Đơn cử như hình nuôi cá ứng dụng công nghệ cao, tạo các "sông trong ao" với hệ thống tạo dòng chảy và sục khí, nuôi cá với mật độ cao như ở xã Trầm Lộng, huyện Ứng Hòa; xã Ngọc Hòa, huyện Chương Mỹ, năng suất tăng 6-8 lần so với nuôi thông thường, chất lượng cá thịt ngon hơn, giá cao hơn. Năng suất đạt 80 tấn/ha, giá trị 3,5 tỷ đồng/ha.
Gia đình ông Đoàn Ngọc Khuyên, thôn Cẩm Thủy, xã Cẩm Lĩnh, huyện Ba Vì ban đầu chủ yếu nuôi cá truyền thống, năng suất, chất lượng không cao, có thời điểm cá bị chết hàng loạt, thất thoát hàng trăm triệu đồng… Tuy nhiên, không khuất phục trước khó khăn, ông Khuyên đầu tư máy móc, học hỏi kinh nghiệm chuyển từ nuôi truyền thống sang công nghệ cao, đạt tiêu chuẩn VietGAP từ năm 2015.
Ông Khuyên cho biết, nuôi cá VietGAP phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình và có nhật ký ghi chép đầy đủ từ vào giống đến chăm sóc, thu hoạch. Việc cho ăn đầy đủ và sử dụng hệ thống tạo oxy giúp cá trong ao khỏe mạnh, tốc độ lớn nhanh, ít bệnh hơn. Hàng tháng ông đều lấy mẫu nước ao đưa đi phân tích, để có biện pháp điều chỉnh xử lý cho phù hợp. Ngoài việc vệ sinh ao nuôi và xử lý nước thải đảm bảo sạch trước khi xả ra môi trường, ông Khuyên còn thả bèo tây trên diện tích nhất định để những chất thải chưa được lọc hết sẽ được xử lý triệt để….
Để phòng bệnh cho cá, đều đặn mỗi tháng từ 4 - 6 lần, ông Khuyên dùng các chế phẩm vi sinh xử lý môi trường nuôi, làm sạch nguồn nước và chuyển hóa các chất thải, thức ăn thừa thành phù du có lợi cho cá.
Cùng một diện tích ao 3,5ha, trước đây nuôi theo phương pháp truyền thống, mỗi vụ gia đình ông chỉ thu được 10 - 15 tấn cá/năm. Khi nuôi cá công nghệ cao đạt tiêu chuẩn VietGAP, năng suất xuất bán ra thị trường từ 25 – 30 tấn cá, đạt doanh thu hơn 1 tỷ đồng/năm, trừ hết chi phí đầu tư cũng bỏ túi 600 triệu đồng/năm” - ông Khuyên phấn khởi cho biết.
Đến nay, trên địa bàn Hà Nội đang tập trung nuôi thủy sản theo hướng hiệu quả, bền vững, an toàn vệ sinh thực phẩm, an toàn dịch bệnh, bảo vệ môi trường sinh thái và nguồn lợi thủy sản. Toàn thành phô duy trì diện tích nuôi trồng thủy sản đạt khoảng 24.200ha, nâng sản lượng nuôi trồng thủy sản lên 122 nghìn tấn, sản lượng khai thác 1,8 nghìn tấn.
Theo đó, Hà Nội sẽ phát triển các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung theo hướng ứng dụng công nghệ cao, nuôi thâm canh nhằm tăng năng suất, chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm. Các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung tại các huyện: Ứng Hòa, Mỹ Đức, Chương Mỹ, Phú Xuyên, Ba Vì, Thanh Oai, Thường Tín, Thanh Trì, Quốc Oai, Sóc Sơn. Về đối tượng nuôi, tập trung phát triển nuôi các giống cá chép lai, cá rô phi đơn tính, trắm cỏ và các loại thủy đặc sản như: Trắm đen, cá lăng, diêu hồng, tôm càng xanh...
Hiện các mô hình đã mang lại nhiều lợi ích cho người nuôi khi vừa nâng cao chất lượng môi trường nước giúp giảm rủi ro dịch bệnh, đồng thời vừa góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm cá thương phẩm cung ứng cho thị trường Hà Nội.
Phó Giám đốc Sở NN - PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường: “Trong năm 2022, ngành nông nghiệp Hà Nội tiếp tục tham mưu Thành phố tập trung nguồn lực hỗ trợ người nuôi trồng thủy sản về con giống nuôi ngắn ngày, có năng suất cao, như: Cá rô phi đơn tính, cá chép lai; hỗ trợ hóa chất, chế phẩm sinh học khử trùng môi trường ao nuôi tại vùng nuôi thủy sản tập trung; tăng cường công tác quan trắc môi trường, phòng chống dịch bệnh; xây dựng các chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ, góp phần nâng cao giá trị cho vùng nuôi trồng thủy sản tập trung, quy mô lớn”.