Chuyển đổi số nông nghiệp mở ra nhiều cơ hội bứt phá cho nông sản Việt

Hiện nay, chuyển đổi số được áp dụng ngày càng nhiều trong các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, lâm nghiệp thì cơ hội vươn lên của nông sản Việt càng dễ dàng.

Trong Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Chính phủ luôn xem việc “Phát triển và ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ để nâng cao năng suất, giá trị, chất lượng… Phát triển nông nghiệp thông minh, nông nghiệp chính xác, ứng dụng công nghệ số,…” là một trong những giải pháp trọng tâm để nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp.

Trên thực tế, công cuộc chuyển đổi số đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, nhưng vẫn còn đó những hạn chế. Tại Diễn đàn "Kết nối ứng dụng công nghệ số, công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp” mới đây, TS. Từ Minh Thiện, Nguyên Phó ban quản lý Nông nghiệp công nghệ cao TP.HCM, cho rằng, dư địa ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp của Việt Nam đang rất lớn, song chúng ta mới chỉ triển khai được 3/10 ứng dụng chính về tiếp cận thị trường và chuỗi giá trị; ứng dụng để tăng năng suất cây trồng vật nuôi; cải thiện tính an toàn sản phẩm và truy xuất nguồn gốc nông sản. Các ứng dụng nhằm quản lý chuỗi cung ứng; tiếp cận dịch vụ tài chính; quản lý rủi ro; quản lý đất đai; cải thiện hệ thống sáng kiến hay hỗ trợ các nông hộ quy mô nhỏ… gần như chúng ta chưa triển khai được.

Ông Thiện chỉ rõ, các nước tiên tiến định hướng phát triển nông nghiệp thông minh rất rõ ràng, ví dụ: Nước Đức  thúc đẩy tích hợp hệ thống M2M và IoT, triển khai các dự án nông nghiệp 4.0. Nhật Bản thì áp dụng công nghệ Al, tạo các mô hình phối hợp giữa con người, máy móc, sản xuất thông minh hay Israel, dù nghiên cứu khoa học nông nghiệp trong điều kiện bất lợi về tài nguyên thiên nhiên, khí hậu nhưng họ phát triển, ứng dụng rất hiệu quả công nghệ tưới nhỏ giọt vào trồng trọt trên sa mạc…Còn tại nước ta, theo ông Thiện, phát triển nông nghiệp công nghệ cao đang gặp nhiều hạn chế như: quy mô nhỏ, hoạt động đơn chức năng; mô hình tổ chức quản lý chưa phù hợp; thiếu vai trò dẫn dắt của doanh nghiệp; ít năng động sáng tạo.

cong-nghe-1667636862.jpg
Ứng dụng công nghệ trong nông nghiệp mang lại hiệu quả lớn. Ảnh: TL.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Đức Tùng, Tổng thư ký Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam (VIDA) chia sẻ, Đề án chuyển đổi số trong nông nghiệp và ứng dụng công nghệ số tại Việt Nam đang được Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn triển khai đã đề ra được mục tiêu, lộ trình và hướng đi của nông nghiệp Việt Nam trở thành nền kinh tế thực thụ. Tuy đã có lộ trình và hướng đi cụ thể, nhưng cộng đồng doanh nghiệp, HTX và nông dân ứng dụng công nghệ số, công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp vẫn gặp phải nhiều khó khăn, vướng mắc trong chính các thành phần của lộ trình. Cụ thể là chính sách chưa được đồng bộ; hạ tầng công nghệ chưa theo kịp với nhu cầu; doanh nghiệp và nông dân chưa được đào tạo, định hướng về việc đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng, quy chuẩn của thị trường xuất, nhập khẩu;…

Phân tích thêm về rào cản cho chuyển đổi số trong nông nghiệp, bà Nguyễn Thị Thành Thực, Chủ tịch Công ty CP Đầu tư Bagico cũng nêu lên rằng, tại nhiều địa phương, cơ quan quản lý Nhà nước chưa hiểu rõ được tầm quan trọng của việc cung cấp thông tin của người bán trên nền tảng số để minh bạch hóa trao đổi thương mại. Bên cạnh đó, trong việc quản lý Nhà nước, vẫn chưa có ngay biện pháp, công cụ để đưa ứng dụng chuyển đổi số đối với mã vùng trồng, mã xưởng xuất khẩu đối với các mặt hàng xuất khẩu đi Trung Quốc mà gần đây nhất là sầu riêng xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc.

Do đó, bà Thực đề xuất tăng cường đào tạo cán bộ cấp thôn, xã đặc biệt đối với các cộng tác viên nông nghiệp, nhân viên khuyến nông vì đây là cánh tay nối dài để đưa ứng dụng chuyển đổi số vào thực tiễn. Bên cạnh đó, cần nâng cao năng lực cơ quan quan lý nhà nước, tạo cơ chế chính sách để cán bộ cơ quan quản lý nhà nước ứng dụng mà không sợ vi phạm.

Bên cạnh đó, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản Nguyễn Quốc Toản cho rằng, không có liên thông, minh bạch thì các bên khó đến với nhau, vì vậy cần liên kết đến với nhau bằng nhận thức đầy đủ. Vị này cho biết thêm,  Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đang chỉ đạo hai mũi nhọn đầu tiên áp dụng chuyển đổi số là Trồng trọt và Chăn nuôi. Điều trăn trở là cơ sở dữ liệu, là mã hóa vùng trồng, mã hóa thức ăn chăn nuôi. Nếu các HTX không có nền tảng dữ liệu, không có các sản phẩm được định danh, không truy xuất được nguồn gốc, thì gần như không thể đưa hàng hóa lên không gian mạng. Việt Nam chỉ mới có khoảng 500 doanh nghiệp đang kinh doanh trên nền tảng Alibaba, năm tới phấn đấu có khoảng 1.000 doanh nghiệp. Nhưng điều quan trọng hơn là kỹ năng đưa hàng hóa lên mạng.

Ông Nguyễn Quốc Toản nhấn mạnh, dư địa trong nông nghiệp thời gian tới sẽ không đến từ điều kiện tự nhiên mà đó sẽ là tri thức số, tri thức ngành. Vì vậy, các HTX cần là nền tảng để xã viên tiếp cận cơ sở số hóa dữ liệu dễ dàng hơn. Về phía Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam (VIDA) kết nối nhiều hơn nữa với các Sở NN&PTNT địa phương, tạo chỗ dựa vững chắc cho nông dân chuyển đổi số.

Hương Lan (t/h)