Trang thông tin điện tử về nông sản Đắk Nông có tên miền nongsandaknong.com được định hướng hoạt động là kênh quảng bá sản phẩm địa phương và cung cấp những thông tin hữu ích đến với người tiêu dùng trong và ngoài nước.
Đặc biệt, trang còn chú trọng đến các sản phẩm đặc thù của bà con nông dân là đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Khẩu hiệu hoạt động của trang là "Nông sản Đắk Nông - Kết nối nông sản an toàn".
Bên cạnh đó, trang thông tin này còn là nơi cung cấp các dịch vụ trực tuyến như giải đáp thắc mắc pháp luật, tư vấn pháp luật trực tuyến, đăng ký tham gia các hội nghị tuyên truyền về phát triển kinh tế tập thể. Nongsandaknong.com tập trung giới thiệu các sản phẩm đặc trưng của tỉnh, bao gồm: thông tin về nguồn gốc, quy trình sản xuất, chất lượng sản phẩm, giá cả, địa chỉ liên hệ của cơ sở sản xuất và kinh doanh.
Trong buổi ra mắt giới thiệu, Liên minh HTX Đắk Nông còn phát động kêu gọi sự chung tay góp sức của các cơ quan, ban ngành, đoàn thể, doanh nghiệp và HTX để phát triển trang thông tin điện tử nongsandaknong.com. Hình thức đóng góp là tích cực tham gia cung cấp thông tin, bài viết, video clip. Đồng thời, đơn vị cũng khuyến khích người dân sử dụng trang này để truy cập, kiếm thông tin về sản phẩm địa phương hay các kiến thức có liên quan khác.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh, hiện nay Đắk Nông có khoảng 141.000ha cà phê, sản lượng 361.000 tấn/năm; hồ tiêu 34.000ha, sản lượng 67.000 tấn/năm; điều 16.700ha, sản lượng 8.816 tấn/năm; sầu riêng 7.000ha, sản lượng 40.000 tấn/năm; bơ 3.200ha, sản lượng 16.000 tấn/năm; lúa 10.00ha, sản lượng khoảng 80.000 tấn/năm; rau và hoa hơn 7.100ha, sản lượng 100.000 tấn/năm.
Theo ông Phạm Tuấn Anh - Giám đốc Sở NN&PTNT, Đắk Nông có nhiều cây trồng, tạo ra chất lượng thơm ngon riêng mà các nơi khác không có được, góp phần nâng cao giá trị kinh tế và xây dựng thương hiệu cho nông sản địa phương.
“Tỉnh đang khuyến khích các cá nhân, đơn vị phát triển các sản phẩm OCOP có quy mô lớn, yêu cầu chất lượng cao và đạt tiêu chuẩn của thế giới”, ông Phạm Tuấn Anh cho biết.
Bên cạnh đó, Đắk Nông được định hướng phát triển công nghệ số để đẩy mạnh xây dựng thương hiệu - nhãn hiệu hàng hóa nông sản với các yếu tố như: vùng trồng, chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc, xúc tiến thương mại điện tử… Mục đích là để mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản về số lượng và giá trị, từng bước khẳng định thương hiệu trên thị trường trong nước và quốc tế.
Việc giới thiệu trang thông tin điện tử về nông sản là một trong các hoạt động góp phần đẩy mạnh chiến dịch chuyển đổi số của quốc gia và hưởng ứng Tháng hành động vì HTX năm 2024 của Liên minh HTX Đắk Nông. Tỉnh đang đẩy mạnh cơ cấu lại ngành Nông nghiệp để nâng cao giá trị gia tăng, bền vững, sinh thái và trách nhiệm. Từ nay đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, nông nghiệp Đắk Nông tập trung phát triển nông nghiệp xanh, bền vững gắn với phát triển du lịch./.