du lịch biển đảo; một số tỉnh Nam Bộ phát triển du lịch miệt vườn. Những địa điểm xanh, những tour du dịch gần gũi với thiên nhiên đã trở thành lựa chọn thu hút rất nhiều du khách trong và ngoài nước. Một số các doanh nghiệp du lịch tại Việt Nam cũng đang tích cực chuyển hướng kinh doanh theo hướng tăng trưởng xanh, ví dụ, Tập đoàn Flamingo Group luôn đi đầu trong việc phát triển sản phẩm du lịch sinh thái nghỉ dưỡng xanh như Flamingo Đại Lải Resort, Flamingo Cát Bà Beach Resort... Với tiêu chí “sống sang trọng giữa thiên nhiên”, các thiết kế của Flamingo đều theo hướng thân thiện với thiên nhiên và môi trường, hơn 60% cảnh quan tự nhiên được tôn trọng lồng ghép trong các công trình nhân tạo. Hay một số doanh nghiệp kinh doanh lữ hành, lưu trú, vận tải du lịch trong cả nước đã có đóng góp tích cực cho phát triển du lịch theo hướng bền vững, tạo nên xu hướng “tiêu dùng du lịch xanh”, qua đó góp phần thúc đẩy phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh, ví dụ: tour du lịch vớt rác nhằm tuyên truyền, kêu gọi người dân và du khách cùng chung tay bảo vệ môi trường của Công ty Du lịch Hội An Kayak tour (xã Cẩm Thanh, Thành phố Hội An). Như vậy, với những mô hình phát triển du lịch xanh khá thành công trên thế giới và tại các địa phương ở trong nước sẽ là những kinh nghiệm quý giá để chính quyền cùng ngành du lịch thành phố Đà Nẵng đề xuất được chiến lược, kế hoạch và giải pháp đẩy mạnh phát triển du lịch xanh tại địa phương.

2.2. Phương pháp nghiên cứu

Bài viết sử dụng phương pháp nghiên cứu định tính, phương pháp thu thập tài liệu thứ cấp nghiên cứu về tiềm năng phát triển loại hình du lịch xanh ở thành phố Đà Nẵng và đề xuất một số giải pháp nâng cao hiệu quả loại hình du lịch này ở thành phố Đà Nẵng hiện nay. Để phục vụ nghiên cứu, tác giả đã tiến hành nghiên cứu các tài liệu, sách, báo, các nguồn từ internet, luận văn, luận án, tài liệu ở Sở Du lịch thành phố Đà Nẵng và Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng về phát triển loại hình du lịch xanh.

3. Kết quả nghiên cứu

3.1. Tiềm năng phát triển du lịch xanh tại Đà Nẵng

- Về tài nguyên du lịch Đà Nẵng

Đà Nẵng là thành phố có tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh. Đà Nẵng cũng có nhiều điểm đến xanh nổi tiếng như: Bán đảo Sơn Trà, Khu du lịch sinh thái Tiên Sa, khu du lịch sinh thái Suối Hoa, khu du lịch sinh thái Ngầm Đôi, khu du lịch sinh thái Hòa Phú Thành; khu du lịch sinh thái Núi Thần Tài, khu du lịch sinh thái Suối Lương, … Đây là những địa điểm du lịch xanh ở Đà Nẵng luôn hấp dẫn du khách. Đà Nẵng Không chỉ cuốn hút bởi những bờ biển xanh trải dài cát trắng, nơi đây còn sở hữu thảm thực vật vô cùng đa dạng với nhiều loài động thực vật quý hiếm. Đà Nẵng có Hòa Vang là huyện nông thôn miền núi, sở hữu nhiều tài nguyên du lịch để phát triển loại hình du lịch xanh, Hòa Vang không còn xa lạ với du khách, với người dân thành thị khi nơi đây đã và đang hình thành một số khu du lịch sinh thái, cộng đồng, tạo cơ hội cho họ được thăm thú, tìm hiểu, trải nghiệm cảnh sắc và văn hóa bản địa. Tiềm năng du lịch sinh thái ở đây đã được đánh thức và tạo được sinh kế cho người dân.

