Chất lượng nông sản nâng cao, thị trường rộng mở
Theo thông tin từ Sở Công thương Đắk Nông, trong giai đoạn 2004-2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Đắk Nông đạt được 11.867 triệu USD, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm là 18,61%/năm. Trong đó, riêng năm 2023 kim ngạch xuất khẩu đạt 1.271 triệu USD, tăng gần 25,6 lần so với năm 2004.
Thị trường xuất khẩu nông sản của Đắk Nông ngày càng được mở rộng. Đến nay, quan hệ thị trường của các doanh nghiệp tại địa phương được mở rộng đến 35 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó, chiếm tỷ trọng cao và ổn định là các quốc gia như Singapore, Hàn Quốc, Australia, Trung Quốc, Hoa Kỳ, Philippines, Nhật Bản... Bên cạnh thị trường truyền thống, các doanh nghiệp còn chủ động tìm kiếm và mở rộng thị trường mới.
Đóng góp lớn vào thành tích xuất khẩu của Đắk Nông là các mặt hàng nông sản. Lợi thế về đất đai, khí hậu, nguồn nước đã giúp Đắk Nông đa dạng các sản phẩm nông nghiệp. Các sản phẩm nông nghiệp của Đắk Nông hiện nay rất đa dạng. Chúng được chia thành 3 nhóm chính, với 23 sản phẩm khác nhau gồm: Nhóm sản phẩm chủ lực của tỉnh; Nhóm sản phẩm tiềm năng và Nhóm sản phẩm chủ lực của các địa phương. Trong đó, nhóm chủ lực của tỉnh có 4 sản phẩm chính gồm: cà phê, hồ tiêu, cao su, điều. Hiện nay, thị trường tiêu thụ chủ yếu của nhóm là xuất khẩu.
Đáng chú ý, nhiều nông dân Đắk Nông đã mạnh dạn liên kết, thay đổi phương pháp canh tác theo các tiêu chuẩn để tạo ra nông sản chất lượng cao, đưa hàng hóa xuất khẩu. Nông sản Đắk Nông rộng đường tiêu thụ nhờ người nông dân biết đổi mới tư duy, tổ chức liên kết sản xuất với doanh nghiệp để tạo ra sản phẩm chất lượng cao.
Trong thời gian qua, các doanh nghiệp xuất khẩu đã tập trung mọi nguồn lực cho việc hoàn thiện quy trình chế biến các sản phẩm nông sản. Nhìn chung, doanh nghiệp đều xác định đa dạng hoá sản phẩm là giải pháp quan trọng giúp chiếm lĩnh các thị trường và gia tăng kim ngạch xuất khẩu một cách bền vững và lâu dài.
Đón đầu cơ hội và thử thách
Hội nhập quốc tế mang đến nhiều thuận lợi cho Đắk Nông thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng nông sản chủ lực nhờ cắt giảm thuế quan. Nông sản của tỉnh có nhiều cơ hội lựa chọn thị trường cũng như đối tác phù hợp. Trong bối cảnh nhu cầu về lương thực, thực phẩm có xu hướng tăng mạnh do biến đổi khí hậu toàn cầu, biến động về kinh tế - chính trị thế giới và mối lo ngại về an ninh lương thực, việc xuất khẩu nông sản của tỉnh nhà ngày càng rộng mở.
Tuy nhiên, bên cạnh cơ hội thì nông sản xuất khẩu của Đắk Nông cũng gặp không ít thách thức. Bắt đầu từ lúc Việt Nam đã ký kết tham gia và đàm phán 17 FTA, dòng vốn FDI được thu hút vào lĩnh vực nông nghiệp. Các nhà đầu tư nước ngoài với lợi thế cả về tài chính, công nghệ và thị trường đang có xu hướng đầu tư vào nông nghiệp sẽ là thách thức lớn mà tỉnh sẽ gặp phải.
Kế đến, lợi ích từ FTA và những ưu đãi về thuế quan sẽ là động lực để nhiều nhà đầu tư nước ngoài đến đầu tư tại Việt Nam. Các doanh nghiệp nước ngoài gây áp lực cạnh tranh với các doanh nghiệp nông nghiệp trong nước. Khi đó, nông sản trong nước, trong đó có Đắk Nông sẽ bị cạnh tranh khốc liệt với sản phẩm của các doanh nghiệp FDI, nhất là về giá cả và chất lượng sản phẩm.
Thứ ba, nông sản trong nước cũng sẽ đối mặt với nhiều rào cản thương mại, chính sách nhập khẩu của các nước. Nó bao gồm những yêu cầu khắt khe về chất lượng và an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, bảo vệ môi trường và sức khỏe người tiêu dùng cũng như thực hiện các cam kết quốc tế về môi trường và xã hội. Có thể nói, các nước có chính sách bảo hộ nền kinh tế trong nước bằng cách tăng cường các rào cản kỹ thuật hay các biện pháp phòng vệ thương mại sẽ tạo ra những thách thức đối với nông sản xuất khẩu của Việt Nam.
Để nông sản Đắk Nông tạo dựng thương hiệu và có chỗ đứng vững chắc, các chuyên gia cho rằng, cần tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật phục vụ nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ trong sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, việc ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ ứng dụng và nhân rộng các kết quả nghiên cứu khoa học - công nghệ trong sản xuất nông nghiệp, phục vụ sản xuất và đời sống Nhân dân cần được quan tâm hơn.
Bên cạnh việc mở rộng liên kết, hợp tác quốc tế để thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và vốn hỗ trợ phát vào lĩnh vực nông nghiệp, Đắk Nông đang đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư. Mục tiêu hàng đầu là tìm kiếm thị trường và mở rộng đầu ra cho sản phẩm. Song song đó, tỉnh cũng đang xúc tiến, tìm kiếm các nhà đầu tư chiến lược trong và ngoài nước đủ năng lực tài chính và quản trị để hình thành liên kết phát triển các chuỗi giá trị sản phẩm, nhất là đối với các sản phẩm nông - lâm nghiệp./.