Bước tiến hoàn hảo để ngành du lịch xứ Thanh gặt hái nhiều quả ngọt

Ngành công nghiệp không khói của tỉnh Thanh Hóa đang có những bước tiến quan trọng, gặt hái nhiều thành công. Là tiền đề vững chắc để xây dựng xứ Thanh trở thành nơi du lịch trọng điểm của cả nước.
du-lich-bien-1717484307.jpg
Du lịch biển tại Thanh Hóa trong những năm qua có bước phát triển nhanh chóng.

Theo số liệu thống kê, tính chung 5 tháng đầu năm 2024, tổng lượng khách du lịch của tỉnh Thanh Hóa ước đạt gần 6,77 triệu lượt, tổng thu từ du lịch ước đạt 11.889 tỷ đồng, tăng 30,8% so với cùng kỳ.

Đây là do sự chung tay của các ngành chức năng, các địa phương, đơn vị, doanh nghiệp trong tỉnh Thanh Hóa tiếp tục tập trung đẩy mạnh các hoạt động phục vụ khách du lịch tại các khu, điểm du lịch trên địa bàn. Đồng thời tỉnh cũng tăng cường xúc tiến, quảng bá, giới thiệu du lịch của địa phương trên các nền tảng số, các phương tiện thông tin đại chúng.

Đổi mới cách làm thu hút du khách

Những năm qua, Thanh Hóa là một trong những địa phương có nhiều chính sách ưu tiên tập trung cho phát triển du lịch. Tỉnh đã ban hành Nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội trong đó tạo điều kiện thuận lợi cho các tập đoàn đầu tư phát triển du lịch trên địa bàn. Nhờ chính sách nhất quán và quyết tâm chính trị của các cấp chính quyền, du lịch Thanh Hóa đã có bước phát triển mạnh mẽ cả về lượng và chất tại khu vực Bắc Trung Bộ, trở thành điểm sáng trên bản đồ du lịch Việt Nam với hệ thống cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch được đầu tư hiện đại, đẳng cấp. Các sản phẩm dịch vụ du lịch Thanh Hóa ngày càng đa dạng, phong phú.

Trong năm 2024, với mục tiêu đón 13,8 triệu lượt khách, ngành du lịch Thanh Hóa sẽ tiếp tục làm mới các sản phẩm hiện có, đồng thời bổ sung thêm các dịch vụ, sản phẩm mới như khu du lịch Flamingo biển Hải Tiến, công viên nước và quảng trường biển Sầm Sơn... Bên cạnh đó, tỉnh Thanh Hóa tiếp tục duy trì, phát triển sản phẩm du lịch sự kiện với 145 hoạt động, sự kiện văn hoá, thể thao và du lịch tại các khu, điểm du lịch trên địa bàn toàn tỉnh. Qua đó kích cầu du lịch, thu hút du khách trong và ngoài tỉnh.

Bên cạnh việc đẩy mạnh công tác đầu tư, xúc tiến, quảng bá du lịch, tỉnh Thanh Hóa cũng rất coi trọng các hoạt động liên kết, hợp tác phát triển du lịch với các địa phương trong cả nước để từng bước hoàn thiện sản phẩm, mở rộng thị trường khách du lịch. Trong đó thị trường các tỉnh Tây Bắc là một trong các thị trường khách trọng tâm mà du lịch Thanh Hóa đang hướng đến.

Với tiềm năng, thế mạnh sẵn có, đến nay các sản phẩm du lịch của Thanh Hóa đã được hình thành rõ nét, phát triển cả về số lượng và chất lượng theo hướng chuyên nghiệp, văn minh, lịch sự. Với mục tiêu đón 13,8 triệu lượt khách du lịch, phấn đấu thu hút và đón du khách quốc tế đến trải nghiệm “Du lịch Thanh Hóa - Hương sắc bốn mùa”, tỉnh Thanh Hóa đã và đang tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp như xây dựng và khai thác đa dạng sản phẩm du lịch đặc trưng và đẩy mạnh thu hút đầu tư, liên kết phát triển du lịch với các trọng điểm du lịch cả nước. Đồng thời, tỉnh không ngừng làm mới và hoàn thiện 3 dòng sản phẩm chủ lực gồm du lịch biển; du lịch văn hóa, lịch sử, tâm linh và du lịch sinh thái cộng đồng.

Đặc biệt, với việc thiết lập lại trật tự kỷ cương, môi trường du lịch cùng với sự đầu tư quy mô, đồng bộ các dự án hạ tầng tại Khu Du lịch biển Sầm Sơn (TP Sầm Sơn), Hải Tiến (Hoằng Hóa), Hải Hòa (thị xã Nghi Sơn)... đã kích cầu, tạo đột phá về thu hút nguồn vốn các dự án lớn.