tugo4-6-1657590114.jpg
Ảnh minh họa. Trong ảnh là bãi biển Mỹ Khê Đà Nẵng (Ảnh: Du lịch Tugo)

­- Về chủ trương phát triển du lịch xanh tại Đà Nẵng

Với định hướng phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh, thời gian qua các cấp uỷ, chính quyền và ngành chức năng thành phố Đà Nẵng đã tập trung chỉ đạo, triển khai các giải pháp để du lịch địa phương ngày càng thân thiện vói môi trường; đồng thời dựa vào các tiềm năng, lợi thế do thiên nhiên ban tặng cũng như động viên, khuyến khích các doanh nghiệp, người dân tham gia phát triển du lịch gắn với bảo vệ môi trường, sinh thái và văn hoá cộng đồng. Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng đã đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, quy hoạch, đầu tư hạ tầng, xúc tiến quảng bá, xây dựng sản phẩm du lịch xanh. Nghị quyết 82 của Hội đồng nhân dân Thành phố Đà Nẵng về thí điểm khai thác dịch vụ du lịch kết hợp phát triển nông, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, riêng Hòa Vang sẽ có tối đa 15 mô hình thí điểm. Đà Nẵng cũng đã xây dựng và ban hành bộ tiêu chí cụ thể và xem xét phương án để những mô hình sẵn có phù hợp với tiêu chí được tiếp tục hoàn thiện và khai thác theo quy định. Kế hoạch số 7513/KH-UBND ngày 16/11/2020 của Ủy ban nhân dân thành phố Đà nẵng về phát triển du lịch giai đoạn 2021 – 2025, trong đó, đề xuất phát triển các sản phẩm du lịch theo hướng tăng trưởng xanh [8]. Thành phố Đà Nẵng đã có một số đề án phát triển du lịch cộng đồng dựa vào chính những người dân địa phương, người dân có thể là chủ thể tham gia các hoạt động du lịch như các ngư dân, người nông dân, ... Điển hình, Đà Nẵng xây dựng đề án thí điểm khai thác dịch vụ du lịch kết hợp phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản tại huyện Hòa Vang từ năm 2022 đến năm 2025. Như vậy, có thể thấy, Đà Nẵng đã có bước chuyển hướng đầu tư phát triển du lich xanh và xem đây là kim chỉ nam cho sự phục hồi và phát triển ngành du lịch sau thời gian dài bị ảnh hưởng bới dịch bệnh Covid-19. Thành phố đã chỉ đạo các ngành, địa phương xây dựng kế hoạch, triển khai đồng bộ các biện pháp tăng cường đảm bảo an ninh, an toàn các hoạt động du lịch trên địa bàn thành phố vào dịp lễ cao điểm, nên các hoạt động du lịch trên địa bàn thành phố diễn ra an toàn, ổn định; khách đến tham quan du lịch Đà Nẵng tăng cao, chủ yếu là khách đến từ các tỉnh, thành lân cận khu vực miền Trung, Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

