Nỗ lực của Việt Nam nhằm khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo theo xu thế xanh và thân thiện môi trường

Chính phủ Việt Nam đã xây dựng và ban hành nhiều chiến lược phát triển năng lượng trong đó có Quy hoạch điện VIII, với mục tiêu tăng cường tỷ lệ năng lượng tái tạo trong tổng công suất phát điện quốc gia. Để chuyển dịch năng lượng thành công, các chuyên gia năng lượng nhận định có 4 yếu tố cốt lõi cần hướng tới, đó là: công nghệ, nền kinh tế cạnh tranh, mở cửa thị trường và chính sách hỗ trợ về khoa học và công nghệ.
phat-trien-nang-luong-tai-tao-3-1729914941.jpg
Xu hướng xanh, sạch, thân thiện môi trường là trọng tâm chính sách phát triển năng lượng của nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam những năm gần đây. (Ảnh minh họa)

Phát triển năng lượng tái tạo theo xu thế xanh, sạch và thân thiện môi trường

Xu hướng xanh, sạch, thân thiện môi trường là trọng tâm chính sách phát triển năng lượng của nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam những năm gần đây. Tuy nhiên, quá trình phát triển, công nghệ và tỷ lệ nội địa hóa đang là một trong những “nút thắt” của ngành năng lượng tái tạo Việt Nam.

Tại cuộc họp nghe báo cáo dự thảo Nghị định quy định cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà do Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chủ trì ngày 10/4/2024, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho rằng điện mặt trời mái nhà có thể được liên kết và bán phần điện dư lên lưới quốc gia. Giá bán điện sẽ tùy vào thời điểm, người dân và doanh nghiệp có thể được trả tiền cho lượng địa dư thừa lên lưới.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng đề nghị hỗ trợ lãi suất khi đầu tư thiết bị lưu trữ điện và được phép đặt điện mặt trời mái nhà không theo quy hoạch điện VIII.

Theo Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, điện mặt trời mái nhà, điện gió ngoài khơi, điện sinh khối, điện rác... (bao gồm cả các dự án xuất khẩu điện mà không đưa lên lưới quốc gia, sản xuất hydro xanh, tự sản, tự tiêu...) được ưu tiên phát triển trong điều kiện đáp ứng công nghệ, an toàn hệ thống, giá cả phù hợp. Phát triển điện mặt trời mái nhà là phương án sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, có vai trò quan trọng trong việc góp phần đảm bảo an ninh năng lượng.

Từ nhiều năm qua, tốc độ phát triển nguồn điện của Việt Nam được đánh giá chậm hơn so với tốc độ phát triển của nền kinh tế, dẫn đến nguy cơ thiếu điện luôn thường trực. Dựa trên các thống kê, nhu cầu điện năng của Việt Nam thường tăng gấp 1,8-2,0 lần tốc độ tăng trưởng GDP.

Theo Nhiệm vụ quy hoạch phát triển điện lực quốc gia đã được Chính phủ phê duyệt, công suất lắp đặt nguồn điện cả nước sẽ lên đến 130.000 MW năm 2030 so với 47.000 MW hiện nay. Như vậy, khoảng 83.000 MW nguồn điện mới sẽ cần phải được xây dựng và đưa vào vận hành từ nay đến 2030. Nhưng để phát triển nguồn điện đáp ứng đủ nhu cầu lại trở thành một thách thức lớn khi mà trong bối cảnh chống biến đổi khí hậu nhiệt điện gây ô nhiễm, thủy điện đến đã đến giới hạn, điện hạt nhân đứng trước những cảnh báo về thảm họa.

phat-trien-nang-luong-tai-tao-2-1729915009.jpg
Việt Nam thuộc danh sách các nước có tiềm năng lớn để đầu tư thêm các nguồn NLTT mới như điện mặt trời, điện gió...(Ảnh minh họa)

Trong khi đó, Việt Nam có tiềm năng lớn để phát triển nguồn năng lượng tái tạo (NLTT) từ nắng, từ gió khi có vị trí địa lý thuận lợi ở các vùng miền trung và miền nam với tổng số giờ nắng trong năm dao động trong khoảng 1.400-3.000 giờ, cường độ bức xạ mặt trời trung bình khoảng 4-5 kWh/m2/ngày, số ngày nắng trung bình khoảng 300 ngày/năm. Năng lượng mặt trời ở Việt Nam có sẵn quanh năm, khá ổn định và phân bố rộng rãi trên các vùng miền khác nhau của đất nước.

Với đường bờ biển dài 3000 km, 39% lãnh thổ nước ta có tốc độ gió lớn hơn 6m/s, tương đương tiềm năng sản lượng điện gió 513 GW. Khoảng 10% trong số đó, được coi là có tiềm năng năng lượng điện gió rất lớn nằm tại các tỉnh miền trung - Tây Nguyên và Nam Bộ.

