Hỗ trợ nhân rộng các mô hình nuôi tôm bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu

Thời gian tới, thời tiết tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường; dịch bệnh tiếp diễn sẽ gây khó khăn cho nuôi trồng thủy sản nói chung, ngành tôm nói riêng. Do vậy, cần nhân rộng số mô hình nuôi tôm bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu như: Mô hình nuôi luân canh/xen canh trong ruộng lúa, áp dụng công nghệ nuôi tôm 2-3 giai đoạn, sử dụng chế phẩm sinh học trong quá trình nuôi.

Ngày 28/6, Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp với chủ đề “Phát triển nuôi tôm bền vững thích ứng với Biến đổi khí hậu vùng đồng bằng sông Cửu Long" diễn ra tại Cà Mau.

nuoi-tom-ben-vung-1-1719582136.jpg
Nghề nuôi tôm nước ta bên cạnh những thuận lợi thì đang gặp nhiều thách thức.(Ảnh minh họa)

Nghề nuôi tôm nước ta đang gặp nhiều thách thức

Nhiều ý kiến tại Diễn đàn đã chỉ ra, nghề nuôi tôm nước ta bên cạnh những thuận lợi thì đang gặp nhiều thách thức. Dịch bệnh vẫn tiếp tục gây thiệt hại; giá nguyên liệu thấp; vật tư đầu vào nuôi tôm tiếp tục tăng cao; xuất khâu tôm các tháng đầu năm có tín hiệu tăng trở lại nhưng vẫn chậm.

Ông Châu Công Bằng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau chia sẻ, tuy đã đạt được nhiều kết quả nhất định nhưng phải thừa nhận tình hình sản xuất nuôi tôm của Cà Mau và Việt Nam vẫn còn khó khăn, hạn chế và những thách thức. Đó là quy hoạch phát triển ngành tôm còn chậm, hạ tầng vùng nuôi chưa đáp ứng được yêu cầu, dịch vụ cung ứng đầu vào, chất lượng tôm giống, giá thức ăn phục vụ sản xuất không ổn định, cạnh tranh không lành mạnh, khó kiểm soát. Vấn đề môi trường ngày càng suy thoái, ô nhiễm, dịch bệnh trên tôm nuôi còn diễn biến phức tạp và chưa có biện pháp ngăn ngừa một cách hiệu quả.

Thêm nữa, cơ chế, chính sách thu hút đầu tư còn nhiều bất cập, trong khi đó người dân, doanh nghiệp thiếu vốn, khó tiếp cận tín dụng; tổ chức chuỗi chậm phát triển và thiếu bền vững; các dịch vụ logistics còn hạn chế, chi phí cao nên khả năng cạnh tranh thấp, hiệu quả sản xuất, kinh doanh chưa cao, thiếu bền vững.

nuoi-tom-ben-vung-3-1719582120.jpg
Nuôi tôm xen lúa được xem là mô hình bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu. (Ảnh minh họa)

Ông Nguyễn Văn Đèo, người nuôi tôm tại xã Tân Duyệt, huyện Đầm Dơi, Cà Mau cho biết: “Bây giờ nuôi tôm cho đạt thì tốn nhiều chi phí nhưng con tôm giờ giá quá rẻ. Thành ra bây giờ con cua hiệu quả hơn cả tôm. Còn nuôi tôm công nghiệp hầu như ít người thành công, môi trường nước thì ô nhiễm, thức ăn thì giá cao, còn giá tôm thì giảm sâu”.

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia dự báo, thời tiết thời gian tới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường; dịch bệnh tiếp diễn sẽ gây khó khăn cho nuôi trồng thủy sản nói chung, ngành tôm nói riêng.

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã chỉ ra một số mô hình nuôi tôm bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu như: Mô hình nuôi luân canh/xen canh trong ruộng lúa, áp dụng công nghệ nuôi tôm 2-3 giai đoạn, sử dụng chế phẩm sinh học trong quá trình nuôi.

Dự án “Xây dựng mô hình nôi tôm sú thâm canh 2 giai đoạn đảm bảo an toàn thực phẩm”, không sử dụng thuốc và hoá chất, ứng dụng công nghệ sinh học. Hay Dự án “Xây dựng mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh 2 giai đoạn ứng dụng công nghệ 4.0 kết hợp hầm biogas xử lý môi trường”, giúp quản lý tốt môi trường nuôi cũng như chất thải.

