Du lịch xanh nâng tầm thương hiệu quốc gia

Du lịch xanh hiện đang trở thành xu hướng du lịch tất yếu. Xây dựng thương hiệu du lịch xanh tạo hướng đi bền vững.

Việt Nam có tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch lớn. Cùng với sự phát triển chung của đất nước, du lịch Việt Nam đã phát triển vượt bậc, trở thành ngành kinh tế quan trọng của đất nước - công nghiệp không khói.

Năm Du lịch Quốc gia là sự kiện văn hoá - kinh tế - xã hội tiêu biểu, có quy mô cấp quốc gia, quốc tế và được tổ chức thường niên. Qua nhiều kỳ tổ chức, Năm Du lịch Quốc gia đã khẳng định thương hiệu, tầm ảnh hưởng tích cực và thành công trong việc thúc đẩy du lịch Việt Nam phát triển.

Với tính chất là ngành kinh tế dịch vụ tổng hợp, có tính liên ngành, liên vùng và xã hội hóa cao, phát triển du lịch theo xu hướng xanh đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện các mục tiêu quốc gia về tăng trưởng xanh. Chủ đề của Năm Du lịch quốc gia 2022 cũng là du lịch xanh với ý nghĩa tất cả các hoạt động đều hướng tới bảo vệ môi trường sinh thái; phát huy các giá trị di sản văn hóa, thiên nhiên; ưu tiên sử dụng các sản phẩm tái chế; hạn chế tối đa phát thải ra môi trường; bảo đảm an toàn cho du khách và cộng đồng dân cư…

30-1648401620-du-lich-xanh-1648870736.jpg
Du lịch xanh góp phần nâng tầm thương hiệu du lịch quốc gia. (Ảnh minh họa)

Du lịch xanh không phải một khái niệm mới. Khoảng 20 năm nay, biến đổi khí hậu diễn ra ngày càng mạnh mẽ, các thảm họa tự nhiên như động đất, cháy rừng, sóng thần, bão lũ… ngày càng xuất hiện với tần suất bất thường và khắc nghiệt hơn do một phần “đóng góp” không nhỏ đến từ ngành du lịch. Chính vì vậy, du lịch xanh đã và đang trở thành một yêu cầu cấp bách, mối quan tâm hàng đầu của ngành công nghiệp không khói toàn cầu.

Nhìn ra thế giới, đặc biệt những nơi được mệnh danh là “thiên đường du lịch” của châu Á như Maldives, đảo Boracay (Philippines), đảo Komodo (Indonesia), Koh Rong Samloem (Campuchia),… đều đã có những chiến lược riêng để chuyển hướng Du lịch xanh từ nhiều năm nay. Ví dụ điển hình là quốc đảo Maldives gồm khoảng 1.192 đảo nhỏ, dân số khoảng 500.000 người. Với du lịch là ngành kinh tế chủ đạo, Maldives đã ban hành các chính sách phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh gắn với gìn giữ, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, môi trường và bảo tồn sinh vật biển.

Trong đó có thể kể tới nỗ lực thay thế nguồn cung cấp năng lượng điện hóa thạch bằng các nguồn năng lượng tái tạo (gió, mặt trời) nhằm giảm phát thải carbon và chi phí phát điện. Dự kiến đến năm 2030, Maldives sẽ thay thế hoàn toàn các nguồn năng lượng hóa thạch bằng năng lượng tái tạo và trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới có lượng carbon trung tính. Được biết, hầu hết khu nghỉ dưỡng tại Maldives đều sử dụng hệ thống lọc nước biển thành nước ngọt và hệ thống hứng, thu gom nước mưa, nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng nước ngọt của người dân và du khách.

Các chuyên gia nhận định, phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh ở Việt Nam thời gian qua tuy mới ở giai đoạn đầu nhưng đã có tín hiệu tích cực. Tất nhiên, trong quá trình phát triển đó cũng không tránh khỏi nhiều vấn đề bất cập.

Ví như việc khai thác, sử dụng tài nguyên du lịch ở một số địa phương còn diễn ra tự phát, thiếu hợp lý, gây ảnh hưởng tiêu cực đến tài nguyên và môi trường, thậm chí, nhiều nơi tài nguyên bị xâm hại nghiêm trọng. Sự gia tăng nhanh chóng lượng khách du lịch vượt quá sức chứa của điểm đến, gây ra tình trạng vỡ trận ở nhiều khu du lịch trọng điểm.

Các cơ sở kinh doanh du lịch vẫn lệ thuộc và chủ yếu sử dụng năng lượng, nhiên liệu hóa thạch, chưa có biện pháp tích cực để sử dụng các nguồn năng lượng thay thế, nhiên liệu sạch, vật liệu mới...

Anh Vân (t/h)