- Về xây dựng sản phẩm du lịch xanh tại Đà Nẵng

Du lịch Đà Nẵng đang ngày càng phát triển, đem lại nguồn thu ngày càng lớn cho thành phố. Để làm phong phú các sản phẩm du lịch cho Đà Nẵng, việc xây dựng và phát triển các tour du lịch sinh thái là một trong những lựa chọn đúng đắn, phù hợp với thị hiếu của du khách, ngày càng đưa Đà Nẵng hướng tới phát triển du lịch bền vững. Trong thời gian qua, khai thác tài nguyên du lịch địa phương, ngành du lịch Đà Nẵng đã tích cực xây dựng các sản phẩm du lịch theo hướng tăng trưởng xanh. Thành phố Đà Nẵng, nơi kết nối các điểm du lịch nổi tiếng trong hành trình Di sản miền Trung, đang đẩy mạnh hoạt động du lịch sinh thái cộng đồng theo hướng phát triển xanh. Trong đó, huyện Hòa Vang nơi sở hữu những cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp với cả ba loại địa hình đồng bằng, trung du và rừng núi được chọn làm thí điểm cho sản phẩm du lịch mới mẻ này. Hiện nay, huyện có 18 địa điểm du lịch cộng đồng với các loại hình hoạt động khá mới gồm: Homestay ALăng Như, Khu cắm trại Yên Retreat ở xã Hòa Bắc, Làng Co Co, dịch vụ leo núi Wildtrek, trang trại Mẹ Ken, Homestay Trại Điên, An Nhiên Farm ở xã Hòa Ninh, du lịch sinh thái Hòa Ninh, Hali Farm, … Hiện nay, một số khu nghỉ dưỡng, khách sạn, nhà hàng, đơn vị lữ hành đã ý thức được việc cần phải bảo đảm môi trường du lịch, hạn chế rác thải ra môi trường để điểm đến mới bền vững và thu hút khách. Ví dụ, tại Khu nghỉ dưỡng Furama Đà Nẵng, hạn chế sử dụng đồ dùng một lần mà thay vào đó là những vật dụng thân thiện với môi trường như: sử dụng ống hút giấy, các đồ dùng như bàn chải đánh răng, lược… được đựng trong túi giấy; túi đựng đồ của khách cũng là túi cói và nón lá… Những việc làm tuy nhỏ này nhưng lại giúp hạn chế được khối lượng rác thải rất lớn ra môi trường.

Đà Nẵng tiếp cận phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh từ góc độ phát triển thành phố thông minh và đô thị xanh. Cụ thể, Đà Nẵng tích cực triển khai nghiên cứu, ứng dụng công nghệ hiện đại, công nghệ thông minh cho giao thông và đô thị, áp dụng các công nghệ xử lý chất thải nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Thành phố này cũng “phủ xanh” bằng việc tăng cường phát triển cây xanh, hạn chế bê tông hóa; phát triển các tòa nhà thông minh, công trình thông minh và khuyến khích sử dụng năng lượng tái tạo để tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính; phát triển các loại hình du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp - nông thôn, du lịch cộng đồng, ...

- Tình hình khách du lịch và doanh thu từ hoạt động du lịch Đà Nẵng

Trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát và tác động nghiêm trọng đến các hoạt động du lịch, Đà Nẵng là địa phương thu hút đông đảo lượng khách du lịch. Lượng khách tham quan du lịch Đà Nẵng “giai đoạn 2016 - 2019 tăng trưởng tốt với tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 16,73%/năm, tăng 4,41% so với mục tiêu kế hoạch; trong đó tốc độ tăng trưởng bình quân lượng khách quốc tế đạt 29,15%/năm, tăng 16,83% so với kế hoạch, khách nội địa đạt 10,91%/năm, gần tương đương kế hoạch. Tốc độ tăng trưởng bình quân tổng thu du lịch giai đoạn 2016 - 2019 đạt 24,68%/năm, tăng 4,91% so với kế hoạch. Có thế thấy, trước khi chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, du lịch Đà Nẵng có sự tăng trưởng cả về lượng khách và doanh thu” [8]. Trong năm 2020 và 2021, do tác động của đại dịch Covid-19, lượng khách và doanh thu từ các hoạt động du lịch của Đà Nẵng giảm sút nghiêm trọng. Trong đó, theo báo cáo của Sở Du lịch Đà Nẵng, năm 2021, tổng lượt khách du lịch đến Đà Nẵng là 1,17 triệu lượt, giảm 55,8% so với năm 2020, doanh thu di lịch đạt 2,554 tỷ đồng, giảm 36,6% so với năm 2020. Đại dịch Covid-19 đã thay đổi cấu trúc xã hội và thói quen của người dân, nhưng cũng tạo ra xu hướng mới trong du lịch. Đây cũng là cơ hội để Việt Nam trở thành điểm đến được lựa chọn du lịch hàng đầu, với những trải nghiệm hấp dẫn.

