Quảng cáo #128

Phát triển du lịch nông nghiệp, hướng đi mới cho làng nghề xứ Thanh

Kết hợp tinh tế giữa nét đẹp truyền thống của làng nghề, hương vị ẩm thực độc đáo với những tiện nghi hiện đại, du lịch nông nghiệp đã tạo nên một sản phẩm du lịch mới, vừa hấp dẫn du khách, vừa mang lại lợi ích kinh tế - xã hội, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị của các làng nghề cổ.
du-lich-nong-nghiep-1734742661.jpg
Du lịch nông nghiệp ở Thanh Hóa đang phát triển mạnh trong những năm gần đây.

Thanh Hóa, với văn hóa đặc sắc và cảnh quan thiên nhiên đa dạng, đang từng bước khẳng định mình là một điểm đến du lịch hấp dẫn. Du lịch nông nghiệp, một hướng đi mới đầy tiềm năng, không chỉ góp phần đổi mới kinh tế địa phương mà còn là cầu nối giữa truyền thống và hiện đại, tạo đà phát triển bền vững cho các làng quê. Với những danh lam thắng cảnh nổi tiếng như khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông, bãi biển Sầm Sơn, và khu di tích lịch sử Lam Kinh, cùng hệ thống làng nghề truyền thống phong phú như dệt thổ cẩm, gốm sứ, và trà, Thanh Hóa sở hữu những lợi thế độc đáo để phát triển du lịch nông nghiệp.

Sở hữu địa hình đa dạng, từ đồng bằng ven biển đến vùng núi cao, là điều kiện thuận lợi để Thanh Hóa khai thác và phát triển các sản phẩm du lịch nông nghiệp đa dạng. Các tour du lịch trải nghiệm như tham quan đồng lúa chín vàng, thu hoạch trà tươi, học làm gốm truyền thống, hay tham gia các lễ hội dân gian đã thu hút đông đảo du khách, góp phần quảng bá hình ảnh và sản phẩm địa phương. Du lịch nông nghiệp không chỉ mang lại lợi ích kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân mà còn góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, tạo dựng một cuộc sống tốt đẹp hơn cho cộng đồng.

du-lich-nong-nghiep2-1734742756.jpg
Bảo tàng Gốm Tam Thọ TP Thanh Hóa, nơi trải nghiệm thú vị cho du khách gần xa

Ngoài ra, du lịch nông nghiệp còn là câu chuyện góp phần bảo tồn văn hóa địa phương. Qua các hoạt động trải nghiệm, du khách không chỉ tìm hiểu về các phong tục tập quán truyền thống mà còn tham gia giàn dựng chúng. Điều này giúp giữ gìn bản sắc văn hóa địa phương trong bối cảnh hội nhập.

Với tầm nhìn xây dựng một mô hình du lịch nông nghiệp bền vững, tỉnh Thanh Hóa đã và đang khai thác tối đa tiềm năng của nông nghiệp, làng nghề, văn hóa và môi trường sinh thái. Đến năm 2030, dự kiến sẽ có hơn 1,169 triệu lượt khách, trong đó có 13.000 lượt khách quốc tế đến tham quan và trải nghiệm. Đồng thời, ngành du lịch nông nghiệp sẽ đóng góp đáng kể vào tăng trưởng kinh tế, bảo vệ môi trường và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

du-lich-nong-nghiep3-1734742860.jpg
HTX Chè Bình Sơn (Triệu Sơn) nơi tận hưởng không khí trong lành cùng với trải nghiệm hái chè với bà con.

Đến nay, một số địa phương trong tỉnh đã thành công trong việc xây dựng các mô hình du lịch nông nghiệp hấp dẫn, thu hút đông đảo du khách. Điển hình có thể kể đến Nông trại Golden Cow, Queen Farm, T-Farm, Làng du lịch Yên Trung, cùng nhiều vườn cây ăn quả công nghệ cao và các chương trình trải nghiệm văn hóa cộng đồng tại các bản làng dân tộc. Bên cạnh đó, các sản phẩm OCOP như chiếu cói Việt Trang, nước mắm Bà Hoan, gạo Quý Hương cũng góp phần làm phong phú hơn trải nghiệm của du khách. Những thành quả này cho thấy tiềm năng lớn để phát triển du lịch nông nghiệp một cách toàn diện, từ tham quan, trải nghiệm đến mua sắm đặc sản.

Mặc dù đạt được những thành tựu nhất định, du lịch nông nghiệp tại Thanh Hóa vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn. Hệ thống cơ sở hạ tầng du lịch chưa đồng bộ, sản phẩm du lịch nông nghiệp còn đơn giản và thiếu tính cạnh tranh, cùng với đó là việc thiếu sự liên kết giữa các địa phương, doanh nghiệp và cộng đồng là những hạn chế lớn cần được khắc phục. Bên cạnh đó, các vấn đề về quản lý môi trường và chất lượng dịch vụ cũng đặt ra nhiều thách thức cho sự phát triển bền vững của ngành.

Du lịch nông nghiệp không chỉ mang lại làn gió mới cho nông thôn mà còn mở ra cơ hội quảng bá hình ảnh Thanh Hóa đến với du khách trong và ngoài nước. Bằng những nỗ lực khai thác, bảo tồn và phát huy, Thanh Hóa hứa hẹn trở thành điểm sáng trong bản đồ du lịch nông nghiệp Việt Nam./.

Hà Khải