Phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn tạo giá trị mới từ những điều kiện sẵn có

Xu hướng du lịch nông nghiệp, nông thôn không chỉ phát triển ở nhiều quốc gia trên thế giới mà đặc biệt phù hợp ở Việt Nam - quốc gia có diện tích đất nông nghiệp rộng lớn, dân số sinh sống chủ yếu ở nông thôn chiếm đến hơn 62,7%.
du-lich-nong-nghiep-nong-thon-2-1731314599.jpg
Du lịch nông nghiệp, nông thôn được phát triển ở nhiều quốc gia trên thế giới và đặc biệt phù hợp ở Việt Nam. (Ảnh minh họa)

Kết hợp du lịch nông thôn là xu hướng phát triển bền vững

Phát triển nông nghiệp sinh thái kết hợp du lịch nông thôn là xu hướng phát triển bền vững nhằm hiện thực hóa các cam kết của Việt Nam với quốc tế, góp phần định hướng ngành nông nghiệp phát triển bền vững và hiệu quả.

Mô hình này giúp các địa phương khai thác nguồn lực sẵn có, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho người dân địa phương, bảo vệ môi trường sinh thái khu vực nông thôn. Đồng thời, du lịch nông nghiệp cũng giúp duy trì, quảng bá bản sắc văn hóa các dân tộc, vùng miền, từ đó góp phần thu hút đầu tư phát triển kinh tế cộng đồng, địa phương.

Ngành Du lịch trên cơ sở khai thác các giá trị văn hóa, sinh thái nông nghiệp, nông thôn đã hình thành hệ thống điểm đến, sản phẩm du lịch phong phú, đặc thù trải dài từ Bắc vào Nam, đáp ứng nhu cầu tham quan, trải nghiệm của du khách. Hình thức đi chơi kết hợp nghỉ dưỡng, trải nghiệm tại vùng nông thôn đang ngày càng trở nên phổ biến.

du-lich-nong-nghiep-nong-thon-3-1731314631.jpg
Du khách quốc tế thích thú với các hoạt động du lịch trải nghiệm làng quê (Ảnh Báo Quảng Nam)

Xu hướng du lịch nông nghiệp, nông thôn không chỉ phát triển ở nhiều quốc gia trên thế giới mà đặc biệt phù hợp ở Việt Nam - quốc gia có diện tích đất nông nghiệp rộng lớn, dân số sinh sống chủ yếu ở nông thôn chiếm đến hơn 62,7%.

Ở miền Bắc, hiện có nhiều tour du lịch nông nghiệp khai thác các hoạt động trồng, cấy lúa nước truyền thống, các nghề thủ công, trang trại chăn nuôi... Đáng nói, quanh khu vực ngoại thành Hà Nội hiện có 11 trang trại nông nghiệp sinh thái hoạt động theo mô hình giáo dục, du lịch trải nghiệm; 5 hợp tác xã chuyên ngành kết hợp giáo dục, du lịch trải nghiệm và nhiều vùng có tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn.

Ở khu vực miền Trung và Tây Nguyên cũng có nhiều sản phẩm du lịch thể hiện tính đa dạng nông nghiệp như tour tham quan làng dân tộc thiểu số tại nhiều địa phương. Vùng miền Nam và đồng bằng Sông Cửu Long với đặc thù sông nước, nhà vườn... có tiềm năng rất lớn để khai thác, phát triển du lịch nông nghiệp.

Phát triển du lịch ở Việt Nam có quan hệ chặt chẽ với xây dựng nông thôn

Tại Quyết định số 922/QĐ-TTg ngày 2/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 đã nêu rõ phát triển du lịch nông thôn là một trong những giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025; phát huy vai trò chủ thể của người dân và cộng đồng; thúc đẩy sự tham gia tích cực và chủ động của doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức kinh tế khác vào phát triển kinh tế du lịch nông thôn thông qua các hình thức liên kết chuỗi giá trị du lịch hiệu quả.

Việc phát triển du lịch ở Việt Nam có quan hệ chặt chẽ với xây dựng nông thôn hiện đại. Cơ sở vật chất của nông thôn hiện đại gắn với hạ tầng dịch vụ ăn nghỉ, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, làng nghề truyền thống… đã tạo cơ sở cho sự phát triển của du lịch nông thôn.

du-lich-nong-nghiep-nong-thon-1-1731314656.jpg
Hình thức đi chơi kết hợp nghỉ dưỡng, trải nghiệm tại vùng nông thôn đang ngày càng trở nên phổ biến. (Ảnh minh họa)

Chiều ngược lại, du lịch nông thôn cũng đóng góp vào việc nâng cao nguồn thu nhập cho các gia đình, sinh kế cho người dân, thúc đẩy tiêu thụ các sản phẩm đặc trưng vùng miền, từ đó góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương, nâng cao chất lượng xây dựng nông thôn mới.

Theo Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), cả nước có khoảng 400 điểm khai thác các hoạt động du lịch nông nghiệp, nông thôn, phần lớn là theo mô hình du lịch cộng đồng.

Nhiều địa phương đã trở thành điểm đến du lịch nông thôn tiêu biểu như Lào Cai, Sơn La, Bến Tre, Tiền Giang, Quảng Nam, Huế… Cùng với chương trình xây dựng nông thôn mới và OCOP đã tạo điểm nhấn thu hút ngày càng nhiều du khách trải nghiệm du lịch nông thôn.

du-lich-nong-nghiep-nong-thon-4-1731314682.jpg
Việc phát triển du lịch ở Việt Nam có quan hệ chặt chẽ với xây dựng nông thôn hiện đại. (Ảnh minh họa)

Theo Tiến sỹ Phạm Hương Trang, giảng viên ngành Quản trị du lịch và khách sạn (Đại học RMIT) cho biết, để đảm bảo phát triển hiệu quả, các hoạt động du lịch nông nghiệp cần có không gian dịch vụ bài bản như nông trại, cánh đồng, vườn cây ăn trái, làng nghề truyền thống hay các vùng quê có giá trị văn hóa, lễ hội, ẩm thực địa phương độc đáo.

Đặc biệt, sự tham gia của cộng đồng địa phương là vô cùng quan trọng. Là đối tượng gắn bó mật thiết với môi trường văn hóa và phương pháp sản xuất, người dân địa phương đóng vai trò không thể thiếu trong việc tổng hợp, chia sẻ các giá trị văn hóa với du khách. Họ trở thành người bảo tồn, lan tỏa những giá trị văn hóa nông nghiệp, góp phần tạo nên trải nghiệm du lịch đặc trưng riêng.

Bên cạnh đó, để phát triển hình thức du lịch này, các địa phương nên gắn chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) với sản phẩm là dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch.

Mỗi điểm du lịch cần được xây dựng đề án phát triển tổng thể dựa trên tài nguyên du lịch tự nhiên, văn hóa và giá trị bản địa tại các bản, làng, thôn, ấp. Đồng thời, việc xây dựng những tour tuyến chung, liên kết trong các hoạt động truyền thông, xúc tiến quảng bá du lịch giữa các địa phương liên kết làm tăng sức hút cho các điểm đến du lịch nông thôn.

Quảng bá, kết nối, xúc tiến sản phẩm du lịch nông thôn với các hãng lữ hành hay trung tâm du lịch lớn, đa dạng hóa hình thức quảng bá, đặc biệt ứng dụng công nghệ số trong việc kích thích mọi giác quan của du khách khi tiếp cận với sản phẩm du lịch được quảng bá bằng công nghệ thông tin./.

Trọng Bình