Nuôi thủy sản xen canh kết hợp trồng lúa giúp nông dân 'bỏ túi' từ 80 đến 100 triệu đồng

Tại Kiên Giang, qua hơn 3 năm áp dụng mô hình nuôi xen canh thủy sản (tôm sú, tôm thẻ, tôm càng xanh, cua biển) kết hợp với sản xuất một vụ lúa theo quy trình an toàn sinh học của nông dân vùng U Minh Thượng cho thấy hiệu quả kinh tế khá cao và mang tính phát triển bền vững. Lợi nhuận từ 80-100 triệu đồng là mức phổ biến của hầu hết nông dân áp dụng mô hình trên.
mo-hinh-thuy-san-xen-lua-kien-giang-3-1727513103.jpg
Nông dân Kiên Giang chuẩn bị sản xuất lúa vụ mùa 2024 - 2025 trên nền đất nuôi tôm nước lợ. (Ảnh minh họa)

Hiệu quả từ mô hình nuôi thủy sản xen canh kết hợp trồng 1 vụ lúa

Hơn nửa tháng nay, nông dân các huyện vùng U Minh Thượng (Kiên Giang) như An Biên, An Minh, U Minh Thượng, Vĩnh Thuận tiến hành thu hoạch dứt điểm vụ tôm càng xanh năm 2024. Hiện giá tôm càng xanh đang ở mức cao giúp nông dân có thêm chi phí đầu tư cho việc gieo, cấy lúa vụ mùa 2024-2025.

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện An Biên, tổng diện tích thả giống tôm của huyện năm 2024 là 25.332,3ha, trong đó 21.570ha tôm - lúa; riêng diện tích nuôi tôm càng xanh hơn 330ha, tập trung ở các xã Đông Yên, Đông Thái và Hưng Yên.

Một số nông dân nuôi tôm càng xanh cho biết năng suất tôm càng xanh năm nay đạt bình quân 350kg/ha, cao hơn 20% so cùng kỳ năm 2023. Tuy nhiên, do tôm chậm lớn nên chi phí đầu tư tăng từ 10-15%, trong đó giá bán tôm cỡ 12 con/kg là 120.000 đồng/kg, cao hơn cùng kỳ 20.000 đồng/kg. Tôm càng xanh loại xô bắt hết vuông giá 80.000 đồng/kg, tương đương giá cùng kỳ năm 2023. Mức giá này thấp hơn thời điểm tháng 4-2024 khoảng 30.000-40.000 đồng/kg cùng loại, cùng kích cỡ. Với mức giá này, bình quân nông dân có lãi 20 triệu đồng/ha.

Theo ông Nguyễn Văn Hận, ngụ ấp Cái Nước Ngọn, xã Đông Yên (An Biên), tôm càng xanh được nông dân thả nuôi vào đầu vụ tôm, thả xen với tôm sú, cua xanh. Do thời gian nuôi khoảng 6-8 tháng mới thu hoạch nên thường đến cuối vụ tôm thì tát cạn vuông và thu hoạch một lần.

“Nhà tôi có diện tích hơn 3ha chuyển qua nuôi tôm quảng canh từ năm 2016. Hàng năm tôi thả xen tôm càng xanh với tôm sú, cuối vụ nuôi bắt hơn 1 tấn tôm lãi 70-80 triệu đồng. Nhờ vậy mà gia đình tôi khấm khá hơn, vừa mua thêm được 8 công đất ruộng”, ông Hận nói.

mo-hinh-thuy-san-xen-lua-kien-giang-2-1727513171.jpg
Ông Đỗ Trần Thịnh, Tỉnh ủy viên - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Kiên Giang thăm mô hình nuôi tôm xen lúa tại xã Đông Yên, huyện An Biên.(Ảnh minh họa)

Theo ông Phan Thanh Tùng, Phó Giám đốc Hợp tác xã Ngã Bát (xã Đông Hưng B, huyện An Minh) hợp tác xã được thành lập từ năm 2017 với 8 thành viên, đến năm 2020 mở rộng với 30 thành viên tham gia đến nay.

Hợp tác xã hoạt động chủ yếu lĩnh vực cung ứng con giống, vật tư nông nghiệp và tiêu thụ nông sản của nông dân. Hiện tại hợp tác xã làm dịch vụ cho hơn 450 nông dân trong và ngoài xã với diện tích hơn 1.200ha; trong đó, có hơn 400ha được nông dân áp dụng mô hình nuôi thủy sản xen canh kết hợp trồng 1 vụ lúa theo quy trình an toàn sinh học.

"Hợp tác xã ký hợp đồng với các đơn vị cung ứng tôm giống, vật tư nông nghiệp với mức giá rẻ hơn so với thị trường từ 10% vì không qua các trung gian và chất lượng sản phẩm được kiểm tra, kiểm nghiệm nghiêm ngặt, đúng quy định để đảm bảo cung ứng, giúp nông dân sản xuất đạt hiệu quả. Cùng với đó, hợp tác xã cũng phối hợp với ngành chuyên môn tập huấn, hướng dẫn quy trình, kỹ thuật cải tạo vuông nuôi, bảo vệ, chăm sóc tôm, cua, lúa đạt các tiêu chuẩn xuất khẩu để cung ứng cho các doanh nghiệp với giá cao hơn mô hình sản xuất thông thường từ 5-10%," ông Tùng chia sẻ.

