World Bank cam kết khoản vay 350 triệu USD để thực hiện đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao

WB đã cam kết khoản vay 350 triệu USD cho Việt Nam để thực hiện Đề án “phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL”. Ngoài ra, World Bank sẽ cam kết huy động 40 triệu USD bằng tín chỉ Carbon để hỗ trợ cho người nông dân tham gia đề án 1 triệu ha lúa.
trong-lua-chat-luong-cao-giam-phat-thai-3-1721916796.jpg
Đề án Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp đóng góp cho việc giải quyết các thách thức của biến đổi khí hậu ở Việt Nam và thế giới. (Ảnh minh họa)

Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL được triển khai tại 12 tỉnh, thành trong vùng. Diện tích thí điểm 50 ha triển khai tại HTX nông nghiệp và dịch vụ Tiến Thuận, TP. Cần Thơ đã chứng minh giảm phát thải khí nhà kính từ 2 - 6 tấn/ha, lợi nhuận của người dân tăng cao. Đây là bước khởi đầu quan trọng để Bộ NN&PTNT đánh giá, triển khai nhân rộng ra các địa phương trong vùng ĐBSCL.

Chứng kiến cánh đồng thí điểm 50 ha thu hoạch tại Cần Thơ, ông Li Guo - Chuyên gia cao cấp về kinh tế nông nghiệp, Ngân hàng Thế giới (World Bank) đánh giá cao mô hình thí điểm, khi bước đầu đã mang lại kết quả tích cực. Hiện nay, World Bank đang phối hợp với Bộ NN&PTNT và Viện Nghiên cứu lúa gạo Quốc tế (IRRI) để cung cấp nguồn tiền, kỹ thuật để giúp cho Việt Nam triển khai thí điểm Đề án “phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL”.

trong-lua-chat-luong-cao-giam-phat-thai-4-1721916865.jpg
Ngân hàng Thế giới cam kết 40 triệu USD bằng tín chỉ Carbon trong đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao. (Ảnh minh họa)

Theo ông Li Guo, Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL” được triển khai được đánh giá có 3 mục tiêu chính. Thứ nhất là giúp cho người dân tăng thu nhập từ trồng lúa. Thứ hai là tăng cường tính cạnh tranh của chuỗi giá trị ngành lúa gạo Việt Nam. Thứ ba là đóng góp cho việc giải quyết các thách thức của biến đổi khí hậu ở Việt Nam và thế giới.

Ngân hàng Thế giới đánh giá cao Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao ở vùng ĐBSCL. Đề án ngoài việc đặt mục tiêu tăng năng suất, tăng thu nhập cho người nông dân trồng lúa thì còn có mục tiêu là giảm phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực sản xuất lúa tại Việt Nam.

Ông Li Guo cũng cho biết, Ngân hàng Thế giới đã cam kết khoản vay 350 triệu USD cho Việt Nam để thực hiện đề án “phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL”. Ngoài khoản vay 350 triệu USD, World Bank sẽ cam kết huy động 40 triệu USD bằng tín chỉ Carbon để hỗ trợ cho người nông dân tham gia đề án 1 triệu ha lúa.

trong-lua-chat-luong-cao-giam-phat-thai-1-1721916914.jpg
Từ dự án chuyển đổi Nông nghiệp bền vững tại Việt Nam (VnSAT) triển khai trên cây lúa tại Việt Nam đã chứng minh giảm phát thải khí nhà kính 1,5 triệu tấn trên diện tích 200.000 ha của dự án VnSAT. (Ảnh minh họa)

Chuyên gia cao cấp về kinh tế nông nghiệp, Ngân hàng Thế giới ông Li Guo nhấn mạnh, từ dự án chuyển đổi Nông nghiệp bền vững tại Việt Nam (VnSAT) triển khai trên cây lúa tại Việt Nam đã chứng minh giảm phát thải khí nhà kính 1,5 triệu tấn trên diện tích 200.000 ha của dự án VnSAT.

“Để có thể thụ hưởng được 40 triệu USD bằng tín chỉ Carbon, Đề án thí điểm sẽ phải chứng minh thực hiện cam kết về giảm phát thải. Hiện nay, World Bank đang làm việc với Bộ NN&PTNT cùng với IRRI, xây dựng phương pháp đo giảm phát thải MRV và các công cụ để thu thập dữ liệu. Số tiền 40 triệu USD là do một nhà tài trợ quốc tế góp vào cùng với Ngân hàng thế giới để hỗ trợ cho dự án, cho nên Việt Nam sẽ phải thu thập được dữ liệu để chứng minh giảm phát thải, được chuyển đổi thành tín chỉ Carbon”, ông LiGuo nêu./.

Bình Nguyên