Xây dựng chuỗi chiến lược phát triển ngành thủy sản

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, để phát huy hơn nữa lợi thế ngành thủy sản cần tăng cường năng lực tham gia chuỗi ở các khâu có lợi thế cạnh tranh. Và để năng suất cận biên không bị suy giảm, định hướng ngành thủy sản phải xây dựng được thành ngành kinh tế có quy mô và tỷ suất hàng hóa lớn, có nhiều thương hiệu uy tín và tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Kim ngạch xuất khẩu thủy sản tăng 37%

Tại cuộc họp giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với 8 Hiệp hội ngành hàng thủy sản về xây dựng chuỗi giá trị ngành hàng thủy sản, chiều 21/9/2022, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết hiện ngành thủy sản có hai khâu quan trọng nhất là nuôi trồng và chế biến đều bị ách tắc bởi các quy chuẩn về môi trường.

Ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho biết, ước tính đến hết tháng 9/2022, tổng sản lượng thủy sản đạt 6,75 triệu tấn, tăng 2,7% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó sản lượng nuôi trồng thủy sản ước đạt 3,87 triệu tấn, tăng 7%; sản lượng khai thác thủy sản ước đạt 2,88 triệu tấn, giảm 2,5% so với cùng kỳ năm trước.

Theo số liệu thống kê sơ bộ từ Tổng cục Hải quan, ông Luân cho hay: "Giá trị xuất khẩu thủy sản tháng 8/2022 đạt trên 1 tỷ USD, tăng 26% so với cùng kỳ 2021, nhưng đã giảm gần 20% so với tháng trước đó".

Được biết, lũy kế từ đầu năm 2022 đến hết tháng 8, giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 7,6 tỷ USD, tăng 37,3% so với cùng kỳ năm 2021, đạt 84,8% kế hoạch năm 2022. Nếu giữ nguyên tốc độ tăng trưởng như vừa qua, thủy sản có thể đạt kỷ lục xuất khẩu 10 tỷ USD.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), hiện nay 2 mặt hàng xuất khẩu chủ lực của ngành thủy sản là tôm và cá tra. Trong đó, xuất khẩu tôm đạt kim ngạch 3 tỷ USD, tăng 22,5%; xuất khẩu cá tra đạt kim ngạch 1,8 tỷ USD, tăng 80,7% so với cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên, xuất khẩu tôm trong tháng 8/2022 tụt dốc nhiều nhất trong các sản phẩm thủy sản. Từ mức cao đỉnh điểm 456 triệu USD hồi tháng 5, tới tháng 8 chỉ còn 356 triệu USD, giảm 20% so với tháng xuất khẩu cao điểm. Nguyên nhân khiến xuất khẩu tôm giảm là do việc sản xuất tôm nguyên liệu khó khăn khi các chi phí đầu vào cao và thời tiết bất lợi.

Đối với xuất khẩu cá tra trong tháng 8/2022 duy trì mức tăng trưởng ổn định với kim ngạch trên 187 triệu USD, tăng 14% so với cùng kỳ năm trước. Đối với mặt hàng cá ngừ, sau khi đạt mức cao trên 100 triệu USD vào tháng 3 và tháng 4/2022, xuất khẩu cá ngừ giảm dần trong các tháng tiếp theo. Đến tháng 8/2022, xuất khẩu cá ngừ đạt 85 triệu USD, cao hơn 74% so với cùng kỳ năm ngoái và tương đương doanh số trong tháng 7/2022. Lũy kế tới hết tháng 8/2022, xuất khẩu cá ngừ đạt gần 734 triệu USD, tăng 54% so với cùng kỳ năm trước.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phùng Đức Tiến đánh giá, thủy sản là ngành có tốc độ phát triển lớn. Chiến lược của ngành đến năm 2030 đặt mục tiêu nuôi trồng thủy sản đạt 7 triệu tấn, khai thác 2,8 triệu tấn và xuất khẩu từ 14 - 16 tỷ USD.

vnapotalbiendaovietnamngudancacdiaphuongvenbientrungdamlocbiendaunam1151581564489746-1663922967.jpg
Ảnh minh họa.

Cần xây dựng chuỗi giá trị bền vững

Nhấn mạnh về vị trí, vai trò của các hiệp hội trong việc xây dựng chuỗi giá trị ngành hàng thủy sản bền vững, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, ngành thủy sản đã chuyển nhanh, chuyển mạnh trong tư duy giảm cường lực, tăng nuôi trồng. Trong công cuộc ấy, không thể thiếu sự đồng hành của các hiệp hội ngành hàng bởi đây chính là nguồn lực trực tiếp tham gia vào chuỗi cung ứng, sản xuất.

