Du lịch nông nghiệp Hà Nội khai phá tiềm năng ven đô xanh

Những mô hình nông nghiệp kết hợp trải nghiệm du lịch tại Hà Nội đang được triển khai và tạo sức hút du khách. Hướng đi này nhằm khai thác bền vững tiềm năng kinh tế xanh ở những vùng ven đô.
nong-nghiep-du-lich-ha-noi-04-1715250954.jpg
Thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp, nông thôn vùng ven đô đang mở ra tiềm năng phát triển sản phẩm du lịch. (Ảnh tư liệu)

Nông nghiệp sinh thái kết hợp du lịch xanh

Để phát triển nông nghiệp bền vững, Hà Nội đang thực hiện tái cơ cấu lĩnh vực trồng trọt, theo hướng phát triển nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp xanh, sạch gắn với du lịch trải nghiệm.

Nhiều địa phương trên địa bàn thành phố Hà Nội đang tập trung triển khai xây dựng các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chuỗi sản xuất tiêu thụ sản phẩm...

Thực tế cho thấy các mô hình sản xuất theo hướng ứng dụng công nghệ cao, hữu cơ mang lại hiệu quả kinh tế lớn hơn, nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh và giá trị của sản phẩm nông nghiệp.

Hiện nay, toàn thành phố Hà Nội có 11 trang trại nông nghiệp sinh thái hoạt động theo mô hình giáo dục, du lịch trải nghiệm, thuộc 7 quận, huyện: Thanh Trì, Thường Tín, Phúc Thọ, Ba Vì, Chương Mỹ, Long Biên và Hà Đông; 4 hợp tác xã nông nghiệp khai thác mô hình trang trại đồng quê kết hợp giáo dục, du lịch trải nghiệm.

Các mô hình này đã thu hút một số lượng lớn lao động trong vùng, góp phần tạo công ăn việc làm và tăng thêm thu nhập cho người dân địa phương.

Trong đó phải kể tới Mô hình du lịch nông nghiệp VietHarvest AgriTour. Mô hình này nằm trong Dự án “Cải thiện sinh kế của nông dân vùng ven đô Hà Nội - Du lịch nông nghiệp như một ngành kinh doanh hỗ trợ đa dạng nguồn thu nhập” được thực hiện bởi VietED, với sự tài trợ từ TAF và GSRD đã giúp các nông hộ tại Giang Biên thiết kế và chuyển giao các sản phẩm du lịch nông nghiệp.

nong-nghiep-du-lich-ha-noi-01-1715251006.jpg
Không chỉ làm đổi thay cuộc sống của nông dân nơi đây, mô hình du lịch gắn với cộng đồng ở Giang Biên còn góp thêm những điểm sáng cho du lịch nông nghiệp, nông thôn theo hướng bền vững ở Thủ đô. (Ảnh tư liệu)

Hiện, trải nghiệm tour du lịch Giang Biên có 3 sản phẩm du lịch tại Khu nông trại – vườn rau sạch Giang Biên. Đó là chương trình tour “một ngày làm nông dân”, tour “học kỳ nông nghiệp”, tour “sống xanh – sống lành”. Trong đó, hai Tour đầu tiên có thời gian 1 ngày (trong ngày), Tour thứ 3 “sống xanh – sống lành” là 2 ngày 1 đêm.

Nhắc đến Giang Biên (quận Long Biên, Hà Nội), trước đây nhiều người chỉ biết tới nghề trồng rau, bện thừng, đan võng, trồng chuối nổi tiếng... Nhưng giờ đây, khi ghé thăm vùng đất ven đô này, nhiều du khách đã rất ngạc nhiên khi thấy sự “lột xác” của cảnh quan nơi đây.

Không còn là những cánh đồng, vườn rau trồng một cách tự phát, 18 hộ gia đình đã quy hoạch lại vườn ruộng, bố trí diện tích đất, xen canh các loại cây trồng, rau củ một cách khoa học; đồng thời xây dựng các nhà vườn tiêu chuẩn với lưới che, rào chắn, cổng chào và đặt những cái tên đầy vui nhộn như "Năm yêu thương", "Nhàn nhã", "Phác chân thành", "Vườn nhỏ nhưng hạnh phúc to"...

Phát triển du lịch nông nghiệp phải đảm bảo các yếu tố bền vững

Phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh và bền vững là xu hướng chung của cả thế giới, trong đó có Việt Nam. Khu vực nông nghiệp, nông thôn mang một hình thái riêng với những đặc trưng về cấu trúc cảnh quan cùng tập quán văn hóa, sinh hoạt, môi trường sống...

Do vậy, việc phát triển du lịch ở khu vực này cần thiết phải đảm bảo các yếu tố bền vững, hài hòa giữa phát triển và bảo tồn các đặc trưng riêng. Nhiều địa phương trong cả nước đã thành công trong phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn theo hướng xanh và bền vững.

Theo các chuyên gia về du lịch và nông nghiệp, Hà Nội muốn phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn theo hướng này, trước mắt cần đánh giá các điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội đặc thù, quy hoạch phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn hiện tại.

Tiến sỹ Đinh Phạm Hiền, Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cho rằng, Hà Nội cần xác định đúng sản phẩm và khách du lịch phù hợp với mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn.

Điều quan trọng nữa, các địa phương và các đơn vị xây dựng sản phẩm du lịch phải giải thích, vận động và thu hút sự tự nguyện tham gia của cộng đồng nhất là nông dân; kích thích sự sáng tạo, sáng kiến của nông dân.

nong-nghiep-du-lich-ha-noi-03-1715250940.jpg
Du khách tham quan và trải nghiệm hoạt động thu hoạch nông sản tại trang trại Đồng Quê (huyện Ba Vì). (Ảnh: Bạch Thanh)

Ông Nguyễn Xuân Đại, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, cho hay, để gia tăng giá trị trong sản xuất nông nghiệp, tăng thu nhập cho người dân, việc kết hợp đa dạng các loại hình kinh tế gắn với sản xuất nông nghiệp là rất cần thiết và cần có sự vào cuộc từ Trung ương đến địa phương. Đặc biệt, phải có sự quyết tâm đổi mới, sáng tạo của người nông dân để có nền nông nghiệp xanh, sạch, đẹp và hiệu quả.

Các địa phương và nhà đầu tư cần lưu ý, phát triển du lịch nông thôn bền vững đòi hỏi sự tập trung vào yếu tố cộng đồng, bản sắc, thay vì theo đuổi những xu hướng ngắn hạn. Hoạt động du lịch nông thôn trở thành một phần của cộng đồng, yêu cầu sự kết nối giữa những ngôi nhà trong cùng một làng, kết nối giữa thiên nhiên và cảnh quan vùng nông nghiệp. Du khách không chỉ đến nông thôn để trải nghiệm không gian đẹp, mà còn để thấu hiểu nhịp sống của làng quê mang đặc trưng riêng từng vùng.

Bên cạnh đó, làm du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái không có nghĩa là xây dựng một ngôi làng mới, một vùng quê mới lại từ đầu. Thay vào đó, cộng đồng hãy cùng nhau tạo dựng cảnh quan, làm cho nông thôn trở nên phong phú hơn, giàu cảm xúc hơn. Làm đường mới, sửa sang nhà, trồng hoa ven đường… cho không gian thêm thân thiện. Mỗi vùng cần thuận theo tự nhiên, tôn trọng tự nhiên, làm đẹp trên nền tảng tự nhiên để phát triển bền vững./.

Bình Châu