tugo5-8-1657590184.jpg
Ảnh minh họa. Trong ảnh là bán đảo Sơn Trà tại Đà Nẵng (Ảnh: Du lịch Tugo)

Thực hiện lộ trình mở cửa đón khách quốc tế của Chính phủ, thành phố Đà Nẵng đã chính thức mở cửa đón khách quốc tế tại Phổ cổ Hội An và Di sản Mỹ Sơn. Trong quý 1/2022, “Đà Nẵng có 749 doanh nghiệp kinh doanh du lịch hoạt động trở lại, chiếm 40% tổng số doanh nghiệp kinh doanh du lịch trên địa bàn thành phố. Trong số này, có 350/1272 cơ sở lưu trú du lịch với 14.000 phòng (chiếm 27% tổng số phòng), 15/16 khu điểm du lịch, 190/281 đơn vị lữ hành, 170 đơn vị vận chuyển với 2.100 xe phục vụ du lịch, 18/21 tàu du lịch, 6/16 cơ sở mua sắm-ăn uống đạt chuẩn hoạt động trở lại. Cũng trong quý 1/2022, khách du lịch đến các cơ sở lưu trú trên địa bàn thành phố Đà Nẵng ước đạt 257,2 nghìn lượt, giảm 58% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, khách quốc tế ươc đạt 6.000 lượt, giảm 87,9% và chủ yếu là các chuyên gia đang công tác tại Việt Nam, khách nội địa ước đạt 251,2 nghìn lượt, giảm 55,4% so với cùng kỳ; Doanh thu dịch vụ lưu trú và lữ hành ước đạt 806,2 tỷ đồng, giảm 41,4%. Đặc biệt, sau khi có chủ trương mở cửa trở lại các hoạt động du lịch, từ giữa tháng 3/2022, hoạt động du lịch trên địa bàn TP đã có nhiều khởi sắc” [7]. Đây là dấu hiệu đáng mừng đối với ngành du lịch Đà Nẵng sau 2 năm gián đoạn bởi dịch Covid-19.

Có thể thấy, khủng hoảng do Covid-19 như hồi chuông cảnh tỉnh cho chặng đường du lịch đã đi qua. Để tạo hướng đi bền vững, ngành du lịch Đà Nẵng đã chuyển biến nhận thức trong phát triển du lịch xanh, hướng tới xây dựng thương hiệu điểm đến xanh vào năm 2025. Định hướng, quyết sách này đang được lan tỏa trong cộng đồng, những nhà làm du lịch và cả hoạt động dịch vụ phụ trợ. Du lịch xanh là bước đi đột phá, sáng tạo, hướng tới ý nghĩa nhân văn, chia sẻ lợi ích, bảo vệ môi trường, gìn giữ giá trị văn hóa di sản và tài nguyên thiên nhiên.

Mặc dù, có tiềm năng phát triển, song du lịch xanh ở Việt Nam nói chung và tại Đà Nẵng nói riêng mới ở giai đoạn khởi đầu. Du lịch xanh còn là loại hình du lịch mới cả về khái niệm lẫn tổ chức quản lý và khai thác tài nguyên phục vụ cho mục đích du lịch, do đó, nâng cao nhận thức, có chiến lược, có giải pháp đúng đắn để phát triển du lịch xanh là điều có ý nghĩa lý luận và thực tiễn hết sức quan trọng.

