Quảng Nam: Phát triển du lịch xanh hướng đến bền vững

Để “tái thiết” ngành du lịch, một ngành mũi nhọn trong phát triển kinh tế, tỉnh Quảng Nam đã chọn hướng phát triển du lịch xanh. Một hướng đi được xem là bền vững nhưng giữ gìn được những giá trị văn hóa bản địa.
du-lich-xanh-quang-nam-1648773021.jpg
Du khách trải nghiệm tại điểm du lịch làng rau Trà Quế (TP Hội An, tỉnh Quảng Nam).

Du lịch xanh - gìn giữ những giá trị bản địa

Du lịch “xanh” là bước đi đột phá, sáng tạo, hướng tới ý nghĩa nhân văn, chia sẻ lợi ích, bảo vệ môi trường, gìn giữ giá trị văn hóa - di sản và tài nguyên thiên nhiên…

Ông Phan Xuân Thanh - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Quảng Nam nhìn nhận: “Tuy nhiên, việc thực hiện không dễ, bởi mỗi doanh nghiệp du lịch cần sự kiên định trong thay đổi giải pháp quản trị, đầu tư chiều sâu, dài hạn và thiện chí đồng hành. Hơn thế nữa, những tác động ngoại lực về cơ chế chính sách là rất quan trọng”.

Ông Thanh kiến nghị cần quản lý Nhà nước về du lịch cần hướng đến chiều sâu, cần có chính sách khuyến khích du lịch nông nghiệp, thúc đẩy du lịch tái tạo thông qua chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp tái chế, tái tạo cũng là mô hình của nền kinh tế tuần hoàn, kiến tạo một chu trình mới.

Bên cạnh đó, thiết lập chính sách ưu tiên và kiểm soát phát triển đô thị xanh từ lợi thế cân bằng giữa khai thác tiềm năng của địa phương với vấn đề bảo vệ môi trường, tái tạo tài nguyên….

Ông Nguyễn Quý Phương - Vụ trưởng Vụ Lữ hành Tổng cục Du lịch (Bộ VH,TT&DL), cho biết, ngành du lịch cần mở cửa một cách an toàn, định hướng phát triển theo hướng du lịch xanh và thân thiện với môi trường, tạo hình ảnh du lịch Việt Nam an toàn, xanh, sạch.

Để đạt được mục tiêu này, Quảng Nam cần triển khai mở cửa du lịch phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, phát triển sản phẩm, dịch vụ du lịch phù hợp với nhu cầu của khách du lịch.

Còn ông Nguyễn Anh Tuấn - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Du lịch nhận định phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh được xác định là phương thức, con đường của sự phát triển du lịch bền vững, có ý nghĩa quan trọng trong bảo vệ tài nguyên, môi trường, giảm phát thải khí nhà kính, thích ứng với biến đổi khí hậu, góp phần xây dựng nền kinh tế xanh, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững quốc gia.

“Mặc dù là điểm nóng thu hút khách du lịch, nhìn chung, Quảng Nam không bị phá vỡ cảnh quan, môi trường sinh thái và không bị vượt quá sức chứa du lịch. Áp dụng tăng trưởng xanh có ý nghĩa quan trọng để thúc đẩy du lịch phát triển bền vững” – ông Tuấn nói.

Liên kết để phát triển du lịch xanh

Ông Lê Ngọc Tường - Phó Giám đốc Sở VH,TT&DL tỉnh Quảng Nam cho biết, tỉnh xác định phát triển du lịch xanh là nhiệm vụ quan trọng trong chiến lược du lịch tỉnh Quảng Nam. Trong định hướng phát triển du lịch xanh tỉnh Quảng Nam cần thực hiện tốt công tác quy hoạch, đầu tư hạ tầng và thu hút đầu tư phát triển du lịch.

Tăng cường liên kết phát triển du lịch xanh với các địa phương khác để lan tỏa giá trị của sản phẩm và nâng cao nhận thức của cộng đồng du khách khi hưởng thụ sản phẩm du lịch xanh.

“Trước mắt sẽ liên kết với các tỉnh Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế xây dựng chuỗi sản phẩm du lịch xanh liên hoàn từ khâu cung ứng nguyên liệu đến khâu thành phẩm cung cấp đến du khách”, ông Tường cho biết.

Đồng thời, đầu tư phát triển mô hình mẫu về du lịch đến năm 2025 xây dựng từ 10-20 mô hình mẫu du lịch xanh và chọn TP Hội An để triển khai thí điểm.

Khuyến khích xây dựng hệ sinh thái sản phẩm du lịch xanh tuần hoàn khép kín tại các điểm du lịch cộng đồng, tại các doanh nghiệp trên cơ sở đồng hành gắn kết của bộ kiềng 3 chân là: Nhà quản lý (Nhà nước) + Doanh nghiệp + Cộng đồng.

Tiếp theo là tập trung công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ lao động có kỹ năng, nghiệp vụ, kỹ thuật làm du lịch xanh, du lịch có trách nhiệm và du lịch bền vững.

Đặc biệt, với sự hỗ trợ của “Chương trình Du lịch Bền vững Thụy Sĩ” (SSTP), tỉnh Quảng Nam là địa phương đầu tiên ban hành bộ tiêu chí du lịch xanh cấp tỉnh, với mục tiêu thúc đẩy ngành du lịch phát triển theo hướng bền vững.

Ông Trần Văn Tân - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam nhận định rằng, đây cũng là cơ hội để Quảng Nam khẳng định vai trò, ý nghĩa và bàn thảo các nhiệm vụ, giải pháp du lịch xanh, thúc đẩy phục hồi, phát triển du lịch.

“Đồng thời, đẩy mạnh quá trình cơ cấu thị trường du lịch, xây dựng các sản phẩm du lịch mới, du lịch xanh, kích cầu du lịch với mục tiêu phát triển du lịch bền vững”, ông Tân nhấn mạnh.

UBND tỉnh Quảng Nam đã có quyết định ban hành Bộ tiêu chí du lịch xanh trong một số loại hình hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh. Theo đó có 6 bộ tiêu chí du lịch xanh dành cho các loại hình: Khách sạn (9 chủ đề), homestay (10 chủ đề), khu nghỉ dưỡng (10 chủ đề), doanh nghiệp lữ hành (5 chủ đề), điểm du lịch dựa vào cộng đồng (9 chủ đề) và điểm tham quan (11 chủ đề). Phạm vi áp dụng trên địa bàn tỉnh Quảng Nam thời gian 3 năm kể từ ngày quyết định này có hiệu lực.