Nông nghiệp xanh và hành trình nâng chất hướng tới phát triển bền vững

Để nâng cao giá trị ngành nông nghiệp bắt nhịp với xu thế sản xuất xanh toàn cầu, Việt Nam đang nỗ lực đưa ra nhiều giải pháp phát triển nông nghiệp xanh. Sản xuất nông nghiệp không chỉ chú trọng tới năng suất mà còn đáp ứng các tiêu chuẩn về môi trường, giảm phát thải... hướng tới phát triển bền vững.
nong-nghiep-xanh-02-1707035958.jpg
Sản xuất hữu cơ có hiệu quả kinh tế cao hơn, cải thiện chất lượng sản phẩm, tăng sức cạnh tranh và giá trị của nông sản. (Ảnh minh họa)

Bước chuyển nông nghiệp xanh từ vựa lúa ĐBSCL

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) được biết đến là khu vực sản xuất và có những hoạt động thương mại nông sản sôi động nhất tại Việt Nam hiện nay. Đứng trước cơ hội chưa từng có về xuất khẩu nông sản, đặc biệt là sản phẩm lúa gạo, Việt Nam xác định bên cạnh phát triển thương mại ngành hàng lúa gạo, cơ hội này cũng là động lực mạnh mẽ để tái cơ cấu sản xuất ngành hằng này, hướng việc sản xuất lúa gạo đến phát triển bền vững, có bản sắc và giá trị cao.

Đề án "Phát triển bền vững một triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL" đang được Bộ NN-PNT lấy ý kiến để triển khai được xem là một sự thay đổi to lớn đối với ngành hàng lúa gạo tại vựa lúa lớn nhất cả nước.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cho biết: "Đề án này hướng tới mục tiêu tổ chức lại sản xuất, hình thành các tổ chức nông dân, ưu tiên phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã. Đề án cũng hướng tới tạo dựng hệ sinh thái ngành hàng có sự tham gia của Hiệp hội doanh nghiệp, các chuyên gia trong và ngoài nước hỗ trợ, đồng hành nâng cao năng lực cộng đồng".

Đặc biệt, Đề án hướng tới mục tiêu kết hợp giữa sản lượng và nâng cao chất lượng. Yêu cầu chất lượng cần bảo đảm các tiêu chí chuẩn hoá: chuẩn hoá giống, chuẩn hoá quy trình canh tác, chuẩn hoá công nghệ thu hoạch và sau thu hoạch, chuẩn hoá mã vùng trồng, truy xuất nguồn gốc. Đề án đặt ra mục tiêu tăng trưởng tích hợp đa giá trị, gắn với mô hình tăng trưởng xanh, nông nghiệp tuần hoàn.

nong-nghiep-xanh-04-1707036007.jpg
Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao ở ĐBSCL hướng tới mục tiêu kết hợp giữa sản lượng và nâng cao chất lượng. (Ảnh minh họa)

Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhìn nhận, sản xuất, kinh doanh lúa gạo vùng ĐBSCL ít nhiều còn mang tính phân mảnh, trong khi xu hướng thế giới dần hướng tới nền nông nghiệp chuyên nghiệp. Như vậy, Đề án xác định mục tiêu chuyên nghiệp hoá ngành hàng lúa gạo là hình thành đội ngũ nông dân chuyên nghiệp, nâng cao tri thức cho nông dân, nâng cao năng lực quản trị những tổ chức nông dân, hợp tác xã nông nghiệp đủ năng lực liên kết bền vững với doanh nghiệp.

Đề án quan tâm đến mục tiêu tiếp cận đồng bộ các cơ chế, chính sách như tinh thần Nghị quyết 120/NQ-CP về phát triển bền vững vùng ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu, Nghị quyết 78/NQ-CP ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 02/4/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nhờ đó, công tác quản lý có thể đồng bộ, xuyên suốt từ Trung ương đến địa phương, về định hướng thị trường, chính sách tín dụng, chính sách bảo hiểm…

Một trong những mục tiêu cụ thể của đề án là từ nay đến năm 2025, vùng ĐBSCL sẽ có 500.000 ha lúa chất lượng cao. Lợi nhuận bình quân của nông dân đạt trên 35%. Đến năm 2030, vùng sẽ đạt 1 triệu ha, lợi nhuận bình quân được nâng lên 40%.

Xây dựng vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp ở ĐBSCL mang tính đột phá trong tổ chức lại sản xuất ngành hàng lúa gạo, nâng cao giá trị gia tăng trong toàn chuỗi. Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng cho rằng đề án giúp bảo đảm phát triển ngày càng bền vững trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng tăng, đóng góp vào tăng trưởng xanh và góp phần thực hiện cam kết của Chính phủ tại hội nghị COP26, hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050.

