Quảng cáo #128

Nông nghiệp Bình Định tạo sức bật từ nỗ lực chuẩn hóa các sản phẩm VietGAP, hữu cơ và liên kết theo chuỗi giá trị

Thời gian qua, ngành nông nghiệp tỉnh đã đẩy mạnh sản xuất theo hướng ứng dụng công nghệ cao, hữu cơ, thích ứng với biến đổi khí hậu và gắn với liên kết chuỗi giá trị nông sản; thực hiện chuẩn hóa các sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ, đảm bảo an toàn thực phẩm và liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị.
nong-nghiep-huu-co-binh-dinh-2-1734944683.jpg
Đến nay, toàn tỉnh Bình Định có hơn 281ha cây trồng đã được chứng nhận VietGAP.(Ảnh minh họa)

Phát triển nông nghiệp gắn với đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm

An toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản được ngành chức năng Bình Định đặt làm nhiệm vụ trọng tâm trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị, nâng cao chất lượng, phát triển bền vững. Theo đó, Sở NN&PTNT Bình Định đã phối hợp với các sở, ngành, địa phương tổ chức sản xuất nông sản theo hướng đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm.

Theo bà Nguyễn Thị Tố Trân, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Bình Định, thời gian qua, ngành nông nghiệp tỉnh đã đẩy mạnh sản xuất theo hướng ứng dụng công nghệ cao, hữu cơ, thích ứng với biến đổi khí hậu và gắn với liên kết chuỗi giá trị nông sản; thực hiện chuẩn hóa các sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ, đảm bảo an toàn thực phẩm và liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị.

Đến nay, diện tích cây trồng được chứng nhận VietGAP trên địa bàn Bình Định đạt hơn 284ha, trong đó có gần 125ha rau các loại; gần 130ha cây ăn quả; 14,8ha lúa nếp; 7ha đậu phộng (lạc), 5ha ớt, 3ha dừa. Bên cạnh đó, diện tích cây trồng đã có chứng nhận hữu cơ gồm hơn 121ha, trong đó có 6,7ha lúa, 2,5ha bưởi, 2,4ha rau và 110ha dừa.

Hiện Bình Định đã có 2 mã số vùng trồng cây xoài và 1 mã số dưa hấu cùng 1 cơ sở đóng gói được cấp mã số xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Ngoài ra, Bình Định vừa được cấp 5 mã số vùng trồng dừa tươi xuất khẩu sang Trung Quốc với diện tích 62,6ha. Ngoài ra, Bình Định còn thực hiện cấp 21 mã số vùng trồng nội địa với diện tích 178,8ha, trong đó rau, dưa các loại có 10 mã số với hơn 55ha; 5 mã số bưởi với 18,7ha; 1 mã số đậu phộng với 5ha và 5 mã số dừa với 100ha.

“Bình Định đang duy trì chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ rau đạt tiêu chuẩn VietGAP với nhãn hiệu “Lá Lành”, kết nối tiêu thụ trong hệ thống siêu thị và các quầy bán rau an toàn, sản lượng liên kết tiêu thụ bình quân trên 25 tấn/tháng; liên kết sản xuất và tiêu thụ bưởi của HTX Nông nghiệp Thanh Niên Hoài Ân với diện tích 93,87ha, ký hợp đồng tiêu thụ với Siêu thị Co.opmart Quy Nhơn”, bà Nguyễn Thị Tố Trân chia sẻ.

nong-nghiep-huu-co-binh-dinh-4-1734944717.jpg
Làng rau VietGAP Thuận Nghĩa có 19,5 ha được công nhận là rau VietGAP với thương hiệu Lá Lành.(Ảnh minh họa)

Tại Làng rau VietGAP Thuận Nghĩa (khối Thuận Nghĩa, thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn) hiện có 470 hộ dân thì có 224 hộ dân tham gia làng rau, với tổng diện tích 36 ha.

Là một làng rau truyền thống, song phương thức sản xuất ở Thuận Nghĩa lại rất tân tiến. Các hộ sản xuất với sự dẫn dắt của HTX nông nghiệp Thuận Nghĩa đang ứng dụng hiệu quả khoa học kỹ thuật, tạo ra những sản phẩm chất lượng cao. Đến nay, làng rau đã có 19,5 ha được công nhận là rau VietGAP với thương hiệu Lá Lành.

Giám đốc Quách Văn Cầu cho biết, HTX hiện có 6 nhóm sản xuất, được hỗ trợ để ứng dụng hiệu quả khoa học - kỹ thuật. Nhờ sản xuất khoa học, HTX đang có bước phát triển ổn định, duy trì đà tăng trưởng 15 - 30%/năm về doanh thu. Theo đó, đời sống của thành viên, người lao động ngày càng được nâng cao với thu nhập bình quân 100-250 triệu đồng/ha/năm.

