Huyện Đông Anh tạo vùng sản xuất công nghệ cao gắn với bảo vệ môi trường

Những năm gần đây, chủ trương phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, công nghệ cao nhằm tăng giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích, nâng cao thu nhập cho nhân dân đã được các cấp ủy, chính quyền huyện Đông Anh quan tâm, chú trọng.

Nhờ vậy, trên địa bàn huyện Đông Anh đã hình thành một số vùng sản xuất chuyên canh, tập trung được đầu tư quy mô, hiện đại, sản xuất theo chuỗi liên kết, tạo ra các sản phẩm an toàn từ sản xuất tới tiêu thụ, cung ứng ra thị trường.

Mặt khác, huyện Đông Anh đã tập trung huy động các nguồn lực hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp như: Hỗ trợ giá giống, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông nghiệp nông thôn, tiếp nhận và triển khai có hiệu quả các chính sách hỗ trợ của tỉnh theo các chương trình liên kết sản xuất lúa chất lượng cao, thuê đất sản xuất nông nghiệp...

Bên cạnh đó, đẩy mạnh các quy trình thâm canh lúa cải tiến SRI, bón phân khép kín; hệ thống đảm bảo chất lượng sản xuất rau an toàn PGS; sử dụng chế phẩm sinh học an toàn với môi trường; áp dụng quy trình chăn nuôi khép kín, an toàn dịch bệnh, nâng cao chất lượng con giống; đưa cơ giới hóa vào các khâu trong sản xuất, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp.

dsc-08081-1662038086.jpg
Mô hình trồng nho Hạ Đen hữu cơ tại huyện Đông Anh. Ảnh: Xuân Hiền

8 tháng đầu 2022, tổng diện tích gieo trồng các loại cây nông nghiệp trên địa bàn huyện Đông Anh là 7.578ha, các vùng sản xuất hàng hóa nông sản chất lượng cao tiếp tục được duy trì, đảm bảo nguồn cung ứng cho nhu cầu của người dân.

Đồng thời, sản xuất nông nghiệp tiếp tục được quan tâm hỗ trợ, hướng dẫn kỹ thuật chuyên môn nên kết quả tương đối ổn định so với các năm trước. Giá trị sản xuất ngành trồng trọt ước đạt 532 tỷ 321 triệu đồng, chăn nuôi (kể cả thủy sản) ước đạt 625 tỷ 080 triệu đồng, tăng 2,3% so với cùng kỳ năm trước.

Với tổng diện tích gieo trồng toàn huyện đạt 7.578ha, hoàn thành gieo trồng vụ Xuân 2022 vượt kế hoạch, đảm bảo đúng khung thời vụ. Trong đó, diện tích sản xuất lúa 5.386ha, năng suất 60 tạ/ha, sản lượng trên 32.300 tấn, các cây trồng khác cơ bản duy trì diện tích và sản lượng. Đồng thời huyện cũng đảm bảo duy trì ổn định số lượng tổng đàn gia súc, gia cầm, tổng đàn gia cầm, thủy cầm khoảng 2.333.000 con; gia cầm lấy thịt: 735.806 con.

rau-1662038107.jpg
Huyện Đông Anh đã hình thành được nhiều vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa chuyên canh.

Cạnh đó, huyện tiếp tục duy trì các vùng sản xuất hàng hóa tập trung và nhiều mô hình sản xuất theo quy trình VietGAP cho năng suất, hiệu quả cao. Đối với lĩnh vực chăn nuôi tiếp tục được duy trì phát triển, chuyển dần từ chăn nuôi nhỏ lẻ hộ gia đình sang chăn nuôi tập trung với trên 200 mô hình trang trại cho hiệu quả kinh tế cao, công tác phòng, chống dịch bệnh trong chăn nuôi được đảm bảo.

Đến nay, toàn huyện hiện có 40 mô hình sản xuất theo chuỗi khép kín. Đây là những mô hình cho hiệu quả kinh tế cao gắn với bảo vệ môi trường, phù hợp điều kiện phát triển huyện thành quận trong những năm tới.

Trong đó, 10 tổ chức, cá nhân thực hiện ứng dụng công nghệ cao, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất rau an toàn và hoa lan với diện tích 2,45ha; sản xuất rau an toàn theo mô hình VietGAP, sản xuất hữu cơ với 20ha. Ngoài ra, huyện đã hình thành vùng trồng hoa - cây cảnh với diện tích 150ha; vùng cây ăn quả được Sở NN - PTNT Hà Nội cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất quả an toàn với diện tích khoảng 50ha...

dsc-07831-1662038119.jpg
Huyện Đông Anh đã xây dựng được vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa gắn với du lịch trải nghiệm. Ảnh: Xuân Hiền

Theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Đông Anh Nguyễn Tuấn Hà, cùng với phát triển các mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao theo chuỗi, huyện Đông Anh còn tập trung xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu cho sản phẩm nông nghiệp. Đến nay, huyện đã triển khai xây dựng được 4 nhãn hiệu tập thể, gồm: Gạo nếp cái hoa vàng xã Thụy Lâm; đồ gỗ mỹ nghệ Vân Hà; vùng sản xuất quất Tàm Xá; sản phẩm đậu làng Chài, xã Võng La…

“Ngoài ra, huyện cũng đẩy mạnh công tác dồn điền, đổi thửa, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong quá trình sản xuất nông nghiệp… Cùng với việc đẩy mạnh xây dựng vùng sản xuất theo hướng hàng hóa tập trung chất lượng cao, giá trị sản xuất trên 1ha đất canh tác của huyện đạt 267 triệu đồng/ha/năm, vượt 117 triệu đồng so với mục tiêu bình quân của giai đoạn 2015 – 2020”, Trưởng Trưởng phòng Kinh tế huyện Đông Anh thông tin.