Nhiều chính sách ưu đãi cho phát triển nông nghiệp hữu cơ

Với những chính sách ưu đãi, thành phố Hội An (Quảng Nam) đang từng bước phát triển nông nghiệp hữu cơ có hiệu quả.

Là trung tâm du lịch, hằng năm thành phố Hội An đón hàng triệu lượt du khách. Do đó, để phát triển kinh tế nông nghiệp, Hội An đã vận dụng nhiều cơ chế chính sách nhằm hỗ trợ tốt nhất cho nông dân tham gia sản xuất nông nghiệp hữu cơ.

Bà Trần Huỳnh Hải Yến, đại diện PGS Hội An cho biết, từ năm 2014 - 2020, Hội An đã triển khai 10 dự án nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn thành phố cho 80 nông dân và 1 HTX, với tổng diện tích hơn 6 ha; tổng kinh phí đầu tư là 7 tỷ đồng.

Theo đó, Hội An xây dựng các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ cho nông dân/HTX, bao gồm: hỗ trợ 100% chi phí tư vấn xây dựng liên kết trong dự án liên kết theo chuỗi giá trị gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm; chi phí tập huấn, tham quan học tập mô hình; chi phí kiểm định mẫu đất, nước; chi phí một lần thuê tổ chức tư vấn và đánh giá chứng nhận sản phẩm được sản xuất theo quy trình hữu cơ; chi phí thiết kế, mua bao bì (không quá 30 triệu); chi phí xây dựng và áp dụng tiêu chuẩn cơ sở.

1-1651394924.jpg
Sản phẩm đã được chứng nhận PGS Hội An

Hỗ trợ 70% kinh phí để phân tích các chỉ tiêu an toàn thực phẩm. Hỗ trợ 50% chi phí mua giống và các vật tư thiết yếu; chi phí xây dựng trang thông tin điện tử giới thiệu sản phẩm, bán hàng trực tuyến; hỗ trợ tư vấn đăng ký thương hiệu, nhãn hiệu.

Hỗ trợ 30% chi phí mua máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất, thu hoạch; máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ sơ chế, chế biến, đóng gói và bảo quản sản phẩm.

Qua khảo sát và kiểm tra thực tế, hệ thống nước ngầm tại khu vực nông thôn của thành phố Hội An hầu hết đều bị nhiễm phèn, nên ảnh hưởng đến chất lượng nước tưới.

Để hỗ trợ cho nông dân trong việc tưới tiêu, Hội An đã linh hoạt vận dụng chính sách và nguồn kinh phí của địa phương, hỗ trợ 50% chi phí xây dựng bể lọc từ nguồn sự nghiệp thủy lợi.

2-1651394924.jpg
Nhiều chính sách ưu đãi nhằm phát triển nông nghiệp hữu cơ ở Hội An

Bên cạnh đó, để hỗ trợ hệ thống bờ bao, giàn lối đi, cổng ra vào, Hội An cũng hỗ trợ 50% chi phí và 30% chi phí mua công cụ sản xuất dễ hư hỏng (bạt, lưới che nắng, cuốc, xẻng, bình ô doa, rổ…) từ nguồn sự nghiệp kinh tế/sự nghiệp nông nghiệp/chương trình tam nông.

Thêm vào đó, để khuyến khích động viên nông dân, thành phố cũng có chính sách hỗ trợ bù thu nhập cho nông dân trong 6 tháng chuyển đổi ban đầu với mức hỗ trợ 500.000 đồng/500m2/nông dân; hỗ trợ phí hoạt động của nông dân để thành lập nhóm sản xuất, tham gia hệ thống PGS Hội An với mức 150.000 đồng/người/tháng trong 6 tháng đầu.

“Nhằm hỗ trợ cho hoạt động cấp chứng nhận PGS, thành phố Hội An quyết định hỗ trợ một phần kinh phí cho công tác thanh tra, hội họp của Ban điều phối PGS Hội An, mua bộ kit test nhanh sản phẩm; sau mỗi năm khi bị lũ lụt, Hội An cũng hỗ trợ nông dân 100% chi phí kiểm tra lại mẫu đất, mẫu nước”, bà Trần Huỳnh Hải Yến cho biết thêm.

Hội An - thành phố du lịch, sản xuất nông nghiệp “sinh thái”, do đó nông nghiệp hữu cơ là chìa khóa để nâng cao giá trị sản xuất một cách bền vững. Trong đó, Nông nghiệp hữu cơ không chỉ đem lại sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng mà còn mang lại sự cân bằng về môi trường sinh thái, môi trường sống, sức khỏe cho cả người sản xuất, người tiêu dùng và đất đai.

Tuy nhiên, Hội An cũng gặp nhiều khó khăn trong quá trình mở rộng diện tích canh tác hữu cơ. Hướng phát triển là những vùng nào đủ điều kiện sản xuất hữu cơ thì tập trung đầu tư sản xuất sản phẩm đạt tiêu chuẩn hữu cơ và được chứng nhận sản phẩm hữu cơ PGS Hội An.

Những vùng nào chưa đủ điều kiện chuyển đổi sang sản xuất hữu cơ thì vận động, đầu tư cho nông dân sản xuất theo quy trình canh tác không hóa chất độc hại để nâng cao chất lượng sản phẩm và bảo vệ sức khỏe, hệ sinh thái, đất đai; nhưng tầm nhìn sẽ luôn hướng tới sản xuất ra những sản phẩm hữu cơ đảm bảo đạt chứng nhận hữu cơ PGS và các chứng nhận hữu cơ quốc gia, quốc tế.