Ứng dụng công nghệ cao đảm bảo sự phát triển nông nghiệp bền vững

Nhờ những bước chuyển về tư duy sản xuất từ nhỏ lẻ lạc hậu sang ứng dụng khoa học kỹ thuật, hình thành các liên kết chuỗi đang giúp nông dân trên địa bàn tỉnh Bình Định cải thiện thu nhập, mang lại những sắc màu mới tươi sáng hơn cho bức tranh nông nghiệp tỉnh Bình Định.

Ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh cho hay: “Ứng dụng công nghệ cao là điều tất yếu khi muốn nâng cao hiệu quả, tạo bước đột phá về năng suất, chất lượng nông sản, đảm bảo sự phát triển nông nghiệp bền vững”, đồng thời cho biết trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản… là các lĩnh vực được nhiều cá nhân, tổ chức tập trung đẩy mạnh phát triển.

Ở lĩnh vực trồng trọt, người dân và DN chủ yếu áp dụng quy trình thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP) và trồng trọt hữu cơ. Còn trong chăn nuôi, được phát triển theo hướng ứng dụng công nghệ cao.

Trên địa bàn tỉnh cũng đang được tập trung vào 3 vật nuôi chủ lực: Bò, heo và gà. Đến nay, toàn tỉnh có 49 trang trại hoạt động chăn nuôi, sản xuất con giống theo hướng ứng dụng công nghệ cao, có hệ thống chăn nuôi hiện đại, khép kín (34 trang trại heo, 14 trang trại gà, 1 trang trại bò sữa). Đồng thời, có 59 trang trại, cơ sở chăn nuôi được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAHP, an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm.

nong-nghiep-huu-co-binh-dinh-5-1734944654.jpg
Trại heo THACO AGRI Bình Định với tổng diện tích 120ha tại Xã Cát Lâm, Huyện Phù Cát, có mục tiêu sản xuất heo giống, nuôi heo thịt, cung cấp heo thương phẩm cho thị trường nội địa. (Ảnh minh họa)

Nhận định về sự chuyển dịch trong lĩnh vực chăn nuôi, ông Huỳnh Ngọc Diệp, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Bình Định cho hay: Nhiều năm nay, người chăn nuôi đã đẩy mạnh sản xuất sản phẩm chăn nuôi an toàn, đảm bảo chất lượng theo hướng hữu cơ, VietGAHP, ứng dụng công nghệ cao và nâng cấp, xây dựng trang trại chăn nuôi tự động, khép kín, thân thiện với môi trường.

Hiện nay, Bình Định có 97.590 con heo được nuôi theo quy trình ứng dụng công nghệ cao, mục tiêu đến năm 2025 sẽ là 242.000 con. Đặc biệt, trên địa bàn tỉnh hiện có 2 doanh nghiệp là Công ty TNHH Bảo Châu (huyện Hoài Ân) và HTX Chăn nuôi tổng hợp Nhơn Khánh (thị xã An Nhơn) đang nuôi heo theo hướng hữu cơ, áp dụng công nghệ vi sinh và công nghệ xử lý chất thải bằng đệm lót sinh học tiên tiến. Hai đơn vị nói trên cung ứng cho thị trường sản phẩm heo thảo mộc đảm bảo chất lượng, được người tiêu dùng ưa chuộng.

Bình Định đang có 79.800 con bò được nuôi theo hướng chất lượng cao. Lĩnh vực chăn nuôi gà cũng đang cung ứng cho thị trường nhiều sản phẩm an toàn, chất lượng cao từ Công ty TNHH Giống gia cầm Minh Dư (huyện Tuy Phước) và Công ty TNHH Giống gia cầm Cao Khanh (huyện Phù Cát). Nhiều nhãn hiệu sản phẩm chăn nuôi đã được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận như: Nhãn hiệu heo Hoài Ân, nhãn hiệu thịt heo đen An Lão, nhãn hiệu gà ta thả vườn.

Với những giải pháp đồng bộ trong phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa và các sản phẩm có lợi thế theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất với thị trường; chú trọng sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao... ngành Nông nghiệp Bình Định đang thu được kết quả tích cực, góp phần đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế của địa phương.

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở NN&PTNT), đánh giá: Việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất góp phần thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho nông dân; đồng thời giảm thiểu việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, bảo vệ môi trường sinh thái và thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao chất lượng nông sản, an toàn thực phẩm./.

Bình Nguyên