Quảng cáo #128

OCOP Đắk Lắk đánh thức các tiềm năng, thế mạnh và lan tỏa giá trị văn hóa từ mỗi buôn làng

Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã đánh thức các tiềm năng, thế mạnh riêng biệt của những sản phẩm đặc trưng của từng vùng miền, từng cộng đồng dân cư. Sản phẩm OCOP không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế mà còn góp phần đưa hình ảnh tươi đẹp, con người giàu bản sắc ở buôn làng Tây Nguyên đến với bạn bè trong nước và quốc tế.
ocop-cua-tinh-dak-lak-2-1735372181.jpg
Đến nay, Đắk Lắk đã công nhận cho 240 sản phẩm đạt từ 3 đến 4 sao của 92/184 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh. (Ảnh minh họa)

Đề án OCOP của tỉnh Đắk Lắk xác định có 84 nhóm sản phẩm nông nghiệp chủ lực

Theo Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh Đắk Lắk, là tỉnh miền núi nhưng Đắk Lắk được thiên nhiên ưu đãi với nguồn tài nguyên đất, nước, khí hậu ôn hòa… thích hợp cho việc phát triển sản xuất nhiều loại cây trồng, vật nuôi.

Với diện tích đất sản xuất nông nghiệp là hơn 627 nghìn ha, trong đó có hơn 298 nghìn ha đất đỏ bazan màu mỡ, thuận lợi cho việc phát triển các loại cây cà-phê, cao-su, hồ tiêu, điều, ca-cao và một số loại cây ăn quả chủ lực như bơ, sầu riêng, cam, quýt, vải thiều, chôm chôm… ngành nông nghiệp Đắk Lắk đã đặt ra định hướng phát triển nông nghiệp tập trung vào các sản phẩm chủ lực này.

Do vậy, bước đầu Đề án OCOP của tỉnh Đắk Lắk xác định có 84 nhóm sản phẩm nông nghiệp chủ lực, trong đó, nhóm thực phẩm có: tiêu, bơ, sầu riêng, cam, quýt, các loại rau quả; mật ong, heo thịt, cá tầm, cá lăng đuôi đỏ, chả cá thác lác… Sản phẩm đồ uống có: cà-phê và các sản phẩm của cà-phê, ca-cao và các sản phẩm ca-cao, trà thảo mộc, trà mãng cầu, hạt mắc-ca, rượu mắc-ca, chanh dây… Nhóm thảo dược có: tinh bột nghệ, thuốc Ama Kông, tinh dầu sả. Nhóm vải và may mặc có: vải thổ cẩm. Nhóm trang trí-nội thất-lưu niệm có các khu du lịch: Buôn Ko Tam, Trob Bư, cụm du lịch thác Thủy Tiên, du lịch cầu treo Buôn Đôn …

ocop-cua-tinh-dak-lak-3-1735372165.jpg
Bà H’Yam Bkrông, Gám đốc HTX dệt thổ cẩm Tơng Bông giới thiệu sản phẩm của HTX. (Ảnh CTV)

Tại Hợp tác xã Dệt thổ cẩm Tơng Bông (buôn Tơng Jú, xã Ea Kao, thành phố Buôn Ma Thuột) được biết đến với sản phẩm thổ cẩm dệt tay theo phong cách truyền thống bao đời nay của người Ê Đê. Trên các sản phẩm váy, áo, khăn… của hợp tác xã luôn toát lên sự tinh xảo với hoạ tiết, hoa văn… đặc trưng của đồng bào Tây Nguyên nói chung và của dân tộc Ê Đê nói riêng, đây cũng là yếu tố làm nên thương hiệu của hợp tác xã. Đặc biệt, năm 2023 váy truyền thống Ê Đê của hợp tác xã đạt OCOP 3 sao đã góp phần nâng tầm giá trị sản phẩm, được nhiều du khách trong nước, đối tác nước ngoài biết đến và đặt hàng.

Bà H’Yam Bkrông, Giám đốc Hợp tác xã Dệt thổ cẩm Tơng Bông vui mừng chia sẻ: Buôn Tơng Jú là điểm đến du lịch cộng đồng; xã Ea Kao đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; sản phẩm của hợp tác xã đạt OCOP 3 sao… cộng hưởng các yếu tố trên đã hỗ trợ tích cực cho hoạt động của hợp tác xã.

Đặc biệt, khi sản phẩm đạt OCOP rất thuận lợi trong việc giới thiệu, quảng bá. Nhờ vậy, không chỉ có khách trong nước đặt hàng mà còn có các đoàn khách đến từ nhiều nước như: Pháp, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản… đến tham quan tìm hiểu và đặt mua sản phẩm.

“Riêng năm 2023 doanh thu của hợp tác xã đạt 2 tỷ đồng. Đến nay, hợp tác xã đang tạo việc làm ổn định cho hơn 45 lao động là người Ê Đê với mức thu nhập khoảng 3-5,5 triệu đồng/tháng. Trong thời gian tới, hợp tác xã tiếp tục nâng cao chất lượng, nâng hạng OCOP, tăng cường giới thiệu sản phẩm để phát triển sản xuất. Điều này không chỉ giúp cải thiện kinh tế mà còn đưa hình ảnh, nét đẹp văn hóa của người Ê Đê đến với bạn bè trong nước và quốc tế,” bà H’Yam Bkrông chia sẻ.

