Tổng kết quý 3 xuất khẩu nông lâm thủy sản thu về 40,79 tỷ USD

9 tháng đầu năm 2022, nông nghiệp vẫn đạt tăng trưởng khá. Năng suất, sản lượng nhiều sản phẩm chủ lực tăng, đảm bảo đủ nguồn cung lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu, góp phần vào tăng trưởng chung của kinh tế cả nước.

Đó là những thông tin nổi bật được chia sẻ chiều 03/10, tại buổi Họp báo định kỳ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) tháng 9/2022 do Thứ trưởng Bộ NN&PTNT  Phùng Đức Tiến chủ trì, cùng dự có lãnh đạo Văn phòng Bộ và các đơn vị thuộc Bộ.

Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng của khu vực nông, lâm, thủy sản 9 tháng ước đạt 2,99% so với cùng kỳ 2021. Trong đó, nông nghiệp tăng khoảng 2,43%, lâm nghiệp tăng 5,2% và thủy sản tăng 4,43%. Tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản 3 quý ước khoảng 40,79 tỷ USD, tăng 15,2% so với cùng kỳ năm trước.

Hiện có 7 sản phẩm/nhóm sản phẩm đạt giá trị xuất khẩu trên 2 tỷ USD (cà phê, cao su, gạo, rau quả, điều, tôm, sản phẩm gỗ). Nhiều mặt hàng đạt giá trị xuất khẩu cao hơn cùng kỳ năm trước, như: Cà phê gần 3,1 tỷ USD (tăng 37,6%); cao su trên 2,3 tỷ USD (tăng 7,8%); gạo trên 2,6 tỷ USD (tăng 9,3%); hồ tiêu khoảng 774 triệu USD (tăng 7,7%); sắn và sản phẩm sắn trên 1,0 tỷ USD (tăng 21,0%), cá tra trên 1,9 tỷ USD (tăng 83,3%), tôm gần 3,5 tỷ USD (tăng 24,8%), gỗ và sản phẩm gỗ trên 12,4 tỷ USD (tăng 11,4%); mây, tre, cói thảm 654 triệu USD (tăng 3,4%), phân bón các loại 900 triệu USD (tăng 170,4%); thức ăn gia súc và nguyên liệu 861 triệu USD (tăng 9,7%). 

che-bien-ns-1664844204.jpg
Những tín hiệu khả quan trong xuất khẩu nông, lâm, thủy sản 9 tháng đầu năm đã đóng góp quan trọng vào tăng trưởng GDP. (Nguồn ảnh: Internet)

Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất, đạt trên 10,5 tỷ USD (chiếm 25,8% thị phần. Đứng thứ 2 là thị trường Trung Quốc khoảng 7,4 tỷ USD (chiếm 18,2% thị phần); thứ 3 là thị trường Nhật Bản với giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt trên 3,1 tỷ USD (chiếm 7,6%); thứ 4 là thị trường Hàn Quốc với giá trị xuất khẩu đạt trên 1,9 tỷ USD (chiếm 4,7%).

Thị trường xuất khẩu nông lâm thủy sản 9 tháng: các thị trường thuộc khu vực châu Á chiếm 43,7% thị phần; châu Mỹ chiếm 28,3%; châu Âu chiếm 11,6%; châu Đại Dương  chiếm 1,7% và châu Phi chiếm 1,7%.

Theo thứ trưởng Tiến, tình hình thế giới thời gian qua có nhiều biến động như: xung đột Nga - Ukraine, lạm phát tại các quốc gia phương Tây, đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu... nhiều mặt hàng như thịt lợn, giá lương thực tăng cao đã ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người dân, cũng như rổ hàng hóa CPI. Tổ chức canh tác nông nghiệp một cách bền vững vừa giúp ổn định kinh tế vĩ mô, vừa giúp đảm bảo an ninh, quốc phòng.

Theo Bộ NN&PTNT, chỉ còn 3 tháng là hết năm 2022, nhằm hướng đến mục tiêu tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 50 tỷ USD trong năm nay, Bộ sẽ tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại ngành, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất, kinh doanh, hướng dẫn, định hướng các địa phương nhất là các vùng trọng điểm về sản xuất lúa gạo, chăn nuôi, thủy sản có kế hoạch sản xuất phù hợp với nhu cầu của thị trường. 

Bên cạnh việc đẩy mạnh xúc tiến thương mại quốc tế, mở cửa thị trường, ở thị trường trong nước tập trung phát triển đa dạng các kênh tiêu thụ lương thực, thực phẩm; bảo đảm nguồn cung và ổn định giá thực phẩm, giá thịt lợn để góp phần giữ chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong ngưỡng cho phép, nhất là dịp Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023.

Thứ trưởng Tiến khẳng định sẽ tăng cường các giải pháp về thị trường để bảo đảm mục tiêu mà Thủ tướng Chính phủ giao cho ngành nông nghiệp trong năm nay.

Lãnh đạo Bộ NN&PTNT đánh giá kết quả của ngành nông nghiệp trong 9 tháng đầu năm đã đóng góp quan trọng vào tăng trưởng GDP, góp phần vào ổn định kinh tế vĩ mô.

Khánh Ngân