3.2. Giải pháp đẩy mạnh phát triển du lịch xanh tại Đà Nẵng hiện nay

Theo định hướng phát triển du lịch xanh, ngành du lịch Đà Nẵng đề ra mục tiêu trong giai đoạn 2021 - 2025 như sau:

Bảng 1: Mục tiêu du lịch Đà Nẵng giai đoạn 2021 – 2025

TT

Mục tiêu

Năm 2022

Năm 2025

1

Tổng lượt khách (triệu lượt)

3.5

12,3

1

Doanh thu du lịch (tỷ đồng)

6.700

61.000

(Nguồn: Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng)

Để thực hiện được mục tiêu này, định hướng phát triển du lịch Đà Nẵng theo hướng tăng trưởng xanh là hướng đi phù hợp. Để đẩy mạnh phát triển du lịch xanh tại Đà Nẵng, cần:

Một là, tuyên truyền, phổ biến nhằm nâng cao nhận thức về phát triển du lịch xanh. Phát triển du lịch xanh là nhiệm vụ quan trọng trong chiến lược du lịch Đà Nẵng. Cần nâng cao nhận thức và đào tạo về du lịch xanh, trước hết là đối với các nhà quản lý các cấp từ quản lý nhà nước, quản trị doanh nghiệp của ngành Du lịch và các ngành có liên quan đến du lịch về nội dung, ý nghĩa và tầm quan trọng của việc phát triển du lịch xanh. Đồng thời, cần nâng cao nhận thức, giáo dục, đào tạo cho cộng đồng về phát triển du lịch xanh, nhất là ở các vùng, các điểm, khu du lịch. Nhà nước cần có kế hoạch đào tạo ở nước ngoài đối với các cán bộ chuyên môn và cán bộ quản lý để quản lý du lịch xanh, tăng trưởng xanh và kinh tế xanh.

Hai là, thực hiện nghiêm lộ trình mở của ngành du lịch gắn với công tác phòng, chống đại dịch Covid-19. Ngành du lịch cần mở cửa một cách an toàn, định hướng phát triển theo hướng du lịch xanh và thân thiện với môi trường, tạo hình ảnh du lịch Việt Nam an toàn, xanh, sạch. Để đạt được mục tiêu này, Đà Nẵng cần triển khai mở cửa du lịch phù hợp với tình hình thực tế của địa phương; phát triển sản phẩm, dịch vụ du lịch phù hợp với nhu cầu của khách du lịch. Đồng thời, nghiêm chỉnh thực hiện công tác phòng, chống đại dịch Covid-19 tại các điểm du lịch, nhà hàng, khách sạn, …

Ba là, nghiên cứu tiềm năng, lợi thế, xây dựng những sản phẩm du lịch xanh đặc trưng gắn với thương hiệu du lịch Đà Nẵng. Đà Nẵng cần thực hiện quy hoạch các tour du lịch sinh thái, hạn chế tối đa tình trạng bê tông hóa một số địa điểm hai bên bờ Sông Hàn, chỉ nên dành một phần làm lối đi, còn lại dành làm công viên, trồng hoa cây cảnh. Nên tận dụng các loài cây, loài hoa bản địa như hoa muống biển. Sử dụng các loại ghế đá tạo điện từ năng lượng mặt trời để du khách có thể sạc điện thoại hoặc xe đạp điện theo hướng thân thiện với môi trường. Thành phố cũng cần xem xét xây dựng các tuyến du lịch bằng xe đạp tại những cung đường đẹp nổi tiếng như tuyến đường bao bãi biển Xuân Thiều, Mỹ Khê, Ngũ Hành Sơn, cung đường Sơn Trà, vòng quanh sông Hàn, đồng thời kêu gọi đầu tư vào dịch vụ cung cấp xe đạp, bến bãi và các dịch vụ kèm theo. Phát triển các sản phẩm du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng thân thiện với môi trường, đặc biệt là mở rộng không gian du lịch về phía Nam và phía Tây. Có thể nói, chuỗi sản phẩm du lịch xanh đang được kỳ vọng là hướng phát triển tiềm năng của thành phố Đà Nẵng. Không chỉ thân thiện với môi trường, mô hình này còn giúp gia tăng lợi thế cạnh tranh và thu hút du khách. Nhằm hướng đến mục tiêu tăng trưởng xanh, phát triển du lịch sinh thái, đầu tư cho các dịch vụ du lịch sinh thái là rất quan trọng. Đây cũng là hướng đi đúng, hiệu quả trong mục tiêu phát triển du lịch bền vững.

