Tổng thư ký Hội đồng Phát triển Kinh tế và Xã hội Quốc gia (NESDC) Danucha Pichayanan cho biết, Trung tâm Xử lý Tình hình Kinh tế (CESA) trong cuộc họp hôm 3/12 đã yêu cầu các cơ quan liên quan tìm ra những cách thức mới để thu hút nhiều đoàn làm phim nước ngoài hơn đến Thái Lan.
Theo ông Danucha, các biện pháp khuyến khích mới cần được hoàn thiện và đề xuất lên cuộc họp tiếp theo của CESA vào tháng 1/2022. Ông Danucha nói rằng các quy tắc và quy định liên quan đến đoàn làm phim nước ngoài hoạt động tại Thái Lan liên quan đến nhiều cơ quan khác nhau, trong khi thủ tục xin giấy phép lao động không thuận tiện cho việc quay phim, thuế nhập khẩu thiết bị tương đối cao và quy định của cơ quan nhà nước đối với việc sử dụng các khu vực công cộng không rõ ràng.
Một trở ngại lớn là một số quy định đã lỗi thời, chẳng hạn như yêu cầu các diễn viên phải xét nghiệm máu để tìm bệnh giang mai. Ngoài ra, những ưu đãi khi quay phim tại Thái Lan kém cạnh tranh hơn so với các ưu đãi của những nước khác.
Tuy nhiên, ông Danucha cho biết lợi thế cạnh tranh của Thái Lan là có nhiều địa điểm hấp dẫn để quay phim và cơ sở hạ tầng du lịch tốt. Thái Lan hiện có chính sách hoàn tiền tương đương 15% trên mỗi 50 triệu baht (1,5 triệu USD) chi tiêu cho một bộ phim được quay. Đoàn làm phim nước ngoài sẽ được hoàn lại thêm 5% tiền mặt nếu thuê nhân viên người Thái Lan, quảng bá văn hóa của "xứ Chùa Vàng" và quay tại các tỉnh du lịch hạng hai. Hạn mức tối đa để được hoàn tiền được ấn định là 75 triệu baht.
Tại Malaysia (Ma-lai-xi-a), các nhà làm phim quốc tế chi tối thiểu 5 triệu RM (khoảng 1,2 triệu USD) cho chi phí sản xuất, bao gồm cả các hoạt động hậu kỳ ở Malaysia, được hoàn lại 30% tiền mặt, với yêu cầu ít nhất 30% thành viên đoàn làm phim phải là người địa phương. Các cảnh quay chi ít nhất 1,5 triệu RM (khoảng 360.000 USD) cho các hoạt động hậu kỳ ở Malaysia, hoặc tối thiểu 385.000 RM mỗi giờ cho phim truyền hình, cũng được hưởng 30% tiền mặt hoàn lại.
Ba Lan hoàn tiền mặt 30% cho những nhà làm phim chi ít nhất 30 triệu baht (890.000 USD) cho chi phí sản xuất, trong khi Nam Phi hoàn 25% tiền mặt cho những người chi 105 triệu baht (3,14 triệu USD) cho các hoạt động sản xuất và hậu kỳ, cộng thêm 5% nếu họ sử dụng các công ty địa phương.
Theo ông Danucha, CESA cũng đã chỉ đạo Cơ quan Kinh tế Sáng tạo (CEA), cơ quan quản lý du lịch và các cơ quan liên quan đề xuất các biện pháp khuyến khích mới để thu hút các công ty sản xuất phim quốc tế quay phim tại Thái Lan. Ông Danucha cho biết kịch bản khả dĩ nhất cho các ưu đãi mới bao gồm hoàn tiền 30% cho các nhà làm phim nước ngoài chi từ 50-100 triệu baht để sản xuất phim tại Thái Lan.
Năm 2020, có 176 phim nước ngoài được quay ở Thái Lan, trong đó 74 là phim điện ảnh, 33 là phim bộ, 28 là phim quảng cáo và 41 là các loại hình khác. Chi phí sản xuất trung bình là 100-300 triệu baht./.