Cần mở rộng thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu nông sản sang Anh

Với quy mô lớn và sức mua ổn định, Vương quốc Anh được xem là thị trường đầy tiềm năng của nông sản Việt Nam.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, Vương quốc Anh và Bắc Ireland là đối tác chiến lược và quan trọng đối với nông nghiệp Việt Nam. Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Anh (UKVFTA) được thực thi đã gắn bó hơn mối quan hệ này. Năm 2021, kim ngạch thương mại song phương Việt Nam và Vương quốc Anh đạt hơn 6,6 tỷ USD; tăng trưởng hơn 17%. Trong đó, thương mại nông, lâm, thủy sản giữa 2 nước tăng trưởng đều đặn ở mức 6%/năm, đạt gần 1 tỷ USD năm 2021.

Năm nay, Vương quốc Anh cũng đẩy mạnh nhập khẩu nhiều sản phẩm nông sản của Việt Nam. Đơn cử, 8 tháng đầu năm, xuất khẩu cà phê sang Anh đạt 34,68 nghìn tấn; trị giá 70,68 triệu USD; tăng 57,9% về lượng và tăng 84,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Theo Thương vụ Việt Nam tại Anh, xuất khẩu gạo sang Anh, trong đó có gạo ST25, có thể tăng mạnh trong quý IV/2022 và hai tháng đầu năm 2023.

nong-san-1668565252.jpg
Quy mô lớn, sức mua ổn định, Anh được xem là thị trường đầy tiềm năng của nông sản Việt Nam. (Ảnh: Báo điện tử Chính phủ)

Thống kê cho thấy, hiện nay, dư địa để thúc đẩy giao thương nông sản của hai nước còn rất lớn. Xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang Anh chỉ chiếm hơn 1% tổng giá trị nhập khẩu lương thực, thực phẩm của Anh. Bên cạnh đó, nông sản của Anh vào Việt Nam cũng chưa được 1% tổng giá trị nhập khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam.

Được biết, trong chuyến công tác và làm việc với Bộ Môi trường, Thực phẩm và Các vấn đề nông thôn Liên hiệp Vương quốc Anh mới đây, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phùng Đức Tiến đã đề nghị Vương quốc Anh mở cửa 4 loại hình nông sản chính của Việt Nam gồm: sản phẩm đặc trưng, đặc hữu từ nước nhiệt đới; các sản phẩm có nguồn gốc động vật; các sản phẩm có nguồn gốc thủy sản và các sản phẩm gỗ.

Trước cơ hội mở rộng xuất khẩu sang thị trường Anh, Bộ Công thương lưu ý các doanh nghiệp một số thách thức có thể gặp phải khi xuất khẩu vào thị trường này như: Vương quốc Anh có các yêu cầu tiêu chuẩn cao về kỹ thuật, vệ sinh an toàn thực phẩm; doanh nghiệp sẽ chịu sự cạnh tranh sòng phẳng với các doanh nghiệp của Anh cũng như của các nước khác; Tiếp đó, doanh nghiệp cần tìm hiểu rõ được phong tục tập quán, tiêu dùng của người dân, hệ thống tiêu thụ của thị trường...

Theo chuyên gia nông nghiệp TS. Nguyễn Đăng Nghĩa, ngoài việc tận dụng tốt các ưu đãi từ UKVFTA, thì dù là doanh nghiệp hay nông dân, công ty hay tập đoàn muốn xuất khẩu đều phải tìm hiểu, đáp ứng được tiêu chuẩn, đòi hỏi của các thị trường, chứ không phải chỉ giới thiệu sản phẩm là xong. Với những yêu cầu khắt khe của Anh, đòi hỏi doanh nghiệp cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng từ xây dựng kế hoạch kinh doanh, đến thực hiện xây dựng chuỗi, phát triển sản phẩm, vấn đề thương hiệu. Nước Anh cũng rất quan tâm đến vấn đề lao động hay môi trường cho nên doanh nghiệp cũng cần chú ý. Phải bảo đảm đồng bộ về chế biến sâu và logistics, đây là hai thứ chúng ta đang yếu nhất.

Thực tế cũng cho thấy, hiện hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu đi các nước còn gặp rất nhiều rào cản, rào cản đầu tiên là các sản phẩm của chúng ta chưa có sự lan tỏa nhiều về mặt thông tin. Đơn cử như mặt hàng cà phê với mức dung lượng khoảng 56 triệu USD nhưng nhiều nhà hàng ở London hay nhiều chuỗi phân phối nhỏ lẻ ở London vẫn không nghĩ là tại sao Việt Nam lại có dung lượng cà phê lớn đến như vậy. Người ta chưa biết nhiều đến Việt Nam và chưa biết nhiều đến các sản phẩm nông sản Việt Nam.

Theo đó, rào cản này chính là rào cản kết nối. Ở đó các doanh nghiệp chưa có nền tảng về mặt thông tin, chưa có tính kết nối về các đường dẫn, chưa có được hoạt động xúc tiến thương mại mang tính chất đi thẳng vào trọng tâm của thị trường.

Thời gian qua, xuất khẩu nông sản đi qua khâu trung gian quá nhiều, tiêu tốn thời gian, công sức. Chính vì vậy, ở bất cứ thị trường nào, không chỉ riêng Vương quốc Anh, nông sản Việt phải đi trực tiếp để tạo lợi thế về giá cả và uy tín. Chúng ta có đầy đủ năng lực để đàm phán thì không lý nào để nông sản phải qua khâu trung gian. “Con đường đàm phán tốt nhất chính là ngoại giao, bây giờ nông sản rất cần sự vào cuộc của cả Bộ Ngoại giao, Bộ Y tế, chứ không chỉ dành riêng cho Bộ Công thương hay Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nữa, TS. Nguyễn Đăng Nghĩa nhấn mạnh.

Hoàng Hà (t/h)