Để phát huy hơn nữa lợi thế của ngành thủy sản cần tăng cường năng lực tham gia chuỗi ở các khâu có lợi thế cạnh tranh. Trong đó, doanh nghiệp giữ vai trò dẫn dắt hoạt động của chuỗi thông qua các cam kết về giá bán và giá thu mua nguyên liệu theo tín hiệu của thị trường, tạo tiền đề cho sự tham gia sâu rộng hơn vào chuỗi giá trị thủy sản toàn cầu.

Để phát huy hơn nữa lợi thế của ngành thủy sản cần tăng cường năng lực tham gia chuỗi ở các khâu có lợi thế cạnh tranh. Trong đó, doanh nghiệp giữ vai trò dẫn dắt hoạt động của chuỗi thông qua các cam kết về giá bán và giá thu mua nguyên liệu theo tín hiệu của thị trường, tạo tiền đề cho sự tham gia sâu rộng hơn vào chuỗi giá trị thủy sản toàn cầu.

Ông Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch Hội Nuôi biển đề xuất: "Cần xây dựng liên kết các nhà. Nhà nước quản lý quy hoạch vùng nuôi đầu tư hạ tầng. Các nhà khoa học nghiên cứu thực tế đưa ra sản phẩm khoa học chất lượng. Trên cơ sở này ngân hàng đầu tư tín dụng, bảo hiểm cho các đối tượng thủy sản chủ lực. Bên cạnh đó doanh nghiệp cung cấp đầu vào cũng đảm bảo ổn định nguyên liệu đầu vào để giảm giá thành. Cùng với đó nông dân cũng có cơ hội tiếp cận khoa học, tiếp cận được nguồn vốn, rút ngắn được khâu trung gian, qua đó cung cấp sản phẩm chất lượng an toàn cho các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu".

Ông Võ Quang Huy, Chủ tịch Hiệp hội tôm Mỹ Thanh nêu ý kiến: "Chúng tôi có doanh nghiệp nuôi biển, có các hộ nuôi biển, nhưng đầu ra rất cần đến doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu. Về lâu dài, ngành thủy sản muốn phát triển lên tầm cao mới thì cần phải trở thành chỉnh thể thống nhất. Chúng tôi đề xuất các hiệp hội ngành hàng ở Trung ương và địa phương cần tăng cường liên kết, xem xét hình thành liên đoàn thủy sản Việt Nam, hay liên hiệp hội thủy sản Việt Nam. Làm được như thế sẽ phân rõ được trách nhiệm quản lý nhà nước và của cộng đồng doanh nghiệp và ngư dân".

Tại hội thảo cũng có một số ý kiến cho rằng, hầu hết các ngành hàng đều có hiệp hội và một số hiệp hội đã phát huy tác dụng tốt trong việc đề xuất với Chính phủ về chính sách phát triển của ngành hàng. Tuy nhiên, các hiệp hội cũng cần nâng cao năng lực nhận thức cho các thành viên tham gia về lợi ích tham gia liên kết chuỗi, tăng cường cung cấp thông tin thị trường và chia sẻ cơ hội kinh doanh.

Ông Chu Hồi, Phó Chủ tịch Hội nghề cá Việt Nam cho rằng, Hội nghề cá trước tiên là phục vụ ngành thủy sản, phục vụ người dân rộng hơn nữa là quan tâm đến vấn đề ngư dân, ngư nghiệp, ngư trường…, đồng thời kiến nghị: "Cần có cam kết cụ thể để thúc đẩy hợp tác. Hội và các hiệp hội mong muốn các bên trong chuỗi trị ngồi lại với nhau để cam kết hợp tác trong 5 năm tới. Việc phối hợp có thể ký cam kết với Tổng cục Thủy sản, hoặc với từng lĩnh vực ngành hàng thủy sản, qua đó phân công trách nhiệm, cam kết để có những hành động cụ thể, yêu cầu cụ thể và có những sản phẩm cụ thể và định kỳ đánh giá kết quả. Qua đó sẽ huy động nguồn lực thực hiện và Bộ NN&PTNT cũng có thể giám sát việc thực hiện".

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng, việc phối hợp giữa các hội và hiệp hội với Bộ NN&PTNT là rất quan trọng, không chỉ huy động nguồn lực, mà còn giải quyết những khó khăn, cũng như phát huy tiềm năng lợi thế của ngành thủy sản để phát triển nhanh và bền vững, hiện thực hóa mục tiêu Chiến lược phát triển thủy sản bền vững đến năm 2030.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh: "Ngoài quản lý nhà nước thì các hiệp hội phải vào cuộc, và quyết định năng lực cạnh tranh của ngành thủy sản phải là các doanh nghiệp. Các hội, hiệp hội phải đồng hành và gắn với các doanh nghiệp trong từng ngành".

Thi Nguyên (t/h)