Những ngày làm phim tài liệu "Rồi con sẽ về..."

Học văn nhưng cái duyên lại đưa tôi đến với nghề báo, một nghề đưa lại cho tôi thật nhiều cảm xúc, nhiều đam mê. Dừng chân ở mảng phim tài liệu, tôi càng cảm nhận rõ rệt những cảm xúc mà nghề mang lại, vui có, buồn có, hi vọng và cả thất vọng có…. Nhưng chắc chắn đã làm nghề báo thì phải có "lửa"...
z3502488374575-620ccce808c18b031f1263e1a80670c0-1655562181.jpg
Phóng viên Hà Liên

Năm 2017, chúng tôi đến với thị trấn Sapa mờ sương thực hiện bộ phim tài liệu "Những đứa trẻ Sapa". Tôi còn nhớ mãi những chi tiết mà bộ phim năm ấy khai thác: tiếng rao mua hàng khẩn cầu tha thiết, ánh mắt thèm thuồng, cái bám tay vào hàng rào lớp học, những tổn thương khi bị du khách mắng chửi, những mơ ước non nớt về cuộc sống sau này…

Năm 2018, chúng tôi lại rong ruổi vào Bình Phước, ăn ngủ tại lán cao su giữa rừng đầy vắt và muỗi, ngày ngày bám theo nhân vật từ nửa đêm đến sáng để ghi lại những hình ảnh chân thực nhất của chàng trai người dân tộc Stieng chăm chỉ cần cù trong phim tài liệu “Điểu Kock học cạo mủ cao su..”

Năm 2019, tôi ấp ủ đề tài về nỗi đau của những người phụ nữ vô sinh hiếm muộn, mang tiếng “Cây độc không trái, gái độc không con”. Có thể là do làm nghề bằng trái tim một người phụ nữ nên tôi dễ xúc động và đồng cảm với những đề tài về thân phận con người. "Rồi con sẽ về" là một bộ phim tôi phải đeo bám ròng rã trong suốt 2 năm.

Để tìm kiếm nhân vật và lắng nghe những câu chuyện của họ, tôi tìm đến những bệnh viện hàng đầu về thụ tinh ống nghiệm. Nhưng suốt mấy tháng đi lại, bắt chuyện, tiếp xúc làm que, thứ tôi nhận được là cái lắc đầu từ chối của nhân vật. Phải, họ đã đau đớn đến tận cùng rồi, họ không muốn đưa câu chuyện của mình lên truyền hình nữa…

Tôi vào các hội nhóm vô sinh hiếm muộn trên các trang mạng xã hội, đọc ngấu nghiến các chia sẻ, tâm sự của họ, càng thương xót, càng quyết tâm mình phải thực hiện được bộ phim về nỗi đau này, để họ được thấu hiểu, để họ được cảm thông, để họ không phải cúi mặt mặc cảm nữa… Nhưng mà đáp lại những lời thuyết phục tha thiết của tôi, vẫn là sự im lặng.

Đề tài có đấy, nhưng không tìm kiếm được nhân vật sẵn sàng chia sẻ câu chuyện của mình khiến tôi cứ trăn trở mãi. Không bỏ cuộc, tôi lại ròng rã tìm kiếm liên tục từ nhiều manh mối. Cho đến khi tôi tìm đến bệnh viện thứ 4 là Viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội, thì như một cái duyên may, không phải 1 mà là có đến 2 cặp đôi hiếm muộn đồng ý kể lại câu chuyện của họ, đồng ý để chúng tôi ghi hình.

Làm phim sung sướng nhất là có được những chi tiết đẹp, những phỏng vấn hay. Trong quá trình thực hiện, tôi không phỏng vấn kiểu hỏi đáp thông thường mà cứ thủ thỉ trò chuyện, tâm sự để nhân vật tự mở lòng, tự chia sẻ với mình một cách tự nhiên nhất. Và vì có những lời tâm sự thật hay nên phim đã không sử dụng lời bình vì không có lời bình nào có thể hay hơn những lời gan ruột của nhân vật nữa.

Khi phim bấm máy được hơn nửa, đột ngột tối hôm đấy, nhân vật gọi điện cương quyết bảo không muốn ghi hình nữa vì hàng xóm, họ hàng dị nghị khiến gia đình bị áp lực.. Đứng trước nguy cơ bị vỡ phim, từ đạo diễn, quay phim, âm thanh ánh sáng đến cả lái xe lại đồng tâm năn nỉ thuyết phục khiến cuối cùng… nhân vật cũng phải mủi lòng..

Dự tính cảnh thử thai sẽ làm kết phim và chúng tôi đã chuẩn bị cho cảnh này rất kĩ nhưng 1 sự cố ngoài dự tính đã xảy ra. Trước khi quay cảnh test máu thử thai, chúng tôi đã đặt sẵn máy để có thể ghi lại được cảm xúc chân thực nhất. Nhưng nhân vật, vì quá háo hức, hồi hộp, 3h sáng đã thử trước và biết có thai. Trước tình huống có nguy cơ mất khoảnh khắc cảm xúc đắt giá này, ekip lại phải phối hợp với bác sĩ trò chuyện về nguy cơ que test không chính xác. Và may mắn, đã “lừa” được nhân vật để cuối cùng vẫn có được nụ cười và giọt nước mắt hạnh phúc..

Năm 2019, phim dự thi liên hoan truyền hình toàn quốc lần thứ 39 tại Nha Trang và đã giành được Huy chương vàng.

Năm 2020, chúng tôi quay lại với 2 gia đình để làm tiếp phần 2 của bộ phim có tên là “Hạnh phúc đong đầy” Lúc này, mỗi gia đình đã có 2 bé kháu khỉnh. Phần 2 đã rất nhiều niềm vui và không còn những giọt nước mắt..

Vui hơn nữa, sau sự lan toả của bộ phim, từ năm 2021, mỗi năm bệnh viện Nam học Hiếm muộn Hà Nội (nơi êkip ghi hình ½ thời lượng phim) sẽ dành tặng 10 ca thụ tinh ống nghiệm miễn phí (Mỗi ca trị giá 100 triệu đồng) cho 10 gia đình quân nhân có hoàn cảnh khó khăn đang công tác tại các đơn vị trong Quân đội. Và chúng tôi, những người thực hiện bộ phim thực sự hạnh phúc vì những giá trị tốt đẹp mà bộ phim mang lại.

Hà Liên