Phải coi doanh nghiệp là trung tâm trong chuyển đổi xanh với chính sách hỗ trợ minh bạch

Theo phân tích của các chuyên gia, nhận thức về chuyển đổi xanh của Việt Nam ngày càng được nâng lên, từ ý tưởng đã biến thành những hành động cụ thể. Nhiều doanh nghiệp trong nước đã chủ động đổi mới, đẩy mạnh chuyển đổi mô hình theo chiều sâu, gắn với phát triển bền vững, thân thiện với môi trường.

Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm, giai đoạn 2021 - 2030 đã đề ra định hướng lớn là phải đổi mới tư duy và hành động, chủ động nắm bắt kịp thời, tận dụng hiệu quả Cách mạng công nghiệp 4.0 gắn với hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng để cơ cấu lại nền kinh tế, phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, xã hội số.

chuyen-doi-xanh-02-1714180735.jpg
Nhận thức về chuyển đổi xanh của doanh nghiệp Việt Nam ngày càng được nâng lên, từ ý tưởng đã biến thành những hành động cụ thể. (Ảnh minh họa)

Hạn chế về nguồn lực trong thực hiện chuyển đổi xanh

Mặc dù đã đạt được những kết quả bước đầu, nhưng việc đẩy mạnh phát triển kinh tế xanh của nước ta còn nhiều vấn đề đặt ra. Trong đó, khó khăn thách thức là rất lớn, khi nguồn lực còn hạn chế.

Hiện nay, cơ chế, chính sách của nước ta chưa khuyến khích được các thành phần kinh tế đầu tư cho chuyển đổi xanh và phát triển bền vững. Hạ tầng công nghệ thông tin chưa hoàn thiện, trong khi nguồn nhân lực công nghệ mới chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển.

Quy mô doanh nghiệp của nước ta chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa nên việc đầu tư công nghệ gặp nhiều khó khăn. Một trong những khó khăn trong quá trình này là nguồn tài chính xanh để đầu tư phát triển còn hạn chế và chậm được khắc phục.

“Yếu tố đầu tiên là ổn định nền kinh tế và cải thiện môi trường kinh doanh, gỡ bỏ các rào cản kinh doanh trong các lĩnh vực. Đó là yếu tố then chốt, sau đó mới đến có những giải pháp hỗ trợ mang tính chọn lọc đối với một số ngành, một số lĩnh vực. Hiện nay chúng ta có quá nhiều chính sách nhưng khi triển khai thì kém hiệu quả và rất tản mạn”, TS. Đặng Thế Anh, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương chỉ rõ.

chuyen-doi-xanh-01-1714180797.jpg
Nhiều doanh nghiệp vẫn còn loay hoay vì thiếu thông tin là chuyển đổi để sản xuất xanh. (Ảnh minh họa)

Với mục tiêu trở thành nước đang phát triển, công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và trở thành nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045, Việt Nam cần tiếp tục duy trì tăng trưởng cao và liên tục trong những thập niên tới. Trong bối cảnh dư địa cho tăng trưởng theo phương thức truyền thống, dựa chủ yếu trên mở rộng quy mô lao động giá rẻ và vốn, hoặc gia tăng khai thác tài nguyên thiên nhiên, đã trở nên hạn hẹp, thì năng suất lao động chính là yếu tố quyết định năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, từng địa phương và của khu vực doanh nghiệp.

“Chúng ta rất cần đầu tư về khoa học công nghệ, đặc biệt là phải đổi mới công nghệ để không những giúp cho chính sách được triển khai phù hợp thực tế, mà còn tạo điều kiện cho doanh nghiệp tự chủ động đổi mới công nghệ. Doanh nghiệp có thể là vị trí trung tâm, nhưng song song với doanh nghiệp thì cần sự hỗ trợ của cộng đồng, của các viện nghiên cứu và các trường đại học, các nhà làm chính sách và các nguồn vốn để hỗ trợ”, ông Chử Đức Hoàng, Chánh Văn phòng Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia, thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ nhấn mạnh.

Để đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng "0", bên cạnh các nhóm giải pháp kỹ thuật cụ thể được đưa ra thì Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 cũng đã quy định rõ về vai trò, trách nhiệm của cộng đồng doanh nghiệp phải tham gia thực hiện giảm phát thải khí nhà kính theo lộ trình.

Theo đó các quy định về kiểm kê phát thải khí nhà kính phải thực hiện từ năm 2023. Bên cạnh đó, các cơ chế hỗ trợ thực hiện nghĩa vụ giảm phát thải thông qua sàn giao dịch tín chỉ carbon, cơ chế bù trừ tín chỉ carbon... sẽ được áp dụng thử nghiệm từ năm 2025, nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp đạt được mục tiêu giảm phát, chuyển đổi xanh, hướng đến nền sản xuất bền vững của mình.

Ông Ngô Ngọc Khánh - Phó Chủ tịch thường trực Liên minh Hỗ trợ công nghiệp Việt Nam cho biết, các doanh nghiệp Việt Nam cũng cần phải xác định tầm nhìn mới và khẩn chương chuyển mình trong công tác chống biến đổi khí hậu.

Cũng theo ông Khánh, việc đạt được tính bền vững là một hành trình dài và đầy thách thức, mỗi doanh nghiệp cần vạch ra lộ trình rõ ràng và cụ thể để tối ưu nguồn lực và nắm bắt cơ hội. Việc thực hiện kiểm kê khí thải nhà kính được xem là nền tảng quan trọng giúp doanh nghiệp nhận định số liệu phát thải của bản thân, từ đó làm cơ sở để nhà quản trị hoạch định chiến lược giảm phát thải bền vững.