Bốn là, xây dựng dịch vụ xanh và mảng xanh đô thị. Một đô thị văn minh không thể thiếu dịch vụ giao thông công cộng thuận tiện và thông minh. Để xe buýt trở thành phương tiện giao thông chiếm thị phần lớn, thành phố nên xanh hóa các bến xe buýt. Có thể trang trí xe buýt bằng hoa hoặc cây leo và trang bị các thiết bị điện tử cung cấp thông tin liên quan tới xe buýt và tình trạng giao thông các tuyến đường trong thành phố tới khách đi xe buýt. Chẳng hạn thông tin về lộ trình, thời gian hoạt động, tần suất xe. Đà Nẵng cần tăng cường phát triển cây xanh và mảng xanh đô thị. Xây dựng tiêu chí mô hình cây xanh tiêu biểu hay ứng dụng công nghệ GIZ gắn kết phát triển cây xanh và du lịch. Hạn chế việc bê tông hóa vỉa hè, tường rào, khuyến khích người dân thay cổng, tường rào bê tông bằng dải cây xanh, hoa, …

Năm là, đẩy mạnh đầu tư phát triển hạ tầng, nâng cấp cơ sở vật chất ngành du lịch. Nhà nước cần có chính sách khuyến khích tăng cường tính “xanh” trong phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch, trong các dịch vụ du lịch với những điều kiện cụ thể ở mỗi nơi như ứng dụng năng lượng gió, mặt trời, sử dụng vật liệu tái chế, vật liệu tự nhiên, chế biến rác thải, xử lý nước thải, giảm thiểu tiêu hao xăng, dầu trong giao thông, trong tiêu dùng, an toàn vệ sinh thực phẩm, … hoặc khuyến khích các chương trình bảo tồn và truyền bá văn hóa dân gian, dân tộc trong phát triển du lịch. Cần kết hợp chặt chẽ giữa quá trình xây dựng nông thôn mới với phát triển du lịch xanh. Nhà nước cũng như doanh nghiệp cần đẩy mạnh hơn nữa và đầu tư xứng đáng cho quảng bá, xúc tiến mạnh hơn về du lịch xanh trong phạm vi toàn xã hội, cho khách du lịch bằng nhiều hình thức khác nhau, phương tiện khác nhau nhằm xây dựng một thương hiệu du lịch xanh Đà Nẵng, một điểm đến thân thiện thu hút đối với du khách.

Sáu là, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về du lịch tại Đà Nẵng. Trong định hướng phát triển du lịch xanh Đà Nẵng, cần thực hiện tốt công tác quy hoạch, đầu tư hạ tầng và thu hút đầu tư phát triển du lịch. Tăng cường liên kết phát triển du lịch xanh với các địa phương khác để lan tỏa giá trị của sản phẩm và nâng cao nhận thức của cộng đồng du khách khi hưởng thụ sản phẩm du lịch xanh. Cơ quan quản lý nhà nước về du lịch cần hướng đến chiều sâu, có chính sách khuyến khích du lịch nông nghiệp. Thúc đẩy du lịch tái tạo thông qua chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp tái chế, chuyển dịch cơ cấu lao động và đào tạo lại lao động ngành du lịch ở địa phương; thiết lập chính sách ưu tiên và kiểm soát phát triển đô thị xanh từ lợi thế cân bằng giữa khai thác tiềm năng của địa phương với vấn đề bảo vệ môi trường, tái tạo tài nguyên. Công tác quy hoạch và quản lý thực hiện quy hoạch phải được thực hiện nghiêm túc, đảm bảo không phá vỡ quy hoạch, điều chỉnh tùy tiện vì lợi ích trước mắt của doanh nghiệp mà phá hủy tài nguyên, cảnh quan, môi trường; thực hiện nghiêm chỉnh việc đánh giá tác động môi trường đối với dự án đầu tư phát triển tại các khu, điểm du lịch và nơi có tài nguyên du lịch trước khi cấp phép hoạt động.