Bên cạnh đó, các địa phương chú trọng tổ chức đa dạng các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch; huy động sự vào cuộc của doanh nghiệp, phát triển thêm các sản phẩm du lịch mới như: Tuyến du lịch đường thủy Hải Tiến - đảo Nẹ, du lịch dù bay, làng bích họa, khai trương tuyến phố đi bộ và chợ đêm tại Sầm Sơn... từng bước đánh dấu bước phát triển đột phá của du lịch biển xứ Thanh.

Du lịch Sinh thái, hướng đi bền vững của ngành du lịch

Du lịch sinh thái cộng đồng mặc dù mới chỉ phát triển tại Thanh Hóa trong những năm gần đây, song đã nhanh chóng trở thành sản phẩm du lịch hấp dẫn đối với du khách trong nước và quốc tế, đồng thời mang lại nhiều lợi ích phát triển kinh tế bền vững cho các địa phương, nhất là với người dân bản địa.

pu-luong-1717484437.jpg
Khu sinh thái Pù Luông huyện Bá Thước với những nét đẹp hoang sơ, cổ kính, là thế mạnh để khai thác và phát triển du lịch.

Thanh Hóa là địa phương mang đầy đủ đặc trưng của 3 vùng: trung du và miền núi, đồng bằng, ven biển với cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, độc đáo. Đặc biệt, xứ Thanh có một số khu bảo tồn thiên nhiên, vườn quốc gia, đảo nổi tiếng như: Pù Luông, Pù Hu, Xuân Liên, vườn quốc gia Bến En, đảo Nẹ, đảo Mê... là nơi cư trú, sinh sống của nhiều loài động vật, thực vật đặc hữu, quý hiếm. Mỗi bản, làng đều là điểm dừng chân lý tưởng cho những du khách ưa thích khám phá tự nhiên, trải nghiệm, tìm hiểu cuộc sống, nét đẹp văn hóa bản địa.

Tại Khu du lịch sinh thái Pù Luông (Bá Thước) không chỉ có cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, không khí trong lành, những ruộng bậc thang uốn nét mềm mại hay những cánh rừng thăm thẳm, ngọn núi, đồi điệp trùng, nhấp nhô, thác Hiêu ào ào nước đổ, những điệu múa xòe hoa, thanh âm khua luống hay men say rượu cần... Những năm gần đây, sự xuất hiện của những homestay tiện nghi, hiện đại mà vẫn gần gũi, hòa mình với thiên nhiên đã đưa Pù Luông trở thành địa điểm du lịch xanh, du lịch cộng đồng, sinh thái, nghỉ dưỡng nổi tiếng, thu hút không chỉ du khách trong nước mà cả khách quốc tế.

Nhiều năm nay, Pù Luông đã trở thành “điểm hẹn” của Giải chạy Marathon băng rừng Việt Nam (Vietnam Jungle Marathon), thu hút sự tham gia của hàng nghìn lượt VĐV, du khách trong nước và quốc tế. Sức hấp dẫn từ Khu du lịch sinh thái Pù Luông đã góp phần quan trọng vào kết quả hoạt động du lịch, các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới của huyện Bá Thước nói riêng, tỉnh Thanh Hóa nói chung thời gian qua.

Đặc biệt, trong 5 ngày nghỉ lễ 30/4, 1/5 vừa qua, với điều kiện thời tiết thuận lợi, cộng với mùa lúa chuẩn bị chín vàng, nên lượng khách “đổ về” Pù Luông tham quan, trải nghiệm tại đây tăng một cách “đột biến”.

Theo thống kê của Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Bá Thước, trong 5 ngày nghỉ lễ, Khu du lịch Pù Luông đón khoảng 62.500 lượt khách, trong đó khách quốc tế đạt khoảng 15.550 lượt khách, chiếm khoảng 25% tổng lượt khách trong dịp nghỉ lễ. Khách lưu trú khoảng 25.100 lượt khách, chiếm 40,1% tổng số lượt khách. Ngày lưu trú bình quân đạt 2,6 ngày khách; công suất sử dụng phòng đạt khoảng trên 96,4%. Khách tham quan trong ngày đạt khoảng 37.100 lượt khách. Tổng thu từ hoạt động du lịch trong 5 ngày nghỉ lễ đạt khoảng 92,3 tỷ đồng, trong đó tổng thu từ khách lưu trú qua đêm đạt khoảng 76,8 tỷ đồng; khách đi trong ngày đạt khoảng 15,5 tỷ đồng.

Với lợi thế về tài nguyên thiên nhiên, cùng với sự đầu tư khai thác đồng bộ các sản phẩm du lịch đã từng bước hiện thức hóa du lịch Thanh Hóa - "Hương sắc bốn mùa". Trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh trong tương lai./.

Hà Khải