Doanh nghiệp cần những chính sách rõ ràng để đẩy mạnh tăng trưởng xanh

Chuyển đổi xanh nền kinh tế đang là xu hướng chuyển dịch tất yếu vì thế giới đang đối mặt với nhiều vấn đề môi trường, biến đổi khí hậu. Xu thế này không chỉ là cơ hội mà còn là thách thức lớn với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.

Những rào cản chính đối với doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi mô hình sản xuất từ “nâu” sang “xanh” được chỉ ra như: Sự bất định khi đầu tư vào công nghệ; năng lực đổi mới phản ánh qua chất lượng quản lý còn yếu kém; lực lượng lao động thiếu những kỹ năng cần thiết. Trong quá trình chuyển đổi đó, sự nỗ lực của doanh nghiệp là rất quan trọng, nhưng chính sách hỗ trợ doanh nghiệp cũng cần rõ ràng, minh bạch và phải coi doanh nghiệp là trung tâm. Việc hỗ trợ doanh nghiệp thiết thực và hiệu quả sẽ góp phần cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao khả năng cạnh tranh của nền kinh tế và giúp Việt Nam “bắt kịp, tiến cùng và vượt lên” các quốc gia trong khu vực.

“Tiêu chí phân loại xanh của Việt Nam hiện nay được xây dựng hài hòa với tiêu chuẩn của châu Âu và hài hòa với quy định của Ngân hàng Thế giới cũng như AFC và các tổ chức tài chính khí hậu khác. Vì vậy, nếu doanh nghiệp đáp ứng được các tiêu chí xanh của Việt Nam thì cũng sẽ đáp ứng được tiêu chí xanh của các tổ chức tài chính trên thế giới. Đây là cơ hội để các doanh nghiệp tiếp cận với nguồn tài chính xanh toàn cầu”, PGS. TS. Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện chiến lược, chính sách tài nguyên và môi trường nêu ý kiến.

Các chuyên gia cũng cho rằng, kinh tế số và kinh tế xanh sẽ giúp Việt Nam sớm trở thành nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045. Để nắm bắt cơ hội đang mở ra phía trước, cần có chiến lược quốc gia về chuyển đổi xanh với những mục tiêu, lộ trình cụ thể và đồng bộ. Trong bối cảnh hội nhập kinh tế toàn cầu, các doanh nghiệp Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong việc đáp ứng các yêu cầu khắt khe về phát triển xanh và bền vững từ các nhà đầu tư, đối tác, các thị trường quốc tế và người tiêu dùng. Doanh nghiệp, cần đổi mới tư duy, đầu tư công nghệ vào sản xuất, kinh doanh để nâng cao năng lực cạnh tranh. Nếu quá trình chuyển đổi xanh diễn ra càng chậm, doanh nghiệp càng mất đi cơ hội gia tăng xuất khẩu.

chuyen-doi-xanh-03-1714180835.jpg
Cần có chính sách thúc đẩy các doanh nghiệp trong từng lĩnh vực đẩy nhanh quá trình chuyển đổi xanh, đạt mục tiêu chung của quốc gia.(Ảnh minh họa)

Theo ông Châu Minh Nguyện, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đồng Nai, một vấn đề đang được cộng đồng doanh nghiệp quan tâm hiện nay nhưng vẫn còn loay hoay vì thiếu thông tin là chuyển đổi để sản xuất xanh. “Thực tế, chúng tôi đã nghe nói nhiều về các chương trình chuyển đổi xanh, chuyển đổi số cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, chưa thấy những tiêu chí, quy định và các chương trình hỗ trợ cụ thể nào. Thời gian tới, các sở, ngành có liên quan cần phối hợp với hiệp hội doanh nghiệp để triển khai đến cộng đồng doanh nghiệp nhiều hơn”, ông Châu Minh Nguyện chia sẻ.

GS.TS Nguyễn Văn Phước, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật TP HCM cho rằng, doanh nghiệp là nhóm đóng vai trò tiên phong trong quá trình chuyển đổi năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính, đóng vai trò then chốt để triển khai thành công cam kết đạt phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050.

Để hỗ trợ doanh nghiệp, ông Phước đề xuất các cơ quan xây dựng chính sách cần xây dựng cơ chế hỗ trợ các ngành. Mục tiêu cuối cùng là thúc đẩy các doanh nghiệp trong từng lĩnh vực đẩy nhanh quá trình chuyển đổi, đạt mục tiêu chung của quốc gia.

Việc xây dựng nền kinh tế xanh có ba mục tiêu. Đầu tiên là phát triển kinh tế, tức cần tái cơ cấu lại hoạt động kinh tế và cơ sở hạ tầng để thu được kết quả tốt hơn từ các khoản đầu tư cho tài nguyên, nhân lực và tài chính. Thứ hai là bảo vệ môi trường, tức giảm phát thải khí nhà kính, ứng phó với biến đổi khí hậu, khai thác và sử dụng ít tài nguyên thiên nhiên hơn, tạo ra ít chất thải hơn. Cuối cùng là góp phần xóa đói, giảm nghèo, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững và giảm sự mất công bằng trong xã hội.

Trong khi đó, việc chuyển đổi công nghiệp xanh có thể giúp ngành quy hoạch theo hướng đồng bộ, hiện đại, thu hút FDI; tham gia chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu, giải quyết việc làm, phát triển kinh tế; phát triển đô thị; thúc đẩy liên kết ngành và liên kết vùng; mở rộng quan hệ ngoại giao.../.

Bình Nguyên