Nữ giảng viên xây dựng cơ sở dữ liệu về chất thải

PGS.TS Lê Thị Kim Oanh đã xây dựng cơ sở dữ liệu về chất thải các lò đốt nhiên liệu, bùn thải từ cơ sở sản xuất từ đó đề xuất công nghệ tái chế.
quan-ly-du-lieu-chat-thai-5911-1664844979.jpg
Khảo sát các nguồn thải công nghiệp thông thường.

PGS.TS Lê Thị Kim Oanh, Trường Đại học Văn Lang và cộng sự đã nghiên cứu xây dựng cơ sở dữ liệu về chất thải các lò đốt nhiên liệu, bùn thải từ cơ sở sản xuất từ đó đề xuất công nghệ tái chế.

Nghiên cứu khoảng trống đang bỏ ngỏ

PGS.TS Lê Thị Kim Oanh cho biết, tái chế tro xỉ từ các lò đốt nhiên liệu, chất thải khuôn đúc và bùn thải không nguy hại từ các cơ sở sản xuất công nghiệp, cũng như công nghệ tái chế các loại chất thải nêu trên đều là những vấn đề còn đang bỏ ngỏ.

Tính đến năm 2022, trong tổng số 17 khu chế xuất/khu công nghiệp (KCX/KCN) đang hoạt động trên địa bàn TPHCM thì hiện chỉ có 3 KCX (Tân Thuận, Linh Trung 1, Linh Trung 2) và 3 KCN (Cát Lái 2, Đông Nam, Lê Minh Xuân) đã đầu tư trạm phân loại, trung chuyển chất thải các loại. Việc thu gom của phần lớn KCN còn lại được kiểm tra, giám sát triệt để.

PGS.TS Lê Thị Kim Oanh và cộng sự ở Trường Đại học Văn Lang đã triển khai nhiệm vụ khoa học và công nghệ “Nghiên cứu xây dựng cơ sở dữ liệu về chất thải công nghiệp thông thường (tro, xỉ, vỏ khuôn đúc, bùn thải) từ các nhà máy công nghiệp trên địa bàn TPHCM và Xây dựng Sổ tay hướng dẫn xử lý và tái sử dụng”.

Nhóm nghiên cứu đã thực hiện khảo sát, lấy mẫu và thu thập thông tin từ các bên liên quan trong hệ thống quản lý chất thải công nghiệp và công nghiệp nguy hại. Nhóm tập trung vào 3 loại chất thải: Tro xỉ, bùn từ trạm xử lý nước thải công nghiệp và chất thải khuôn đúc.

Từ đó, nhóm thực hiện đã xây dựng 4 bộ cơ sở dữ liệu về chất thải công nghiệp trên địa bàn TPHCM: Tro, xỉ từ các lò đốt sinh nhiệt, sinh hơi của các cơ sở công nghiệp trong 17 KCN/KCX; Bùn thải từ trạm xử lý nước thải của các ngành công nghiệp khác nhau và của trạm xử lý nước thải tập trung; Chất thải khuôn đúc từ các công nghệ đúc trên địa bàn và các cơ sở thu gom, tái chế và xử lý.

Từ những bộ cơ sở dữ liệu này, cơ quan quản lý sẽ có thêm nhiều số liệu, thông tin về chất thải, chủ nguồn thải và các đơn vị thu gom - xử lý chất thải. Ngoài ra còn có danh mục các giải pháp công nghệ có thể ứng dụng để tái sử dụng, tái chế và cộng sinh công nghiệp.

Nhóm thực hiện cũng xây dựng 3 sổ tay hướng dẫn tái sử dụng và tái chế chất thải, phục vụ công tác quản lý các loại chất thải. Kèm theo là một số giải pháp tái sử dụng, tái chế, cộng sinh công nghiệp được ứng dụng trong việc tái sử dụng, tái chế và cộng sinh công nghiệp các loại chất thải tro xỉ, bùn và khuôn đúc.

Cơ sở để quản lý các loại chất thải

PGS.TS Lê Thị Kim Oanh khẳng định, cơ sở dữ liệu về thành phần, đặc tính và hệ số phát thải cho mỗi loại chất thải là nguồn cơ sở khoa học phục vụ thiết kế các chuỗi cung ứng liên quan đến chất thải công nghiệp thông thường.

Đây cũng là cơ sở để góp phần phát triển cộng sinh công nghiệp và kinh tế tuần hoàn. Ngoài ra, cơ sở dữ liệu này sẽ rất hữu ích phục vụ công tác quản lý và quy hoạch cơ sở hạ tầng quản lý chất thải công nghiệp.

Bộ cơ sở dữ liệu này cũng sẽ là công cụ để quản lý trong việc tổ chức, triển khai và xây dựng các văn bản pháp luật, giải pháp quản lý các loại chất thải. Là cơ sở khoa học phát triển cộng sinh công nghiệp và kinh tế tuần hoàn, đáp ứng mục tiêu “Tiêu thụ và sản xuất có trách nhiệm” về phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc.

Kết quả nghiên cứu của nhóm đã xác định đầy đủ các thông số kỹ thuật liên quan đến chất thải bao gồm: Nguồn và định mức phát sinh, khối lượng, thành phần; hiện trạng thu gom, trung chuyển và vận chuyển; hiện trạng tái sử dụng, xử lý và thải bỏ; đồng thời chỉ ra các bất cập trong cơ cấu quản lý, các hệ thống các văn bản chính sách quản lý chất thải công nghiệp.

Đây là dữ liệu quan trọng, góp phần xây dựng thông tin hoàn chỉnh về chất thải tro, xỉ và bùn tại TPHCM. Từ đó sử dụng để kết nối các nguồn thải đến các đơn vị xử lý có chức năng, hỗ trợ doanh nghiệp không vi phạm trong công tác chuyển giao chất thải.