Cần chung tay để phát triển nuôi tôm bền vững

Theo ông Châu Công Bằng, việc tổ chức Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp, với chủ đề "Phát triển nuôi tôm bền vững, giảm phát thải, thích ứng với biến đổi khí hậu vùng Đồng bằng sông Cửu Long" là dịp để các cơ quan chức năng từ Trung ương đến địa phương, nhà khoa học, diễn giả, doanh nghiệp và người nuôi tôm cùng chia sẻ, trao đổi, đánh giá một cách hệ thống những kết quả đạt được, những khó khăn, hạn chế đã qua; đề ra những giải pháp đồng bộ, khoa học, có tính đột phá mang lại hiệu quả nhằm góp phần thúc đẩy ngành tôm của Việt Nam nói chung và của tỉnh Cà Mau nói riêng phát triển hiệu quả, bền vững trong thời gian tới.

Điểm nhấn tại diễn đàn lần này, các chuyên gia thủy sản, diễn giả trình bày báo cáo tham luận về hiện trạng và định hướng phát triển bền vững nghề nuôi tôm nước lợ tại Việt Nam; Hiện trạng và giải pháp phát triển nuôi tôm nước lợ tại tỉnh Cà Mau; Nguyên lý và nuôi tôm công nghệ cao, thân thiện với môi trường, giảm phát thải Carbon, thích ứng biến đổi khí hậu, an toàn thực phẩm và bền vững; Ứng dụng chế phẩm sinh học vào phát triển nuôi tôm nước lợ hiệu quả và bền vững, an toàn, giảm phát thải; Ứng dụng công nghệ Grofarm trong nuôi tôm nước lợ góp phần giảm phát thải, ứng phó biến đổi khí hậu; Ứng dụng công nghệ điện hóa siêu âm tích hợp vi bọt khí điện tử từ trường trong xử lý ô nhiễm nước ao nuôi tôm; Giải pháp nuôi trồng thủy sản giảm phát thải nhà kính…

Biến đổi khí hậu đang gây ảnh hưởng lớn đến đời sống, kinh tế của người dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Trong đó, hoạt động sản xuất nông nghiệp, nhất là nghề nuôi tôm đã bị tác động trực tiếp bởi nắng hạn, xâm nhập mặn, dịch bệnh…

Đại diện lãnh đạo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Cục Thủy sản, các chuyên gia, nhà khoa học dành nhiều thời gian thảo luận, trao đổi, giải đáp trực tiếp những câu hỏi, ý kiến thắc mắc của đại biểu liên quan giải pháp ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất, thức ăn nuôi tôm, phòng bệnh trên tôm nuôi, xử lý môi trường để đạt hiệu quả cao, mang tính bền vững, an toàn thực phẩm trong phát triển nuôi tôm ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

nuoi-tom-ben-vung-2-1719582205.jpg
Ngành hành tôm là ngành hàng lớn, mọi người cần chung tay để phát triển bền vững.(Ảnh minh họa)

Trong diễn đàn, ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết, diễn đàn là nơi kết nối nông dân, chuyên gia, doanh nghiệp, cơ quan chức năng,... Con tôm Việt Nam đã khẳng định được vị thế trên thị trường quốc tế, tuy nhiên, thách thức vẫn có, vì vậy, cần áp dựng khoa học công nghệ trong nuôi tôm.

Ông Thanh bày tỏ mong muốn, các nhà khoa học, đơn vị sở hữu công nghệ nuôi có thể ngồi với nhau để tích hợp thành một công nghệ hoàn chỉnh, mang tính lâu dài. Ngành hành tôm là ngành hàng lớn, mọi người cần chung tay để phát triển bền vững.

Ông Lê Quốc Thanh cũng mong muốn người nông dân có trách nhiệm để ngành hàng tôm phát triển: “Mong bà con tuân thủ các quy trình, các quy chuẩn, tiêu chuẩn và tuân thủ cả vấn đề chất lượng sản phẩm, yêu cầu của thị trường. Nếu không thì chúng ta không thể vượt qua được các rào cản của thị trường quốc tế, sắp tới là cả thị trường trong nước. Người tiêu dùng trong nước hiện nay cũng yêu cầu có những tiêu chuẩn cần thiết”.

Ngành tôm đóng vai trò quan trọng trong xuất khâu thủy sản nước ta. Việt Nam đã trở thành nước cung cấp tôm đứng thứ tư thế giới; các sản phẩm tôm xuất khẩu đến khoảng 100 quốc gia. Hàng năm, ngành tôm đóng góp khoảng 40 - 45% tổng giá trị xuất khâu thủy sản, tương đương 3,5 - 4 tỷ USD; giải quyết việc làm cho trên 3 triệu lao động./.

Bình Nguyên