Sáng kiến “Vườn ở khắp nơi”
Chị Phan Diệu Linh sinh năm 1980, trong một gia đình hành nghề Đông Y tại TP. Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng. Từ năm 2019, chị Linh đã triển khai mô hình cá nhân “Vườn ở khắp nơi” bằng việc kết nối bạn bè ở Đà Lạt, cho – nhận và trồng các cây gỗ rừng ở các nông trại. Đến giữa năm 2021, chương trình “Vườn ở khắp nơi” đã trồng được khoảng gần 20.000 cây ở Đà Lạt. Đặc trưng chủ yếu của chương trình “Vườn ở khắp nơi” là chi phí thấp và hiệu quả cao. Những cá nhân tham gia là những người yêu thích trồng cây.
Được biết, thời điểm này, người điều phối chương trình – chị Phan Diệu Linh chỉ đơn giản là đầu mối kết nối giữa người cho cây, lập danh sách đăng ký nhận cây, chuyển về các trung tâm (cũng là các đầu mối tình nguyện), người nhận tự đến lấy vận chuyển về trồng, chăm sóc. Không nhất thiết phải có đất bạn vẫn có thể trồng cây một cách chủ động ở những nơi thích hợp, hoặc chia sẻ cây giống đến những người trồng cây tự do ở khắp nơi, gỡ bỏ những khuôn mẫu, giới hạn của việc sở hữu cây vườn.
“Vườn ở khắp nơi” là mô hình nhỏ nhưng có hiệu quả cao lên đến trên 80% số lượng cây được trồng phát triển tốt, mọi người tham gia trực tiếp trồng cây và chăm sóc, không phát sinh chi phí gì ngoài cây giống và vận chuyển. Điểm nhấn của mô hình này là mọi người tham gia với tinh thần tự do và yêu thiên nhiên, không đặt ra mục tiêu hay giới hạn nào.
…“Ngân hàng cây xanh” - TreeBank
Nhận thấy tính bền vững, hiệu quả của mô hình cần được lan toả hơn nữa, lãnh đạo Viện nghiên cứu Truyền thông phát triển (RED) quyết định liên hệ, xúc tiến hợp tác với người sáng kiến chương trình.
Vậy là, vào tháng 4/2021, anh Trần Nhật Minh, Viện trưởng Viện nghiên cứu Truyền thông phát triển và chị Phan Diệu Linh đã bàn bạc, thống nhất tìm cách nhân rộng mô hình “Vườn ở khắp nơi” tới các địa phương khác dưới tên mới là “TreeBank”. RED đã viết Đề án thí điểm, và nhận đc sự hỗ trợ của Đại sứ quán Canada trong hạng mục “Thúc đẩy các mô hình phát triển do phụ nữ khởi xướng”, bao gồm các hoạt động cơ bản: Thí điểm trồng 10.000 cây ở Đà Lạt với sự chung tay của các Doanh nghiệp nhằm xây dựng thương hiệu cho TreeBank và truyền thông ý nghĩa của chương trình, đồng thời, tìm kiếm nhân tố phù hợp, nhân rộng mô hình ở địa phương khác.
TreeBank kế thừa tinh thần của sáng kiến “Vườn ở khắp nơi” và năng lực của RED, trở thành một mô hình kết nối những tổ chức, cá nhân muốn trồng cây trên toàn quốc, một chương trình gắn kết cộng đồng hành động vì môi trường xanh.
Các hoạt động điển hình…
Vận hành từ năm 2021 đến nay, “Ngân hàng cây xanh” – TreeBank đã triển khai nhiều hoạt động điển hình. Qua đó, trao tặng hàng chục nghìn cây xanh tới các địa phương, lan tỏa tinh thần trồng cây, bảo vệ môi trường.
Điển hình như hoạt động tổ chức chiến dịch nhỏ kêu gọi bạn bè gây quỹ cho TreeBank để trồng cây vườn rừng ở hai tỉnh Lâm Đồng và Hòa Bình trong mùa xuân 2022; Đồng hành với sáng kiến Pleiku xanh; cho đến triển khai các hoạt động trao tặng cây xanh cho các địa phương tại 2 tỉnh Lâm Đồng và Hòa Bình.
Ngày 05/6/2022, TreeBank đã tổ chức chương trình “Trồng cây – Trồng người” tại xóm Tình, xã Tú Lý, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình. Thực hiện trao tặng 30.000 cây giống cho vườn rừng tại Đà Bắc gồm 8 loại cây như Bạch Đàn Mô Đỏ, Sưa Đỏ, Thông Ba Lá, Keo Lai, Dổi Thực Sinh, Quế Chi, Xoan Trắng. Quá trình thực hiện chương trình, TreeBank đã kết nối và nhận được sự đồng hành của nhiều tổ chức, doanh nghiệp như: Doanh nghiệp đồ gỗ Minh Long, WeCrypto, Momo, Omega…
Hoạt động điển hình khác, TreeBank đã lan tỏa tình yêu trồng cây tới Hội Từ tâm Đắk Lắk, thúc đẩy tổ chức này kết nối, huy động, trao tặng hàng chục nghìn cây xanh cho các địa phương tại Đắk Lắk trong thời gian qua.
Gần đây nhất, hoạt động điển hình TreeBank triển khai là sáng kiến “Vẽ cây xanh - tạo sinh kế”. Mục đích dự án nhằm gây quỹ tạo sinh kế cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo xã Tân Xuân, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La. Đồng thời, qua đó TreeBank thí điểm thực hiện triết lý nghệ thuật vị nhân sinh - môi trường, cũng là tạo cơ hội để doanh nghiệp và cộng đồng tham gia tạo sinh kế bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số ở xã nghèo bậc nhất tỉnh Sơn La.
Cụ thể, cây tre Bát Độ phù hợp thổ nhưỡng xã Tân Xuân, măng tre đem lại nguồn thu nhập cao, hiệu quả gấp 2-3 lần trồng ngô, sắn. Cây tre Bát Độ trồng một lần, cho khai thác măng trong nhiều năm, tiết kiệm nước và đất, tạo sinh kế bền vững cho bà con, tuy nhiên đồng bào dân tộc thiểu số nghèo lại thiếu vốn đầu tư cây giống. Vì vậy, TreeBank thực hiện Dự án “Vẽ cây xanh – tạo sinh kế” nhằm gây quỹ, tặng hàng chục nghìn cây giống tre Bát Độ cho bà con nơi đây vào đầu năm 2023.
Dự án “Vẽ cây xanh – tạo sinh kế” hướng đến các bạn trẻ yêu thích hội họa trong độ tuổi 6-22 tuổi. Hình thức tham gia: Sáng tác tranh theo chủ đề “Cây xanh và trồng cây”, gửi tặng tác phẩm cho Ban tổ chức toàn quyền sử dụng vào việc gây Quỹ trồng cây. Chương trình được phát động từ ngày 15/9; thời gian nhận tác phẩm từ ngày 15/9-15/10/2022; Ngày công bố các tranh được chọn thiết kế lịch và bao lìxì: 30/10/2022; Dự kiến tổ chức trồng cây tạo sinh kế tại xã Tân Xuân vào ngày 05/02/2023.
Có thể nói, TreeBank đã và đang thực hiện các chương trình trao tặng cây, trồng cây ý nghĩa, gắn kết cộng đồng với tinh thần trồng cây vì môi trường xanh. Những hoạt động thiết thực này ngày càng nhận được sự đồng hành từ nhiều tổ chức, cá nhân trên toàn quốc…