"Những sự thay đổi từ đề án này sẽ giúp chúng ta gặt hái được nhiều giá trị. Tích hợp đa giá trị, nền nông nghiệp tuần hoàn bán được tín chỉ carbon, bán cả gói sản phẩm từ gạo chính là đích đến. Đây là Đề án của 13 tỉnh ĐBSCL chứ không chỉ là Đề án của Bộ NN-PTNT nên chúng ta cần chung tay giúp nông dân, truyền tải được những thông điệp để đề án đến được với bà con nông dân", Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết.

3 đề án quan trọng thúc đẩy sản xuất nông nghiệp xanh

Vừa qua, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT) đã công bố Quyết định của Bộ NN-PTNT phê duyệt “Đề án phát triển sản xuất và sử dụng phân bón hữu cơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”, “Đề án phát triển sản xuất và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050” và “Đề án phát triển quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM) đến năm 2030”.

Trong đó, Đề án về phân bón hữu cơ được kỳ vọng sẽ là cú hích tạo điều kiện hơn nữa cho việc phát triển sản xuất, sử dụng phân bón hữu cơ, góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, bền vững, giảm chi phí trong giai đoạn tới.

nong-nghiep-xanh-01-1707036148.jpg
Thuốc bảo vệ thực vật và phân bón đóng vai trò quan trọng trong sản xuất nông nghiệp, góp phần bảo đảm và cải thiện năng suất cây trồng. (Ảnh minh họa)

Thuốc bảo vệ thực vật và phân bón đóng vai trò quan trọng trong sản xuất nông nghiệp, góp phần bảo đảm và cải thiện năng suất cây trồng. Tuy nhiên lạm dụng hóa chất, bao gồm thuốc bảo vệ thực vật và phân bón hóa học có thể gây ra nhiều hậu quả không mong muốn, phá vỡ đa dạng sinh học, thoái hóa đất, thậm chí ảnh hưởng đến sức khỏe con người và môi trường. Do đó, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học và phân bón hữu cơ hiện được đánh giá là một trong những giải pháp bền vững, phát triển nông nghiệp sinh thái, hữu cơ, tuần hoàn, phát thải các bon thấp, thân thiện với môi trường và thích ứng biến đổi khí hậu.

Yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng nông sản thực phẩm an toàn đang là động lực và áp lực có hiệu quả để người sản xuất sử dụng rộng rãi thuốc bảo vệ thực vật sinh học, phân  bón hữu cơ và áp dụng các biện pháp quản lý sức khỏe cây trồng.

Ông Huỳnh Tấn Đạt, Cục trưởng Cục BVTV cho biết, để triển khai những nhiệm vụ, định hướng lớn của ngành NN-PTNT, Cục đã xây dựng và trình Bộ 3 đề án trên.

Theo ông Đạt, đây là ba đề án quan trọng của ngành gồm nhiều giải pháp về kỹ thuật, chính sách, tiến bộ khoa học, sử dụng vật tư an toàn hiệu quả cũng như các giải pháp thanh tra, kiểm tra, truyền thông nâng cao nhận thức người dân.

Với các đề án này, ngành BVTV sẽ tiếp tục đóng góp hơn nữa với ngành trồng trọt nói riêng và nông nghiệp nói chung nhằm nâng cao chất lượng, uy tín và giá trị nông sản Việt Nam trong thời gian tới.

“Đây là ba đề án độc lập nhưng có mối quan hệ mật thiết với nhau, nhằm huy động và phát huy những lợi thế, hiệu quả các nguồn lực và khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo; nâng cao hiệu quả sản xuất, đảm bảo an toàn thực phẩm và góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, đa dạng sinh học”, ông Đạt cho biết.

nong-nghiep-xanh-03-1707035945.jpg
Sản xuất hữu cơ giúp nông dân thay đổi tư duy sản xuất theo hướng an toàn, bền vững và hài hòa với môi trường sinh thái. (Ảnh minh họa)

Bộ NN-PTNT kêu gọi sự ủng hộ và tham gia của các bên liên quan để thực hiện ba đề án trên. Đặc biệt, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia phát triển IPHM, phát triển thuốc bảo vệ thực vật sinh học và phân bón hữu cơ. Chính phủ đóng vai trò hỗ trợ, tạo môi trường hoạt động thuận lợi cho các thành phần kinh tế, tập trung hỗ trợ nghiên cứu, phát triển và chuyển giao công nghệ, phát triển thị trường. Nông dân và các tổ chức sản xuất (doanh nghiệp, HTX…) liên kết hợp tác để phát triển.

Cục BVTV cho rằng, sự chung tay đồng hành của các cấp, ngành, tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thuốc BVTV, phân bón và người dân sẽ tạo thêm động lực mạnh mẽ cho phát triển thuốc bảo vệ thực vật sinh học, phân bón hữu cơ. Qua đó, góp phần phát triển một nền nông nghiệp sạch và hữu cơ, hướng đến giá trị cao, bền vững./.

Trọng Bình