Xã Đông Hòa, huyện An Minh, là địa phương có nhiều nông dân áp dụng mô hình nuôi xen canh tôm sú, tôm thẻ, tôm càng xanh với cua biển theo quy trình an toàn sinh học với tổng diện tích hơn 1.200ha.

Áp dụng quy trình an toàn sinh học và liên kết phát triển bền vững

Theo ông Nguyễn Thanh Điền, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện An Minh, huyện có diện tích nuôi trồng thủy sản hơn 47.000ha. Trong số đó, sản xuất theo mô hình tôm-lúa 39.000ha, diện tích canh tác tôm lấp lại vụ lúa trên 25.000, nuôi chuyên thủy sản hơn 7.000ha. Sản lượng tôm sú, tôm thẻ và tôm càng xanh thu hoạch được từ đầu năm 2024 đến nay gần 30.000 tấn, đạt trên 75% kế hoạch năm.

Đến nay, huyện đã triển khai mô hình nuôi xen tôm sú, tôm thẻ, tôm càng, cua biển kết hợp 1 vụ lúa theo quy trình an toàn sinh học đến tất cả các xã, thị trấn trong huyện.

Điểm đặc biệt của quy trình nuôi này chính là sử dụng chế phẩm sinh học (còn gọi là men vi sinh) có công dụng cung cấp khoáng chất vào môi trường ao nuôi thủy sản hoặc có thể trộn với thức ăn giúp tăng sức đề kháng cho các loại thủy sản, đồng thời tạo thức ăn tự nhiên trong ao nuôi.

"Việc triển khai thành công quy trình nuôi xen tôm sú, tôm thẻ, tôm càng xanh, cua biển kết hợp với trồng lúa theo quy trình an toàn sinh học làm cơ sở cho định hướng việc phát triển nuôi đa dạng các đối tượng trên vùng quy hoạch tôm-lúa, nuôi trồng thủy sản theo quy mô lớn, tập trung; gắn kết thị trường tiêu thụ, phát huy hiệu quả lợi thế của địa phương, nâng cao năng suất, giá trị sản phẩm và bảo vệ môi trường sinh thái," ông Điền cho hay.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Kiên Giang, 8 tháng năm 2024 tổng diện tích nuôi trồng thủy sản của tỉnh hơn 280.000 ha, đạt trên 95% kế hoạch năm 2024.

Trong số đó, tôm nước lợ hơn 140.000 ha, đạt trên 100% kế hoạch, gồm tôm-lúa, tôm quảng canh cải tiến và nuôi tôm công nghiệp-bán công nghiệp. Tổng sản lượng nuôi trồng thủy sản 8 tháng hơn 200.000 tấn, đạt trên 65% kế hoạch năm 2024.

mo-hinh-thuy-san-xen-lua-kien-giang-4-1727513089.jpg
Kiên Giang định hướng phát triển mô hình lúa tôm hữu cơ để ứng phó bão hạn mặn. (Ảnh minh họa)

Ông Trần Công Danh, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Kiên Giang cho biết, UBND tỉnh Kiên Giang đã có quyết định về quy mô diện tích tham gia Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao với diện tích 200.000ha, địa bàn triển khai tại 12 huyện, thành phố của tỉnh.

Quá trình thực hiện sẽ được phân theo từng giai đoạn. Cụ thể, giai đoạn 1 (năm 2024 - 2025) tập trung củng cố các diện tích đã có của Dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam (Dự án VnSAT) với diện tích 24.738ha và mục tiêu mở rộng diện tích ngoài vùng dự án VnSAT hướng đến năm 2025 đạt 100.000ha.

Giai đoạn 2 (năm 2026 - 2030) xác định các khu vực trọng tâm để lập dự án đầu tư phát triển vùng lúa chuyên canh chất lượng cao, giảm phát thải mới thêm 100.000ha để đạt tổng diện tích 200.000ha.

Các hoạt động chính để thực hiện các nội dung Đề án trên là lựa chọn, xây dựng vùng, diện tích tham gia, rà soát, áp dụng, hoàn thiện các gói kỹ thuật đảm bảo tiêu chí phát triển bền vững, tổ chức lại sản xuất và đào tạo tập huấn nâng cao năng lực, đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng tại vùng chuyên canh, huy động nguồn lực, hỗ trợ kỹ thuật và tài chính từ các quỹ tài chính carbon, các quỹ hỗ trợ trên thế giới…

Bên cạnh nỗ lực thực hiện đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, tỉnh Kiên Giang dự kiến tiếp tục tổ chức lại mô hình sản xuất lúa – tôm theo chuỗi giá trị sản phẩm, từ con giống, vật tư đầu vào, nuôi thương phẩm đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm tôm và lúa.

Trong đó, doanh nghiệp, HTX thu mua, chế biến, tiêu thụ có vai trò hạt nhân liên kết và tổ chức chuỗi sản xuất. Cùng với đó, tỉnh sẽ kiện toàn, củng cố, thành lập mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất như tổ hợp tác, HTX gắn với liên kết doanh nghiệp sản xuất theo chuỗi giá trị tại những vùng sản xuất tôm - lúa trọng điểm, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, bảo vệ môi trường sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu./.

Bình Nguyên