Trong khoảng ba năm gần đây, NLTT đã có sự phát triển rầm rộ nhờ những “cú hích” từ cơ chế, chính sách. Nghị quyết 55-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XII nhấn mạnh: phát triển đồng bộ, hợp lý và đa dạng hóa các loại hình năng lượng, ưu tiên khai thác, sử dụng triệt để và hiệu quả các nguồn NLTT, năng lượng mới, năng lượng sạch.

Đồng thời, đặt ra nhiệm vụ xây dựng các cơ chế, chính sách đột phá để khuyến khích và thúc đẩy phát triển mạnh mẽ các nguồn NLTT nhằm thay thế tối đa các nguồn năng lượng hóa thạch. Nghị quyết 140 Chính phủ ban hành mới đây về chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị đặt mục tiêu đầy tham vọng với tỷ lệ các nguồn NLTT trong tổng cung năng lượng sơ cấp đạt khoảng 15-20% vào năm 2030; 25-30% vào năm 2045.

Chính phủ cũng đã có nhiều quyết định về cơ chế hỗ trợ giá FIT (là một cơ chế chính sách được đưa ra nhằm khuyến khích phát triển các nguồn NLTT, giá bán điện được tính toán để nhà đầu tư thanh toán đủ chi phí đầu tư, có lãi vừa phải và giá này được giữ cố định trong 20 năm).

Theo thống kê của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), chỉ trong vài ba năm, công suất lắp đặt điện gió, điện mặt trời đã vượt 20.000MW, chiếm đáng kể trong tổng công suất lắp đặt là hơn 70.000MW, đưa Việt Nam trở thành một trong những thị trường tăng trưởng “nóng” nhất về NLTT trên thế giới.

Nguồn lực khổng lồ với hàng tỷ USD của khu vực tư nhân trong và ngoài nước đã đổ vào điện gió, điện mặt trời. Ông Nguyễn Anh Tuấn – nguyên Giám đốc Trung tâm năng lượng tái tạo đánh giá sự bùng nổ của điện gió, điện mặt trời ở Việt Nam cho thấy Chính phủ đã thúc đẩy phát triển NLTT.

Việt Nam đã có bước đi quan trọng về phát triển kinh tế bền vững và bảo vệ môi trường

Theo Báo cáo tóm tắt Triển vọng chuyển dịch năng lượng Thế giới năm 2023 do Cơ quan Năng lượng tái tạo quốc tế (IRENA) công bố, những nước đi đầu trong chuyển dịch năng lượng đa phần là các quốc gia có nền kinh tế tiên tiến, có thế mạnh về năng lượng tái tạo và tiềm lực tài chính như Đức, Đan Mạch, Hà Lan, Phần Lan, Na Uy, Thụy Điển… Đồng thời, quốc gia nào có thời gian triển khai chuyển dịch năng lượng sớm thì lợi ích mang lại sẽ lớn hơn. Tuy nhiên, dù chuyển dịch năng lượng là điều cần thiết nhưng bối cảnh chuyển dịch năng lượng đang rất chênh lệch giữa các nhóm nước phát triển và nước đang phát triển.

Báo cáo Đầu tư Thế giới tại Hội nghị Liên hợp quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD) cho thấy, kể từ khi Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu được ký năm 2015, các khoản đầu tư cho năng lượng tái tạo đã tăng gấp 3 lần, nhưng phần tăng tập trung chủ yếu ở các nước phát triển và Trung Quốc.

Tại Hội nghị Thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc lần thứ 26 (COP26) diễn ra tại Glasgow (Scotland) tháng 11/2021, Việt Nam đã cam kết đạt được mức phát thải ròng bằng không vào năm 2050; cam kết không xây dựng thêm các nhà máy nhiệt điện than mới sau năm 2030, giảm dần tỷ trọng nhiệt điện than trong tổng cơ cấu năng lượng của quốc gia; đồng thời tăng cường phát triển và sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời, gió, sinh khối, thủy điện và các nguồn năng lượng sạch khác.

Việt Nam cũng đã tham gia Đối tác chuyển dịch năng lượng công bằng (JETP) - một bước đi quan trọng trong nỗ lực chuyển đổi cơ cấu năng lượng theo hướng bền vững và công bằng. Các cam kết tại JETP không chỉ giúp Việt Nam đạt được các mục tiêu về giảm phát thải khí nhà kính mà còn góp phần vào phát triển kinh tế bền vững và bảo vệ môi trường.

Chính phủ Việt Nam đã xây dựng và ban hành nhiều chiến lược phát triển năng lượng trong đó có Quy hoạch điện VIII, với mục tiêu tăng cường tỷ lệ năng lượng tái tạo trong tổng công suất phát điện quốc gia. Cụ thể, Việt Nam đặt mục tiêu đạt khoảng 30% công suất điện từ năng lượng tái tạo vào năm 2030.

