Bàn giải pháp gỡ khó cho ngành Thủy sản Việt Nam

Để hỗ trợ phát triển thị trường và gỡ vướng về chính sách thuế, tín dụng là những kiến nghị được cộng đồng doanh nghiệp (DN) ngành Thủy sản gửi lên Thủ tướng Chính phủ, mong mỏi tìm đầu ra cho sản phẩm.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), năm 2023, lạm phát khiến nhu cầu tiêu thụ giảm ở hầu hết các thị trường chính và tác động xấu đến sản xuất trong nước khiến cho lượng đơn hàng xuất khẩu (XK) của các DN giảm từ 20-50%, lượng tồn kho tăng. Thị trường khó khăn, sản xuất nguyên liệu trong nước bị chững lại. Cả bà con nông ngư dân và DN đều thiếu vốn để duy trì nuôi trồng, khai thác và chế biến.

Chi phí sản xuất nguyên liệu tăng cao cùng với sự tăng giá bao bì, vật tư, năng lượng, nhân công… trong khi thủy sản Việt Nam đang bị áp lực cạnh tranh về nguồn cung và giá bán với các nước Ecuador, Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia tại các thị trường lớn. Các DN chế biến, XK hải sản khai thác gặp nhiều khó khăn để có thể XK được lô sản phẩm hải sản khai thác vào EU do còn nhiều bất cập theo quy định IUU.

img-6753-1681379606.jpg
Ngành Thủy sản đang gặp nhiều khó khăn trong năm 2023. Ảnh minh họa

Kết quả là quý I/2023, xuất khẩu sụt giảm 27% so với cùng kỳ năm ngoái chỉ đạt 1,8 tỷ USD và giảm sâu ở tất cả các sản phẩm và thị trường chính. Với diễn tiến này, dự báo XK thủy sản Việt Nam chỉ có thể hồi phục dần từ quý 3/2023. Tập trung lớn nhất hiện nay là sản xuất, chế biến trong nước phải sẵn sàng nguồn cung ứng ngay khi thị trường hồi phục.

Trước những khó khăn trên, tại Hội nghị làm việc với Hiệp hội Gỗ và lâm sản, Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu lâm sản và thuỷ sản, bà Nguyễn Thị Thu Sắc, Chủ tịch VASEP đã kiến nghị Thủ tướng tháo gỡ nhiều vướng mắc.

Cụ thể: Về nguyên liệu và duy trì năng lực sản xuất nguyên liệu, trước tình hình người dân ngại thả nuôi vụ mới do chi phí tăng cao và e ngại thị trường tiếp tục xấu, VASEP kiến nghị Thủ tướng xem xét để sớm có một chương trình kích cầu để tạo tâm lý yên tâm cho nông, ngư dân duy trì sản xuất nguyên liệu. Với kiến nghị này, VASEP đề xuất có gói tín dụng khoảng 10.000 tỷ đồng với lãi suất thấp (bằng với mức vay ngoại tệ) cho DN thủy sản vay, thu mua và trữ nguyên liệu khi vào vụ thu hoạch.

Về dài hạn, VASEP kiến nghị Chính phủ thúc đẩy việc sửa đổi Luật Đất đai, đặc biệt quan tâm đến vấn đề tích tụ ruộng đất, quy định sử dụng đất, quy hoạch đất để ngành hàng có thể phát triển được các vùng nuôi và sản xuất giống tập trung phù hợp. Bên cạnh đó, cần có quy hoạch và chính sách bảo tồn nguồn lợi biển, quy định những vùng nuôi, những loài hải sản được khai thác với kích cỡ nhất định, đồng thời có chính sách khuyến khích nuôi biển.

Thứ hai, liên quan đến chứng nhận hải sản khai thác và khơi thông XK, VASEP kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các tỉnh ven biển quyết liệt chỉ đạo gỡ thẻ vàng IUU của EC, ưu tiên lớn nhất là không còn tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài; cải tiến cơ sở dữ liệu quản lý tàu thuyền-khai thác; đẩy nhanh việc số hóa quy trình kiểm tra-cấp xác nhận, chứng nhận khai thác. Bên cạnh đó, kiến nghị Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ quan tâm, hỗ trợ để tăng đầu tư hạ tầng nghề cá và nâng cao năng lực thực thi quản lý tàu thuyền, khai thác biển.