Quyết liệt thực hiện các giải pháp đưa sản phẩm OCOP tiếp tục vươn xa

Sau 6 năm triển khai, Chương trình OCOP đã tạo sự lan tỏa mạnh mẽ, rộng khắp tại các địa phương trong tỉnh. Đến nay, Đắk Lắk đã công nhận cho 240 sản phẩm đạt từ 3 đến 4 sao của 92/184 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Các sản phẩm OCOP đã nhanh chóng khẳng định vị thế, được thị trường đón nhận tích cực, giúp người nông dân mở rộng quy mô sản xuất, tăng giá trị sản phẩm, từ đó góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập, đời sống của nhân dân và thực hiện hiệu quả nhóm tiêu chí “kinh tế và tổ chức sản xuất” trong bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Lắk, các sản phẩm đạt 4 sao đều có tiềm năng hoàn thiện các tiêu chí, nâng cấp chất lượng và đạt chuẩn 5 sao (cấp quốc gia) như: Càphê, cacao, mắcca... đây đều là những sản phẩm có nhiều tiềm năng, thế mạnh, mang đặc trưng của đồng bào Tây Nguyên và đang tham gia vào thị trường quốc tế. Qua chương trình OCOP, tỉnh đã phát hiện nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm nông nghiệp và hướng đến việc tăng cường xuất khẩu đến các thị trường nước ngoài.

Ông Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Lắk, cho rằng bên cạnh những kết quả tích cực, qua thời gian triển khai cho thấy giải pháp hỗ trợ đối với chủ thể của các sản phẩm OCOP vẫn chưa thực sự được quan tâm, đặc biệt trong nâng cao năng lực quản trị, chế biến và thương mại.

Quy mô sản phẩm OCOP của các chủ thể còn khiêm tốn, xúc tiến thương mại còn manh mún, thiếu tính đồng bộ, chưa tạo được điểm nhấn để tạo dựng hình ảnh, giá trị thương mại, thay đổi nhận thức của người tiêu dùng đối với sản phẩm OCOP. Do đó, để đưa sản phẩm OCOP tiếp tục vươn xa, trong thời gian tới cần phải quyết liệt khắc phục những tồn tại, hạn chế trên.

ocop-cua-tinh-dak-lak-4-1735372284.jpg
Sản phẩm OCOP Đắk Lắk từng bước khẳng định thương hiệu trên thị trường.(Ảnh minh họa)

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Thiên Văn nhận định việc triển khai chương trình OCOP có ý nghĩa to lớn trong phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Đắk Lắk nói riêng và khu vực Tây Nguyên nói chung. Chương trình nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của mỗi địa phương, phát triển các sản phẩm có chất lượng, tăng khả năng cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước và hội nhập kinh tế quốc tế.

"Để tiếp tục phát triển các sản phẩm OCOP, nhất là ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số rất cần sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị trong tuyên truyền và đẩy mạnh xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm OCOP; kết nối sản phẩm OCOP của tỉnh với các sàn thương mại điện tử. Mặt khác, xây dựng các điểm bán hàng OCOP trên địa bàn tỉnh và cả nước. Đồng thời, tăng cường quản lý chất lượng sản phẩm OCOP; hỗ trợ phát triển các sản phẩm mới là các sản phẩm chủ lực, đặc sản truyền thống của địa phương; khuyến khích các cơ sở sản xuất mở rộng quy mô, ứng dụng công nghệ mới trong chế biến và bảo quản... từng bước gia tăng giá trị của sản phẩm OCOP", ông Nguyễn Thiên Văn nhấn mạnh./.

Mục tiêu đến năm 2025, tỉnh Đắk Lắk lũy kế có hơn 65% số xã (100 xã) đạt chuẩn nông thôn mới và có 4 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới, 30% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Tiếp tục duy trì, củng cố, nâng cấp chất lượng cho các sản phẩm đã được cấp chứng nhận OCOP; phấn đấu mỗi năm có khoảng 50 sản phẩm đạt sao OCOP cấp tỉnh, đến năm 2025 nâng cấp, chuẩn hóa, hoàn thiện khoảng 250 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên, có ít nhất 3 sản phẩm đạt 5 sao OCOP quốc gia;, đồng thời tăng cường ứng dụng các giải pháp số (công nghệ 4.0) trong sản xuất, thương mại sản phẩm, ứng dụng khoa học kỹ thuật, phát triển nguồn nhân lực cho OCOP và bán hàng…

Tuy nhiên, một số yêu cầu thực tiễn đặt ra đối với đóng góp chương trình OCOP trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 ở Đắk Lắk là: Phát triển sản xuất nông nghiệp hiện đại, nâng cao giá trị gia tăng, ứng phó với biến đổi khí hậu, nâng cao thu nhập người dân theo hướng bền vững, trong đó chú trọng khai thác được lợi thế của mỗi địa phương; bảo vệ môi trường và xây dựng cảnh quan nông thôn sáng - xanh - sạch -đẹp; phát triển giáo dục, y tế, văn hóa cơ sở và bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống gắn với phát triển kinh tế du lịch nông thôn.

Bình Nguyên