Để chuyển dịch năng lượng thành công, các chuyên gia năng lượng nhận định có 4 yếu tố cốt lõi cần hướng tới, đó là: công nghệ, nền kinh tế cạnh tranh, mở cửa thị trường và chính sách hỗ trợ về khoa học và công nghệ.

phat-trien-nang-luong-tai-tao-4-1729915054.jpg
Sự phụ thuộc vào sản xuất điện than đặt ra những thách thức đáng kể đối với sự phát triển bền vững và an ninh năng lượng. (Ảnh minh họa)

Theo ông Nguyễn Sĩ Đăng, Phó Vụ trưởng Vụ Thẩm định và Giám định công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ), chính sách phát triển khoa học và công nghệ cho chuyển dịch năng lượng tại Việt Nam cần tập trung vào các mục tiêu cụ thể để thúc đẩy quá trình chuyển đổi từ năng lượng truyền thống sang năng lượng tái tạo và bền vững hơn.

Ông Nguyễn Sĩ Đăng đề xuất xây dựng các chương trình phát triển công nghệ trọng điểm quốc gia trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, nhằm thúc đẩy nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ mới. Cùng với đó, xây dựng cơ chế thuận lợi cho việc chuyển giao công nghệ tiên tiến từ các quốc gia phát triển, giúp Việt Nam nhanh chóng tiếp cận và ứng dụng các công nghệ mới vào sản xuất và đời sống. Đồng thời, cần thiết lập các cơ chế hỗ trợ tài chính, thuế cho các dự án nghiên cứu và triển khai công nghệ mới; tạo cơ chế với các điều kiện thuận lợi, thu hút các doanh nghiệp, tổ chức tham gia vào nghiên cứu và phát triển năng lượng tái tạo.

Chính phủ tăng cường đầu tư vào các dự án nghiên cứu, phát triển công nghệ năng lượng tái tạo bao gồm việc cấp kinh phí cho các viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp tham gia vào nghiên cứu khoa học và công nghệ; áp dụng các chính sách ưu đãi thuế cho các doanh nghiệp đầu tư vào nghiên cứu và phát triển công nghệ năng lượng tái tạo, bao gồm giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế nhập khẩu thiết bị và công nghệ mới.

Đối với năng lượng mặt trời, ông Nguyễn Sĩ Đăng đề xuất nghiên cứu và phát triển các công nghệ pin mặt trời hiệu suất cao và chi phí thấp; ứng dụng công nghệ lưu trữ năng lượng mặt trời để đảm bảo cung cấp điện ổn định; phát triển hệ thống điện mặt trời tích hợp vào lưới điện quốc gia và hệ thống điện độc lập ở các vùng sâu, vùng xa.

Đối với năng lượng gió, cần phát triển và cải tiến công nghệ tuabin gió, đặc biệt là các tuabin gió ngoài khơi; nghiên cứu và triển khai các giải pháp lưu trữ năng lượng gió; xây dựng các hệ thống điều khiển thông minh để tối ưu hóa hiệu suất và độ tin cậy của các trang trại gió.

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, các quốc gia trong đó có Việt Nam xác định phát triển năng lượng tái tạo là một phần quan trọng trong quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, bền vững. Để đạt được mục tiêu này, việc nghiên cứu, phát triển công nghệ giúp tăng tỷ lệ nội địa hóa ngành năng lượng tái tạo là điều kiện tiên quyết, cũng là một phần trong nỗ lực của đất nước để hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu và đối phó với biến đổi khí hậu./.

Theo các chuyên gia, NLTT tuy có tiềm năng lớn, tuy nhiên muốn khai thác cần phải có sự hỗ trợ trong một thời gian nữa. Theo dự kiến kịch bản cho phát triển NLTT (Quy hoạch điện VIII), Việt Nam có thể khai thác đến 50.000 MW công suất với sản lượng hơn 160 tỷ kWh từ NLTT vào năm 2030 và lên đến 260.000 MW vào năm 2050, nếu có chính sách hỗ trợ hợp lý - đây là một đóng góp rất lớn cho nhu cầu của quốc gia về sản lượng điện và đảm bảo an ninh năng lượng.

Trong khi đó, PGS, TS Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế cho rằng, Quy hoạch điện VIII dù đã thỏa mãn được yêu cầu của hệ thống điện Việt Nam, nhưng vẫn cần các giải pháp quyết liệt, cụ thể, thiết thực, thì mới có thể hiện thực hóa được các mục tiêu đề ra. Nếu không, việc thiếu điện sẽ vẫn hiện hữu, giá điện vẫn là điểm nghẽn, trong khi giá điện là yếu tố quyết định mức độ hấp dẫn đầu tư vào ngành điện.

Và quan trọng hơn hết là sự phát triển này sẽ giảm thiểu sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch nhập khẩu, giảm phát thải khí nhà kính, đảm bảo yếu tố phát triển bền vững, đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Do đó, để đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, Bộ Công Thương cần sớm hoàn chỉnh dự thảo Kế hoạch thực hiện để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Khi có Kế hoạch thực hiện thì các cơ quan liên quan mới có thể đề xuất chương trình hành động cụ thể để thực hiện, thay vì ngồi chờ quy định như hiện nay.

Trọng Bình