Thứ ba, vấn đề tín dụng và lãi suất, VASEP kiến nghị Thủ tướng và Ngân hàng Nhà nước xem xét chỉ đạo, điều chỉnh lãi suất vay USD xuống dưới 4% để hỗ trợ cho DN XK; có chính sách hướng tín dụng vào sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên – bao gồm thủy sản. Rà soát thủ tục và xem xét có các gói tín dụng ưu đãi dành cho hộ nuôi tôm nhỏ lẻ. Cho các DN thủy sản được giãn nợ 3-5 tháng các khoản vay đến hạn phải trả trong quý 1-2/2023. Tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất 2% đối với DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong lĩnh vực nông-lâm-thủy sản theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ.

Thứ tư, liên quan đến việc tăng khả năng cạnh tranh cho sản phẩm thủy sản Việt Nam, VASEP kiến nghị Chính phủ xem xét chỉ đạo duy trì một số chính sách giảm chi phí đầu vào cho DN, bao gồm: Các chính sách miễn, giảm, gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất và miễn, giảm các loại phí, lệ phí, giảm mức đóng quỹ bảo hiểm thất nghiệp cho DN đến hết 2023. Kiến nghị Bộ Tài chính đẩy nhanh tiến độ hoàn thuế GTGT, nghiên cứu sửa đổi, đề xuất mức đóng kinh phí công đoàn từ 2% xuống tối đa 1% quỹ lương.

Kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo các đơn vị liên quan tập trung kiểm soát các cơ sở sản xuất giống thủy sản, kiểm soát chất lượng tôm giống bố mẹ, cũng như có các biện pháp giúp bình ổn giá thức ăn, thuốc thú y.

Kiến nghị Bộ Tài chính xem xét giảm thuế nhập khẩu khô đậu tương từ 2% xuống 0% để hỗ trợ ngành nuôi trồng thủy sản Việt Nam. Kiến nghị Bộ Tài chính đưa vào văn bản Quy phạm pháp luật xác định rõ hoạt động chế biến thủy sản được thực hiện chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp theo đúng tinh thần văn bản số 2550 ngày 12/3/2021 của Bộ Tài chính. Ngoài ra, VASEP còn nêu kiến nghị liên quan đến chi phí tuân thủ xử lý môi trường, khơi thông và phát triển thị trường.

img-8081-1681350479455659739482-1681360343.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị làm việc với Hiệp hội Gỗ và lâm sản, Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Để hỗ trợ các doanh nghiệp lâm sản, thuỷ sản Thủ tướng yêu cầu phản ứng chính sách chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả hơn; xử lý kịp thời các kiến nghị của DN trong sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu lâm sản, thủy sản. Theo dõi sát tình hình phát triển của thị trường xuất khẩu lâm sản và thuỷ sản; diễn biến tình hình quốc tế, khu vực, việc điều chỉnh chính sách của các nước, đối tác, nhất là các chính sách về thương mại, đầu tư, tiền tệ để chủ động phân tích, dự báo, xây dựng các kịch bản, phương án điều hành, ứng phó phù hợp.

Bên cạnh đó, Thủ tướng khuyến khích DN vượt khó có cách làm mới, tự cứu mình; đồng thời doanh nghiệp, tư nhân đầu tư hạ tầng, trang thiết bị dịch vụ hậu cần nuôi trồng thủy sản trên biển, đầu tư mới, nâng cấp các trại sản xuất giống, trại nuôi trồng thủy sản...

Thủ tướng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp các cơ quan, địa phương liên quan nghiên cứu, đẩy mạnh các giải pháp khắc phục "thẻ vàng" IUU của Liên minh châu Âu; tìm kiếm, xúc tiến thị trường mới cho hoạt động xuất khẩu nông sản Việt Nam.

Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với bộ, ngành liên quan nghiên cứu các chính sách, tháo gỡ các vấn đề về thuế, trình cấp có thẩm quyền để xem xét, thực hiện các giải pháp về miễn, giảm, giãn, hoãn, gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất, tiền sử dụng đất áp dụng cho năm 2023.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam điều hành chính sách để các ngân hàng cho vay, cấp vốn, tiết giảm chi phí, giảm lãi suất vay hỗ trợ cho doanh nghiệp xuất khẩu; hướng tín dụng vào sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên - bao gồm thủy sản. Trong đó, tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất 2% đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong lĩnh vực nông - lâm - thủy sản…/.

Đông Nghi