4. Kết luận

Phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh là mục tiêu của ngành du lịch Đà Nẵng trong thời gian tới. Trong bối cảnh hậu Covid-19, với chính sách mở cửa ngành du lịch, Đà Nẵng đã bước đầu khôi phục dần ngành du lịch. Thành phố đã chú trọng phát triển các sản phẩm du lịch hướng đến sự tăng trưởng xanh, bền vững, nhờ vậy, lượng khách trong quý 1 năm 2022 đã có khởi sắc với 257,2 ngàn lượt khách. Đây là một dấu hiệu rất đáng mừng cho ngành du lịch Đà Nẵng.

Để tiếp tục định hướng ngành du lịch phát triển xanh, Đà Nẵng cần tập trung tuyên truyền, nâng cao nhận thức về du lịch xanh đối với các ngành, các cấp, cộng đồng doanh nghiệp và mọi người dân bằng hình thức phù hợp. Đà Nẵng cần xây dựng các sản phẩm, dịch vụ du lịch xanh. Đặc biệt là đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ lao động có kỹ năng, nghiệp vụ về du lịch xanh, bền vững và tập trung xây dựng thương hiệu du lịch xanh của thành phố để tăng khả năng cạnh tranh, thu hút du khách. Mục tiêu phát triển mà Đà Nẵng định hướng là gắn du lịch với bảo tồn, xây dựng môi trường xanh, thân thiện, an toàn, hòa hợp giữa người dân, du khách và thiên nhiên. Việc quản lý và khai thác cần sớm thống nhất, có chủ trương cụ thể, tuyên truyền rộng rãi để nhà đầu tư và người dân có thể yên tâm tham gia theo đúng quy định pháp luật, đặc biệt có sự quản lý chặt chẽ để tránh tình trạng tự phát, tạo nên những hệ lụy về môi trường, cảnh quan.

Tài liệu tham khảo

[1]. Ban Chấp hành Trung ương (2017), Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/1/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Hà Nội.

[2]. Nguyễn Văn Đính (2020), Phát triển du lịch xanh Việt Nam, http://vtr.org.vn. Cập nhật 23/6/2020.

[3]. Trần Lê Lâm (2022), Khách du lịch đến Đà Nẵng dịp lễ tăng hơn 3,4 lần, https://bnews.vn. Cập nhật ngày 02/05/2022.

[4]. Thủ tướng Chính phủ (2012), Quyết định số 1393/QĐ-TTg ngày 25/9/2012 phê duyệt “Chiến lược quốc gia về Tăng trưởng xanh thời kỳ 2011 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2050”, Hà Nội.

[5]. Thủ tướng Chính phủ (2021), Quyết định số 1658/QĐ-TTg ngày 1/10/2021 phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050, Hà Nội.

[6]. Thủ tướng Chính phủ (2011), Quyết định số 2473/QĐ-TTg ngày 30/12/2011 phê duyệt Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Hà Nội.

[7]. Sở Du lịch Đà Nẵng (2022), Báo cáo hoạt động du lịch quý 1/2022, Đà Nẵng.

[8]. Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng (2020), Kế hoạch số 7513/KH-UBND ngày 16/11/2020 về phát triển du lịch thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2021 – 2025, Đà Nẵng.

ThS. Lê Đức Thọ (Trường Cao đẳng Nghề Đà Nẵng)